Thêm giải pháp thuế hỗ trợ doanh nghiệp

(ĐTCK) Thông tin được nhiều doanh nghiệp chào đón trong ngày đầu tuần này là việc Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về áp trần tỷ lệ lãi vay với các doanh nghiệp có hoạt động liên kết.
Thêm giải pháp thuế hỗ trợ doanh nghiệp

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3, Ðiều 8, Nghị định số 20/2017 của Chính phủ về áp trần tỷ lệ lãi vay các doanh nghiệp có hoạt động liên kết, nhằm tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và thực hiện việc hồi tố tiền thuế cho doanh nghiệp từ các năm 2017, 2018.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định đối với nội dung xử lý hồi tố cho năm 2017, 2018, bù trừ nghĩa vụ thuế của các kỳ tính thuế tiếp theo, nhưng tối đa không quá 5 năm.

Ðáng chú ý, để sớm ban hành quy định gỡ khó cho doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính ký tắt Nghị định, trình Thủ tướng ký ban hành ngay trong ngày 20/4. Ðồng thời, Thủ tướng yêu cầu bộ này phải có các giải pháp quản lý chặt chẽ, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm khi xử lý hồi tố theo quy định của Nghị định.

Uớc tính, hơn 1.000 doanh nghiệp được hưởng lợi; trong đó, có nhiều tập đoàn tư nhân đang gặp vướng mắc khó khăn sẽ được hồi tố giao dịch liên kết với tổng trị giá lên tới gần 5.000 tỷ đồng.

“Nghị định sửa đổi sớm được ban hành trong thời điểm này là những giải pháp hỗ trợ rất quyết liệt kịp thời của Chính phủ, vừa đảm bảo tính công bằng, hợp tình hợp lý trong chính sách thuế cho doanh nghiệp, đồng thời giúp tháo gỡ vướng mắc kịp thời để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động từ đại dịch Covid-19, ổn định trở lại hoạt động sản xuất-kinh doanh”, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhận định.

Ðại diện cho tiếng nói của hàng loạt doanh nghiệp bất động sản liên tục kiến nghị sửa đổi Nghị định 20/2017 thời gian qua, ông Nam cho rằng, việc ban hành sửa đổi nghị định này sẽ giúp các doanh nghiệp đã bị tính thuế trong các năm 2017, 2018 sẽ sớm được hoàn lại thuế, yên tâm tin tưởng vào các chính sách và sự đồng hành của Chính phủ.

Là một trong những doanh nghiệp đã và đang chịu nhiều ảnh hưởng bất cập từ Nghị định 20, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC nhấn mạnh, việc sửa đổi Nghị định 20 được giới doanh nghiệp nói chung cũng như FLC rất mong chờ.

Băn khoăn trong kiến nghị trước đó, đại diện Tập đoàn FLC cho rằng, dự thảo mới đây của Bộ Tài chính tuy đã đề cập tới việc tăng mức khống chế trần chi phí lãi vay lên 30%, nhưng một vấn đề quan trọng là các doanh nghiệp đã nộp thuế theo mức 20% tại các kỳ tính thuế 2017, 2018 trước đó có được hồi tố hay không thì vẫn còn bỏ ngỏ.

“Tinh thần của Nghị định 20 là siết chặt quản lý để hạn chế tình trạng chuyển giá, trốn thuế vốn hay xảy ra tại khối doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng khi áp dụng vào thực tế, ảnh hưởng nặng nề nhất lại chính là các doanh nghiệp nội, đặc biệt doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, trong khi đây lại là những đối tượng có rất ít động cơ hay khả năng để chuyển giá”, bà Dung phân tích và cho rằng, cần xem xét điều chỉnh những bất cập này tại Nghị định 20 để vừa phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng cũng phải bám sát tình hình doanh nghiệp trong nước, nhất là trong thời điểm khó khăn như hiện nay.

Thậm chí, đề xuất mạnh mẽ hơn, bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Tổng giám đốc CTCP Eurowindow Holding kiến nghị, Chính phủ nên cân nhắc huỷ bỏ mức trần chi phí lãi vay được tính trừ tại dự thảo sửa đổi.

“Dù có nâng mức trần chi phí lãi vay được khấu trừ từ 20% lên 30% thì cũng mới chỉ giải quyết được một phần, triệt để nhất là nên hủy bỏ quy định này; đồng thời cho hồi tố khoản tiền thuế đã thu được của doanh nghiệp từ 2017 - 2018, thay vì chỉ riêng năm 2019 như đề nghị của Bộ Tài chính”, đại diện Eurowindow nhấn mạnh.

Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, trong đó có các tập đoàn lớn như Vingroup, Masan đều chung kiến nghị cần sửa đổi kịp thời nghị định này để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup nhấn mạnh mong muốn Chính phủ khẩn trương rà soát lại các quy định, tháo gỡ các rào cản để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và  phát triển.

“Cộng đồng doanh nghiệp rất mừng vì Thủ tướng Chính phủ đồng ý tăng trần khống chế chi phí lãi vay lên 30% và hồi tố từ năm 2017, 2018. Nhiều doanh nghiệp suy giảm nguồn lực đáng kể, rất cần những chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp vực dậy và tiếp tục phát triển”, đại diện Vingroup bày tỏ.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục