Thêm quyền là phù hợp với thông lệ quốc tế
Việc đề xuất trao thẩm quyền điều tra cho UBCK tương tự như quy định của pháp luật hiện hành đã trao thẩm quyền này cho các cơ quan: bộ đội biên phòng, kiểm lâm, cảnh sát biển, hải quan, theo cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Công an) là cần thiết. Lý do là bởi tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán ngày càng gia tăng phức tạp, tinh vi, trong khi đây là lĩnh vực đặc thù, nhiều nước cũng giao cho cơ quan quản lý TTCK thẩm quyền điều tra ban đầu.
Các TTCK ra đời và hoạt động sau Việt Nam rất xa như Lào, Campuchia, các cơ quan quản lý TTCK cũng có thẩm quyền điều tra ban đầu. Cơ quan quản lý TTCK Campuchia còn có phòng tạm giữ các đối tượng có dấu hiệu sai phạm để phục vụ quá trình điều tra… TTCK Việt Nam đã trải qua 15 năm hoạt động, nhưng đến nay cơ quản lý vẫn chưa được trao thẩm quyền điều tra theo thông lệ quốc tế. Hạn chế này, trong cái nhìn của các tổ chức, giới đầu tư quốc tế là một trong những nguyên nhân khiến cho TTCK Việt Nam bị đánh giá là kém minh bạch, dễ bị thao túng, làm giá, còn nhiều hạn chế trong bảo vệ quyền và lợi ích của NĐT.
Nhiều ý kiến không đồng thuận
Khi dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, nhiều ý kiến không đồng thuận với đề xuất trao thẩm quyền điều tra cho UBCK.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh và một số đại biểu, Kết luận 92/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 nêu rõ: giữ nguyên hệ thống tổ chức các cơ quan điều tra chuyên trách trong Công an, Quân đội và ngành Kiểm sát như hiện nay và sắp xếp tinh gọn đầu mối trong từng cơ quan, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, không chồng chéo nhiệm vụ…; giữ nguyên quyền hạn và quy định rõ hơn nhiệm vụ thực hiện một số hoạt động điều tra của bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, kiểm lâm... Trên cơ sở tinh thần này, việc trao thẩm quyền điều tra cho UBCK là không hợp lý.
Theo ông Khánh, nếu mở rộng diện các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như dự thảo là không phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc sắp xếp, tinh giảm đầu mối cơ quan điều tra, chưa phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp. Mặt khác, xét về nhu cầu thì nhiều ngành, lĩnh vực khác cũng mong muốn được giao chức năng điều tra như kiểm toán, thanh tra...
“Nhiều ngành khác cũng có nhu cầu điều tra, chứ không phải chỉ có ngành chứng khoán, thuế…”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước nhìn nhận, đồng thời cho rằng, việc mở rộng diện các cơ quan được giao chức năng điều tra có thể gây sự chồng lấn về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan điều tra...
Theo quan điểm của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, việc bổ sung cơ quan điều tra cần quán triệt tinh thần sắp xếp tinh gọn đầu mối trong từng cơ quan, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, không chồng chéo nhiệm vụ. Để đảm bảo hiệu quả của hoạt động điều tra tội phạm, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm, cần quy định theo hướng thẩm quyền điều tra nói chung phải tuân thủ nguyên tắc phân công, phân cấp chuyên sâu, kiểm soát chặt chẽ...
Tán thành với ý kiến không mở rộng đầu mối các cơ quan có chức năng điều tra, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Thuân kiến nghị, dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự cần tách bạch hoạt động quản lý hành chính với hoạt động tố tụng của ngành công an.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu chỉ đạo của Bộ Chính trị, trong đó có nội dung giữ nguyên các đầu mối điều tra hình sự, chỉ sắp xếp lại để tinh gọn hơn, tinh thông hơn, đảm bảo nguyên tắc không bỏ lọt tội phạm...
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến các đại biểu, Ban soạn thảo sẽ hoàn chỉnh dự thảo luật, để trình Quốc hội cho ý kiến trong thời gian tới.