Đằng sau kế hoạch M&A khủng
Động thái của Thế giới Di động bắt đầu được nhà đầu tư chú ý khi công ty này gửi văn bản xin ý kiến cổ đông việc nâng ngân sách cho việc mua bán - sáp nhập (M&A) lên 2.500 tỷ đồng.
Theo đề xuất của Hội đồng Quản trị trong văn bản xin ý kiến cổ đông, số tiền 2.500 tỷ đồng sẽ được huy động từ vốn vay, phát hành trái phiếu, phần lợi nhuận chưa phân phối và phát hành cổ phiếu mới.
Bên cạnh đó, Thế giới Di động cũng trình việc phát hành riêng lẻ 6,7 triệu cổ phiếu, tương đương 2,18% vốn cổ phần lưu hành cho không quá 10 nhà đầu tư, với giá chào bán sẽ được ủy quyền cho Hội đồng Quản trị đàm phán với nhà đầu tư để chốt ở mức phù hợp.
Toàn bộ số lượng cổ phiếu phát hành mới sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn tất đợt phát hành. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2017.
Thế giới Di Động sẽ nâng ngân sách cho việc mua bán - sáp nhập lên 2.500 tỷ đồng
Liên quan tới những đồn đoán việc Thế giới Di động có dự định mua lại Trần Anh, cả lãnh đạo Trần Anh và Thế giới Di động đều chưa thể xác nhận, nhưng cũng không tỏ thái độ phủ nhận thông tin.
Ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thế giới Di động cho biết, đó là câu chuyện dài, nếu thực hiện sẽ cần phải qua nhiều bước khác nhau, nên không thể nói trước. Tuy nhiên, ông Doanh cho biết, kế hoạch dành ngân sách lên tới 2.500 tỷ đồng của Công ty trên cơ sở có thể dành cho nhiều thương vụ khác nhau, chứ không phải chỉ một thương vụ.
Trong khi đó, về phía Trần Anh, ông Trần Xuân Kiên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng giám đốc cho biết, hiện tại, ông chưa có ý kiến hay bình luận gì về việc này. Tuy nhiên, theo ông Kiên, sắp tới, Trần Anh sẽ có văn bản xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông về một số kế hoạch sắp tới.
Thực lực 2 đại gia
Với những tín hiệu như hiện nay, cho dù thông tin việc Thế giới Di động sẽ mua Trần Anh vẫn chưa được các bên liên quan xác nhận, song những đồn đoán về việc này không phải không có cơ sở.
Nếu thông tin sáp nhập là thực, thị trường điện máy sẽ có một sự thay đổi toàn cục, với sự chi phối toàn diện của một thế lực rất hùng mạnh.
Chỉ riêng Thế giới Di động, tính đến cuối tháng 6 đã có một hệ thống siêu thị dày đặc với 1.527 siêu thị, trong đó có 1.013 siêu thị Thegioididong.com và 404 siêu thị Điện máy Xanh. Trong khi đó, với Trần Anh, tại thị trường phía Bắc và miền Trung, đại gia điện máy này gần như phủ sóng kín tại các địa bàn trọng điểm, với 35 siêu thị tại 21 tỉnh, thành phố. Trong đó, riêng Hà Nội, Trần Anh có 11 siêu thị.
Tại miền Bắc, Trần Anh hiện có 35 siêu thị tại 21 tỉnh, thành phố
Số lượng siêu thị của Trần Anh tuy nhỏ hơn nhiều so với Thế giới Di động, nhưng bù lại, quy mô mỗi siêu thị lại rất lớn, trung bình lên tới 2.000 m2, trong khi quy mô trung bình của các siêu thị Thegioididong.com và Điện máy Xanh chỉ khoảng 300 m2.
Về quy mô, Thế giới Di động hiện có vốn chủ sở hữu lên đến gần 4.400 tỷ đồng, tổng tài sản trên 14.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Trần Anh có vốn sở hữu 276 tỷ đồng, tổng tài sản 1.228 tỷ đồng.
Về kinh doanh, doanh thu 6 tháng đầu năm của Thế giới Di động lên tới hơn 31.243 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 1.000 tỷ đồng. Với Trần Anh, tổng doanh thu lũy kế 6 tháng đầu năm đạt hơn 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2,6 tỷ đồng.
Rõ ràng, nếu kịch bản Trần Anh sáp nhập vào Thế giới Di động thành hiện thực thì sức mạnh của đại gia Thế giới Di động chắc sẽ gia tăng đáng kể, bởi Trần Anh hiện là thương hiệu điện máy mạnh tại miền Bắc.
Thương vụ này nếu thành công sẽ giúp Thế giới Di động càng củng cố vững chắc hơn ngôi vị số 1 của mình. Đương nhiên, đây cũng là một kết quả không mấy “dễ thở” đối với các thương hiệu điện máy còn lại trên thị trường.