Thêm góc nhìn về trao quyền điều tra cho UBCK

(ĐTCK) Trong khi các đại biểu Quốc hội đang có ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất trao thẩm quyền điều tra ban đầu cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), thì các chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán chia sẻ thêm một góc nhìn về vấn đề này.
Điểm mấu chốt của các tội phạm kinh tế là buộc bồi thường ở mức cao nhất có thể cho các thiệt hại gây ra

Sau khi trải qua vòng thảo luận ở tổ, theo chương trình làm việc của Quốc hội, ngày 19/6 tới, lần đầu tiên dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự sẽ được đưa ra thảo luận tại hội trường Quốc hội.

Trong khi một số đại biểu Quốc hội ủng hộ trao thẩm quyền điều tra cho UBCK để nâng cao hiệu quả đấu tranh với các hành vi vi phạm ngày một tinh vi, phức tạp, trong đó đáng ngại nhất là hiện tượng làm giá cổ phiếu…, thì các ý kiến không ủng hộ cho rằng, do cơ quan quản lý TTCK ở gần cơ quan điều tra, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay cho cơ quan điều tra chuyên nghiệp, có nghiệp vụ đấu tranh với tội phạm, nên sẽ đấu tranh hiệu quả với các hành vi vi phạm, tránh oan sai…

Các ý kiến ủng hộ và không ủng hộ trao thẩm quyền điều tra cho UBCK, theo một số chuyên gia chứng khoán, đều có lý lẽ riêng, nhưng lại chưa đề cập đến bản chất hoạt động điều tra mang tính đặc thù trong lĩnh vực chứng khoán như thông lệ quốc tế.

Cụ thể, việc trao thẩm quyền điều tra ban đầu cho UBCK không phải và không nên hiểu là điều tra mang tính chất hình sự (khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam các đối tượng nghi vấn phạm tội…), mà đó là điều tra mang tính chất hành chính. Theo đó, việc trao thẩm quyền điều tra ban đầu cho UBCK đồng nghĩa UBCK được phép yêu cầu các đối tượng nghi vấn có hành vi vi phạm cung cấp các thông tin về nhân thân, email, sao kê điện thoại, truy xuất tài khoản ngân hàng… Việc tiếp cận các thông tin này đang là một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của UBCK trong quá trình giám sát, phát hiện, cũng như xử lý các hành vi vi phạm, nhất là các dấu hiệu làm giá, thao túng chứng khoán…

Ngoài ra, UBCK hiện là thành viên chính thức của Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán (IOSCO). Một trong những nguyên tắc quan trọng của IOSCO mà các thành viên phải tuân thủ là cơ quan quản lý TTCK phải có thẩm quyền điều tra, cưỡng chế thực thi. Là thành viên của IOSCO, UBCK được chia sẻ các thông tin về kết quả điều tra của các cơ quan quản lý TTCK các nước thành viên, đây là vấn đề rất quan trọng trong bối cảnh các giao dịch xuyên biên giới ngày càng tăng, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với thị trường. Ở chiều ngược lại, khi các cơ quan quản lý TTCK là thành viên của IOSCO đề nghị, yêu cầu UBCK phối hợp điều tra các giao dịch nghi vấn xuyên biên giới, hoặc chia sẻ các thông tin điều tra như nguyên tắc hoạt động của IOSCO, thì UBCK sẽ khó, thậm chí không thể đáp ứng được các yêu cầu này do không được trao thẩm quyền điều tra.

Khi TTCK Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với TTCK quốc tế, thì từ hệ thống luật pháp, đến mô hình tổ chức cơ quan quản lý, giám sát thị trường, Việt Nam không thể “một mình một chợ”, mà phải tuân thủ các luật chơi chung của quốc tế. Nếu Việt Nam chậm tuân thủ, hoặc chưa tuân thủ hoàn toàn các luật chơi này, hệ quả là TTCK Việt Nam bị xếp vào diện kém minh bạch. Điều này sẽ khiến TTCK Việt Nam bị “mất điểm” trong con mắt của NĐT quốc tế, tác động xấu đến nỗ lực thu hút dòng vốn nước ngoài vào TTCK Việt Nam.

Một nguyên tắc quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Quốc hội hiện nay là tránh hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Việc trao thẩm quyền điều tra ban đầu cho UBCK, là một trong những cách để cụ thể hóa nguyên tắc này, bởi khi thẩm quyền điều tra được trao cho UBCK, các hành vi vi phạm trên TTCK sẽ được tăng cường phát hiện và kịp thời xử lý bằng các chế tài hành chính, trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự, mới phải chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra. Yếu tố kịp thời trong xử lý vi phạm trên TTCK có ý nghĩa quan trọng, bởi nó giúp ngăn chặn được các tác động tiêu cực, rủi ro mang tính hệ thống. Trong khi yêu cầu này sẽ khó được đáp ứng nếu quá trông chờ vào kết quả xử lý vi phạm của cơ quan điều tra, do quy trình điều tra kéo dài, chứ không như điều tra mang tính hành chính. Khi hiệu lực của các chế tài hành chính được phát huy tối đa, sẽ góp phần giảm thiểu việc áp dụng các chế tài hình sự để xử lý các hành vi vi phạm trên TTCK. Đây cũng là cách làm phổ biến trên thế giới, để tránh gây tâm lý nặng nề trong giới đầu tư.

“Điểm mấu chốt của các tội phạm kinh tế nói chung, tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán nói riêng là buộc họ bồi thường ở mức cao nhất có thể cho các thiệt hại do họ gây ra, chứ không phải bỏ tù họ hoặc tử hình, để rồi những thiệt hại mà họ gây ra không được bồi thường, tạo nên gánh nặng cho xã hội, cho các bên bị hại…”, một chuyên gia chứng khoán chia sẻ quan điểm.   

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục