Trong bối cảnh không gian hoạt động của ngành quản lý quỹ Việt Nam hiện khá chật hẹp, mỗi khi đại diện Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết cơ chế cho sự ra đời và hoạt động của quỹ hưu trí tự nguyện sắp được hình thành, là lại một lần mang lại hy vọng cho các công ty quản lý quỹ.
Thậm chí, có những thời điểm TTCK rơi vào ảm đạm, èo uột, thông tin sắp có hành lang pháp lý cho quỹ hưu trí tự nguyện ra đời và hoạt động, đã hỗ trợ đáng kể cho tâm lý thị trường. Thế nhưng, thời gian trôi qua, hành lang pháp lý này vẫn chưa xuất hiện lại thêm một lần khiến họ thất vọng. Từ thất vọng, niềm tin trong họ thêm… “hao mòn”.
Việc càng chậm trễ ban hành và áp dụng chính sách này, càng làm gia tăng thách thức trong sớm hiện thực hóa các chỉ tiêu quan trọng trong Đề án hình thành và phát triển chương trình hưu trí tự nguyện như Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Đó là đến năm 2020, doanh số tích lũy của các quỹ hưu trí tự nguyện để đầu tư trở lại nền kinh tế, trong đó có thị trường vốn, TTCK khoảng 10.000 - 12.000 tỷ đồng...
Tuy nhiên, lần này, với việc đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có văn bản yêu cầu Bộ Tài chính phải trình Chính phủ dự thảo Nghị định về quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện trước ngày 30/5/2016 theo trình tự, thủ tục rút gọn, để đảm bảo ban hành trước ngày 1/7/2016, các thành viên thị trường đang kỳ vọng chính sách này sẽ không còn lỗi hẹn.
Chưa bao giờ họ cảm nhận được tính hiện thực của việc ra đời cơ chế này rõ nét đến như vậy, đặc biệt là trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ đang thể hiện những bước đi quyết liệt, đột phá trong chỉ đạo khắc phục tình trạng “nợ” văn bản pháp luật của các bộ, ngành; đổi mới mạnh mẽ tư duy của bộ máy hành chính nhà nước sang tâm thế phục vụ thay cho quản lý…
Sức ép lớn từ Người đứng đầu Chính phủ đang lan tỏa xuống các cấp. Chuyển động từ Bộ Tài chính cho thấy, cơ quan này đang gấp rút hoàn thiện dự thảo, để đảm bảo tuân thủ yêu cầu của Thủ tướng.
Ngoài ý nghĩa có đóng góp quan trọng cho cải thiện an sinh xã hội do hệ thống hưu trí dựa trên đa trụ cột, việc sớm hình thành quỹ hưu trí tự nguyện sẽ tác động kép tích cực đối với sự phát triển của TTCK. Đó là mở rộng cơ sở nhà đầu tư dài hạn, góp phần tăng sức cầu bền vững cho thị trường, đồng thời gia tăng dư địa cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho ngành quản lý quỹ Việt Nam.
Các thành viên thị trường đang nóng lòng muốn chứng kiến lần đầu tiên trong năm nay cơ chế cho quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện sẽ được ban hành, trên cơ sở đó thị trường sẽ có những bước khởi động cho sự ra đời của loại hình quỹ rất mới này tại Việt Nam.