Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp ổn định, duy trì hoạt động

Không thể bắt doanh nghiệp trở lại hoạt động, nếu doanh nghiệp không muốn hoặc không đủ sức. Nên hỗ trợ để doanh nghiệp tồn tại, duy trì hoạt động đang là điều cần được ưu tiên.
Doanh nghiệp mong muốn Chính phủ có các khoản hỗ trợ để tồn tại. Ảnh: Đức Thanh Doanh nghiệp mong muốn Chính phủ có các khoản hỗ trợ để tồn tại. Ảnh: Đức Thanh

Doanh nghiệp lo cho người lao động

Sáng 18/3, trước khi bắt đầu giờ làm việc, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Tập đoàn U&I nhận tin Williams-Sonoma tuyên bố đóng cửa tạm thời tất cả cửa hàng ở Mỹ và Canada. Như vậy, các nhà bán lẻ nội thất lớn của Mỹ đều đã đóng cửa. Các cảng bờ Đông của Mỹ cũng đóng cửa. “Như vậy là sau khi lo lắng về chuỗi cung ứng với khó khăn chính là thiếu nguồn cung từ Trung Quốc thì bây giờ là thị trường tiêu thụ. Doanh nhân Việt Nam vốn lạc quan và giỏi xoay xở, nhưng khi không giao hàng được, không nhận được đơn đặt hàng mới… thì chuyện hiển nhiên là dòng tiền của doanh nghiệp sẽ nhanh chóng cạn kiệt và không có việc làm cho nhân viên của mình”, ông Mai Hữu Tín chia sẻ nhận định.

Thực ra, ông Tín không muốn nói nhiều về khó khăn vào lúc này, nhất là khi những khó khăn từ thị trường Mỹ và châu Âu có thể sẽ khiến một số doanh nghiệp buộc phải chọn phương án tạm dừng để đợi thị trường tốt lên. Ngay cả các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp đang kỳ vọng vào sự trở lại của thị trường Trung Quốc sau khi đỉnh dịch đi qua, thì việc cân nhắc các sản phẩm ưu tiên cũng đang được đưa ra để đảm bảo có thể tiêu thụ được.

Nhưng, điều ông mong muốn chia sẻ lúc này là các giải pháp hỗ trợ người lao động khi doanh nghiệp gặp khó. Vì trong phương án tốt nhất đang được nhiều doanh nghiệp bàn tới, là tháng 8/2020 có vaccine, thì khả năng nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi dần từ quý IV/2020, nghĩa là dòng tiền thật cho doanh nghiệp chỉ có thể ổn trở lại từ đầu năm 2021.

“Lúc này, mọi kế hoạch hỗ trợ nên nghĩ đến việc làm sao những nơi tập trung nhiều lao động nhất sẽ được hỗ trợ, giữ cho người lao động không mất việc và có thu nhập, dù ở mức tối thiểu. Trong giai đoạn này, cùng với thực hiện các phương án ứng phó, chúng tôi cũng phải tìm cách để bảo vệ công nhân của mình”, ông Tín nói.

Đây là cũng là lý do mà ông Nguyễn Tiến Phong, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông (Thanh Hóa) đã quyết định đi chậm lại. “Thay vì theo đuổi các mục tiêu của Công ty, chúng tôi đang dành thời gian để quan tâm đến người lao động. Các kế hoạch mới sẽ đành phải tính toán sau”, ông Phong cho biết.

Áp lực chi phí vốn chưa hết

Lượng hàng thành phẩm tồn kho lớn, nhiều lô hàng xuất - nhập đang bị trì hoãn, khách hàng chậm thanh toán ảnh hưởng tới vòng quay vốn lưu động và lịch thanh toán nợ vay đến hạn trong 3 tháng tới, từ tháng 3 đến tháng 5/2020, doanh thu xuất khẩu cũng đã giảm đáng kể. Tại Hàn Quốc, một số khách hàng đã từ chối thực hiện đơn hàng mới…

Đây là vài nét trong bức tranh doanh nghiệp ngành thủy sản mà Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) vừa vẽ lại sau khi khảo sát các hội viên theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, trong khi doanh nghiệp đang rất cần nguồn vốn vay ngân hàng, thì thủ tục phức tạp với chi phí cao khiến các hội viên của VASEP lo ngại.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP cho biết, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, doanh nghiệp đề xuất ngân hàng cần có gói tín dụng lãi suất ưu đãi (nhỏ hơn 5%/năm) cho các doanh nghiệp sản xuất vay và giảm thiểu phí lưu kho do hàng hóa chậm tiêu thụ, đồng thời giảm lãi suất tiền vay cho tất cả các khoản vay giải ngân từ ngày 1/2/2020.

Hiện tại, ngân hàng chỉ mở hạn mức tín dụng theo hợp đồng có thời hạn 1 năm; mức lãi suất cho vay vẫn cao, 6 - 8,5% với tiền đồng, 4 - 4,5% với USD.

“Phần lớn các doanh nghiệp đề xuất, mức lãi suất phù hợp trong giai đoạn này nên từ 3 - 6,5% và mức lãi suất phù hợp với USD là từ 1,5 - 2,8%”, ông Nam đề xuất theo kiến nghị của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, so với các năm trước, hiện nay cũng phát sinh thêm nhiều khoản phí mà doanh nghiệp phải gánh thêm, như phí hồ sơ xuất khẩu, phí giao dịch, phí điện, phí chiết khấu, phí quản lý tài khoản, phí nhắn tin, phí gửi hồ sơ... VASEP cho rằng, đây là các chi phí cần được giản lược, bên cạnh mong muốn nới lỏng các điều kiện cho vay, cấp thêm hạn mức tín chấp dựa vào kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn hơn trong lúc này.

Phải giữ doanh nghiệp tồn tại

“Đây không phải là lúc Chính phủ ngần ngừ với các chỉ tiêu kế hoạch cứng nhắc”, ông Nguyễn Tiên Phong, chuyên gia kinh tế, trợ lý Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam nói. Thậm chí, ngay cả khi các khoản ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp có thể đẩy bội chi lên cao hơn, thì vẫn là việc cần phải làm.

“Giờ là lúc Chính phủ phải chi để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động. Đừng để doanh nghiệp dừng hoạt động rồi mới kêu gọi trở lại, vì khi đó, chi phí đầu tư mới, chi phí tìm kiếm lao động… sẽ bị đẩy lên cao. Chưa kể, nền kinh tế sẽ không thể tìm kiếm sự năng động nhanh khi dịch đi qua vì doanh nghiệp quá khó khăn. Hơn thế, tôi cho rằng, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô không nên là các chỉ tiêu cứng nhắc”, ông Phong khuyến nghị.

Ông Phong cũng chia sẻ quan điểm, không nhà nước nào có thể bắt doanh nghiệp trở lại hoạt động, nếu doanh nghiệp không muốn hoặc không đủ sức, nên các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần phải xem xét nhanh và phù hợp.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục