Quỹ hưu trí tự nguyện, trễ hẹn đến bao giờ?

(ĐTCK) Sự chồng chéo về xây dựng cơ chế quỹ hưu trí giữa Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội dẫn đến một thực tế: đến nay, hành lang pháp lý cho sự ra đời và hoạt động của quỹ hưu trí tự nguyện đã trễ hẹn khá lâu so với lộ trình đề ra, nhưng không biết sẽ còn chậm đến bao giờ.
Quỹ hưu trí tự nguyện, trễ hẹn đến bao giờ?

Trong khi đó, nhu cầu về sản phẩm quỹ hưu trí tự nguyện đang ngày một lớn, nhất là khi Chính phủ thực hiện tăng mức đóng bảo hiểm xã hội kể từ 1/1/2016. Doanh nghiệp và người lao động mong muốn có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc lo cho tương lai khi về già, nhưng hiện nay, các sản phẩm này còn quá ít ỏi tại Việt Nam.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hiện trên thị trường có 30 quỹ đầu tư. Trong đó, đa phần các loại hình quỹ đầu tư theo thông lệ trên thế giới đã xuất hiện ở Việt Nam như: quỹ mở, quỹ ETF, quỹ thành viên, quỹ đầu tư bất động sản… Tuy nhiên, còn một loại hình quỹ rất phổ biến trên thị trường tài chính quốc tế đến nay vẫn chưa có, đó là quỹ hưu trí tự nguyện.

Theo lộ trình, lẽ ra trong năm 2014, Bộ Tài chính phải trình Chính phủ Dự thảo Nghị định về quỹ hưu trí tự nguyện để xem xét ban hành. Tuy nhiên, 2 năm trôi qua kể từ mốc đó, đến nay, vẫn chưa có. Đại diện Bộ Tài chính không dưới một lần cho biết dự kiến nghị định về loại hình quỹ này sẽ được ban hành trong năm 2015. Thời điểm ban hành chính sách này tiếp tục mờ mịt, khi trong số các nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng chính sách trong tháng 3/2016 của Bộ Tài chính vừa được công bố, không có nội dung về thúc đẩy ban hành cơ chế hoạt động của quỹ hưu trí tự nguyện.

Phó tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ không giấu bức xúc khi thẳng thắn nói: “Chúng tôi đề nghị Bộ Tài chính sớm đề xuất phương án cụ thể lên Chính phủ, để mở ra cơ chế cho quỹ hưu trí đi vào hoạt động…”. Ông cho rằng, quỹ hưu trí tự nguyện là sản phẩm có nhiều tiềm năng phát triển với nhu cầu lớn từ các doanh nghiệp muốn tạo thêm phúc lợi để giữ chân người tài, cũng như các cá nhân mong muốn tăng khả năng tài chính khi về già. Sản phẩm này tốt cho xã hội và cần cho ngành quản lý quỹ, khi ngành công nghiệp non trẻ này cần trợ lực chính sách để vươn lên.

Người lao động, các doanh nghiệp và khối công ty quản lý quỹ đều mong muốn có sản phẩm quỹ hưu trí tự nguyện. Dù ngành quản lý quỹ còn non trẻ, nhưng với hệ thống gồm 17 quỹ mở, trong đó có nhiều quỹ trái phiếu (sẵn sàng nhận ủy thác đầu tư cho quỹ hưu trí tự nguyện), các công ty quản lý quỹ đã sẵn sàng cho triển khai loại hình quỹ này.

Chậm trễ hoàn thiện khung pháp lý cho quỹ hưu trí tự nguyện vì đâu? Liệu năm 2016, 2017 sản phẩm này có được ra đời hay không và nếu còn chậm, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm? Câu hỏi này đang được dư luận đặt ra trong bối cảnh theo mục tiêu đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra, doanh số tích lũy của các quỹ hưu trí tự nguyện để đầu tư trở lại nền kinh tế, trong đó có thị trường vốn, thị trường chứng khoán đạt khoảng 10.000 - 12.000 tỷ đồng.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục