Thế giới lo doanh nghiệp Trung Quốc dư cung

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đang rộ lên làn sóng phàn nàn về sản lượng khổng lồ của các nhà máy của Trung Quốc khiến hàng hóa giá rẻ tràn ngập thị trường thế giới, đe dọa tới hoạt động của các doanh nghiệp bản địa.
Thế giới lo doanh nghiệp Trung Quốc dư cung

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu, những người đang đe dọa áp thuế quan đối với xe điện, là những người mới nhất chỉ trích Trung Quốc về tình trạng dư thừa công suất. Trước khi gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, bà hy vọng Bắc Kinh sẽ sớm có hành động nhằm giảm bớt sản lượng sản xuất.

Rất có thể, Chủ tịch Ủy ban châu Âu sẽ thất vọng, vì nếu Trung Quốc làm làm vậy có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế trong nước vốn đang èo uột. Trung Quốc đã công bố các đề xuất vào ngày 8/5/2024 nhằm giảm tốc độ mở rộng trong ngành công nghiệp pin, nhưng chúng không có tính ràng buộc. Trong khi đó, cơ quan kế hoạch nhà nước tuần trước đã công bố một bản báo cáo gồm 4 phần về những tuyên bố rằng, nước này có quá nhiều năng lực để sản xuất các sản phẩm năng lượng sạch. Báo cáo cho biết, ngành công nghiệp Trung Quốc có khả năng cạnh tranh nhờ vào sự đổi mới, chứ không phải nhờ trợ cấp.

Điều đó đã trở thành tiêu chuẩn của Bắc Kinh về các ngành công nghệ cao như xe điện và tấm pin mặt trời. Chúng rất quan trọng đối với kế hoạch phục hồi nền kinh tế của nước này - đó là lý do tại sao Trung Quốc có thể sẽ không ngừng hỗ trợ chúng, cho dù bị gây sức ép. Chúng cũng có tầm quan trọng chiến lược đối với các quốc gia khác, đó là lý do tại sao các rào cản thương mại đang gia tăng.

Nhưng các đối tác thương mại của Trung Quốc, bao gồm cả những đối tác thân thiện như Brazil, cũng dần đưa ra phản đối về tất cả các loại sản phẩm nằm trong chuỗi giá trị, từ thép, hóa dầu đến máy xúc. Ở nhiều khu vực trong số này, thặng dư xuất hiện như một tác dụng phụ không mong muốn của sự sụt giảm trong lĩnh vực bất động sản vốn đang đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc.

Bắc Kinh vẫn chưa tìm ra cách ngăn chặn sự trượt dốc đó, ngoại trừ việc chuyển sang sử dụng công nghệ cao để bù đắp, vì vậy cả hai loại sản xuất thừa này tiếp tục tồn tại.

Những năm gần đây, Trung Quốc bơm mạnh tiền vào lĩnh vực sản xuất không gắn liền với tăng trưởng tiêu dùng nội địa như xe điện, tấm năng lượng mặt trời, sắt thép.

Theo ông Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại HSBC Holdings rằng, không có giải pháp nhanh chóng và đơn lẻ nào cho thách thức dư thừa công suất của Trung Quốc. Trong lĩnh vực năng lượng sạch, nguyên nhân cốt lõi là do đầu tư mạnh mẽ của Trung Quốc, trong khi ở các ngành truyền thống hơn, vấn đề là do nhu cầu yếu, đặc biệt là hoạt động xây dựng nhà ở đang chững lại.

Ông Frederic Neumann cho rằng, điều cuối cùng cần thiết là “cách tiếp cận theo hai hướng” để cân bằng cung và cầu, bao gồm ổn định thị trường nhà ở Trung Quốc và giúp người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn.

Nhưng đó là vấn đề không dễ giải quyết. Trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhận định rằng, nước này đã hướng quỹ nhà nước vào các ngành công nghiệp quan trọng, hỗ trợ các công ty thua lỗ, khiến hàng hóa tràn ngập thị trường thế giới, đe dọa sinh kế của doanh nghiệp bản địa.

Quan điểm của Mỹ là Trung Quốc nên dựa nhiều hơn vào nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và ít phụ thuộc hơn vào phần còn lại của thế giới. Bà Janet Yellen thừa nhận quy mô của thách thức đó khi nói với các phóng viên ở Quảng Châu: “Đây là một vấn đề phức tạp liên quan đến toàn bộ chiến lược công nghiệp và kinh tế vĩ mô của họ. Nó sẽ không được giải quyết trong một buổi chiều hay một tháng”.

Hiện tại, các hộ gia đình Trung Quốc và chính quyền địa phương đang “thắt lưng buộc bụng” sau cuộc khủng hoảng nhà đất. Với nhu cầu trong nước yếu, tỷ lệ công suất hiệu dụng công nghiệp của Trung Quốc tháng trước giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, các nhà máy chuyển hướng sang thị trường nước ngoài, giúp xuất khẩu tăng vọt.

Ngành công nghiệp pin năng lượng mặt trời là một trường hợp dư thừa điển hình, sau khi việc mở rộng quy mô lớn dẫn đến “cuộc chiến” về giá và lợi nhuận sụt giảm.

Trong ngành ô tô, tình hình dường như phức tạp hơn. Công suất sử dụng giảm mạnh trong quý đầu năm nay, nhưng các nhà xuất khẩu xe điện lớn như BYD, Tesla đang hoạt động ở mức cao hơn so với tổng thể ngành.

Linh Hương
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục