Trái với quy luật hàng năm, ngành thép đã có 9 tháng sôi động với việc quý III tăng trưởng đột biến về sản lượng tiêu thụ. Có thể nói 2017 là năm chứng kiến những diễn biến lạ của ngành thép.
Nói lạ là bởi, theo quy luật nhiều năm trước, sau quý I và quý II sôi động, ngành thép sẽ bước vào quý III trầm lắng, do tháng 7 – 8 là giai đoạn mưa nhiều, nhu cầu xây dựng giảm.
Tuy nhiên, sau 5 tháng đầu năm nay tăng trưởng khá chậm, với 6,43 triệu tấn thép được tiêu thụ thì từ cuối tháng 6, tiêu thụ thép xây dựng bất ngờ tăng đột biến, nâng tổng sản lượng thép tiêu thụ trong 6 tháng lên hơn 7,8 triệu tấn, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, lượng thép xây dựng tiêu thụ trong 6 tháng đạt hơn 4,2 triệu tấn, tăng 10,3% so với cùng kỳ.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, cuối tháng 6, các doanh nghiệp thép tại phía Nam đã chạy hết công suất, có doanh nghiệp chạy vượt công suất thiết kế nhưng vẫn “cháy hàng”. Hầu như không có doanh nghiệp nào tồn kho thép xây dựng thời điểm ấy.
Nhu cầu thép xây dựng tăng cao, cộng với giá thép trong nước tăng theo đà tăng của giá thép trên thị trường thế giới giúp các doanh nghiệp trong ngành có một mùa thấp điểm nhiều tin vui.
Khởi đầu quý III, tiêu thụ thép các loại trong nước đạt gần 9,5 triệu tấn, tăng 15,1% so với cùng kỳ. Xuất khẩu thép đạt 2,5 triệu tấn, đạt kim ngạch 1,67 tỷ USD, tăng 26% về lượng và 50% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Riêng trong tháng 7/2017, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng đạt 908.008 tấn. Đây là tháng có sản lượng tiêu thụ lớn thứ 2 tính từ 3 năm trở lại đây.
Tháng có sản lượng tiêu thụ thép xây dựng cao nhất là tháng 3/2016 với 1 triệu tấn. Như vậy, trái với lo ngại tháng 7, tháng bắt đầu mùa mưa lại là tháng tiêu thụ thép mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thép cũng được hưởng lợi về giá khi giá thép thế giới tăng mạnh. Giá thép xây dựng trong nước hiện giao động quanh mức 12,1 - 12,4 triệu đồng/tấn, tăng 15 - 17% so với thời điểm giữa tháng 7.
Với tốc độ tăng trưởng đột biến của ngành thép trong đầu quý III, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch VSA cho rằng ngành thép có thể cán mốc tăng trưởng 12% trong năm nay như dự báo từ đầu năm.
Bên cạnh đó, quý IV là thời điểm các doanh nghiệp tăng tốc để đạt mục tiêu kinh doanh cùng nhiều chiến lược bán hàng được tung ra.
Cùng với diễn biến tích cực trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép, các cổ phiếu nhóm ngành này đã khởi sắc mang đến nhiều cơ hội cho nhà đầu tư.
Thời điểm cuối quý III này, thị trường cũng sẽ đón thêm một cổ phiếu của một doanh nghiệp ngành thép lên sàn, đó là Công ty cổ phần Thép Mê Lin (MEL).
CTCP Thép MêLin (MEL) được thành lập năm 2003 và chính thức cổ phần hóa năm 2015. Nhà máy của MEL hiện đặt tại KCN Quang Minh - Mê Linh - Hà Nội với diện tích trên 30.000 m2.
Trong ngành thép, doanh nghiệp này đang tham gia vào các hoạt động phân phối và gia công sản phẩm thép.
Đối với thị trường trong nước, MEL đang cung cấp các loại sản phẩm thép cho các lĩnh vực như xây dựng, nội thất, điện lạnh, đồ gia dụng và các ngành công nghiệp nặng (đóng tàu, sản xuất ô tô, chế tạo, kết cấu thép...)
Đối với thị trường nước ngoài, Công ty chuyên xuất khẩu nguyên vật liệu chính để sản xuất ra sản phẩm thép đó là Ferro. Đối tác chính của MEL là Công ty Metz Corpotation ( Nhật Bản).
Với các hoạt động chính nói trên, giai đoạn từ khi cổ phần hóa, 2 năm 2015 và 2016, MEL đem về doanh thu mỗi năm hơn 1.000 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm 2017, MEL báo cáo doanh thu thuần đạt xấp xỉ 650 tỷ đồng, lãi sau thuế 13,14 tỷ đồng, tương đương 69% lợi nhuận cả năm 2016 (19 tỷ đồng).
Với nền tảng thuận lợi từ thị trường, chính sách, cùng với thế mạnh riêng có, MEL kỳ vọng tiếp tục có bước đột phá sau khi gia nhập thị trường chứng khoán. 15 triêu cổ phiếu MEL, tương đương vốn điều lệ 150 tỷ đồng, sẽ chính thức niêm yết từ 27/9.
Hiện 60,45% vốn MEL nằm trong tay 3 cổ đông lớn cũng là 3 cổ đông sáng lập gồm bà Lê Thị Hương Giang (45%), ông Lê Hồng Minh (10%) và ông Phạm Quang (5,45%).
Là ngành công nghiệp nền tảng, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép nhận được rất nhiều chính sách ưu đãi từ Chính Phủ.
Trong đó phải kể đến chính sách ưu đãi thuế xuất nhập khẩu, biện pháp tự vệ chính thức đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ khác nhau….
Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) dự báo, trong 5 năm tới, ngành thép sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức xấp xỉ 12- 15%.
Trong dài hạn, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và phát triển cơ sở hạ tầng tiếp tục là các yếu tố thúc đẩy nhu cầu sử dụng thép.
Tốc độ đô thị hóa trung bình hàng năm của Việt Nam uớc tính trong 10 năm tới vào khoảng 3%. Theo kế hoạch, tỷ lệ đô thị hóa có thể đạt 50% vào năm 2025.
Với nền tảng thuận lợi từ thị trường, chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ, cùng với thế mạnh riêng của Công ty, MEL kỳ vọng tiếp tục có bước đột phá sau khi gia nhập thị trường chứng khoán. Việc niêm yết trên thị trường chứng khoán là cơ hội để Công ty khuếch trương uy tín, tầm ảnh hưởng, mở rộng hoạt động hợp tác đầu tư với các tập đoàn hàng đầu Nhật Bản cũng như đánh giá được giá trị doanh nghiệp rộng rãi hơn, chủ động nguồn vốn dài hạn cho đầu tư phát triển của Công ty trong tương lai.