Đồng thời, bản thân các doanh nghiệp cũng cần vận động tích cực, chẳng hạn minh bạch hóa thông tin, tự hoàn thiện vấn đề quản trị, có định hướng M&A rõ ràng, thậm chí phải xác định trước được đối tác và tìm hiểu khẩu vị của đối tác tương lai đó…
Có một thực tế rằng, các doanh nghiệp Việt Nam chạy khá chậm trong cuộc đua thu hút vốn so với các doanh nghiệp cùng khu vực. Đơn cử, trong lĩnh vực công nghệ, theo ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG, mặc dù có giá trị hàng tỷ USD, song nguồn vốn đổ vào cộng đồng start-up Việt Nam rất nhỏ, dưới 100 triệu USD/năm.
“Từ đầu năm đến nay, 6 công ty tại Indonesia và Singapore nhận được khoản đầu tư khoảng 5 tỷ USD, 4 trong 6 công ty đó đã có mặt tại Việt Nam. Ước tính, chỉ cần 20% tổng số nguồn vốn mà họ huy động được dùng để đầu tư vào Việt Nam thì cũng là con số đáng kể”, ông Minh cho hay.
Cũng theo ông Minh, các doanh nghiệp Việt cần phải định vị mình là công ty quốc tế mới hấp dẫn được các nhà đầu tư. Muốn vậy, doanh nghiệp phải trả lời được câu hỏi mình muốn gì và giá trị mình mang lại cho đối tác là gì. Mặt khác, về phía Chính phủ, cần định vị rõ ràng vị trí của Việt Nam trong nền kinh tế khu vực, từ đó doanh nghiệp mới thuận lợi huy động vốn từ hoạt động M&A.
“Mới đây nhất, VNG có một giao dịch rất nhỏ, nhưng phải xin ý kiến tới 5 bộ”, ông Minh chia sẻ.
Là đơn vị có nhiều kinh nghiệm thực hiện tư vấn M&A, ông Lê Viết Anh Phong, Phó tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ Tư vấn tài chính Deloitte Việt Nam cho biết, có nhiều thương vụ thất bại vì những khó khăn khi thực hiện M&A tại Việt Nam. Chẳng hạn, tại các đợt thoái vốn ở doanh nghiệp nhà nước, các các thông tin về mức giá, hoạt động doanh nghiệp, tài chính, quá trình thoái vốn… của doanh nghiệp không được công bố rõ ràng; chất lượng thông tin không đảm bảo, nhiều hệ thống sổ sách kế toán không giống nhau; chuẩn bị kế hoạch kinh doanh không phù hợp với chiến lược phát triển; thậm chí, có những doanh nghiệp còn không hiểu M&A là gì, mà chỉ hiểu đơn thuần là gọi vốn hay sẽ là sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm để mở rộng thị trường.
“Đáng chú ý, chất lượng đội ngũ quản lý chưa cao, chưa có tính kế thừa, nên khi nhà đầu tư nước ngoài tham gia, họ không biết ai sẽ là người thực hiện các kế hoạch trong các năm tới, khi mà người cũ không còn điều hành”, ông Phong cho hay.
Chia sẻ kinh nghiệm để cơ hội M&A trở nên hiện hữu hơn với các doanh nghiệp, ông John Lim Hui Min, Giám đốc Khối Thương mại và nhà ở VSIP Group, đơn vị đã tham gia đầu tư tại Việt Nam trong 20 năm qua cho biết, VSIP Group chỉ làm việc với một doanh nghiệp là Becamex, với sự hợp tác cởi mở, cùng nhau đồng hành. Điểm quan trọng là chúng tôi không tập trung vào lợi nhuận, mà tìm kiếm doanh nghiệp có chiến lược lâu dài và tạo ra giá trị trong tương lai. Do vậy, các vấn đề về minh bạch, tầm nhìn chiến lược cần được thuyết minh rõ ràng, chi tiết và chặt chẽ.
Với vai trò là công ty đón nhận nguồn vốn nước ngoài, ông Chu Chee Kwang, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Nam Long (NLG) cho biết, NLG có 2 nhóm nhà đầu tư, đó là nhà đầu tư mua cổ phần và nhà đầu tư dự án. Do vậy, cần hiểu tiêu chí của mỗi nhóm nhà đầu tư.
“Đối với cấp độ dự án, NLG đã tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài từ năm 2008, thời điểm chưa có nhiều thương vụ M&A, chủ yếu là chiến lược kinh doanh mở rộng thông qua tìm kiếm đối tác nước ngoài. NLG cần vốn và cải thiện quy trình, muốn học hỏi kinh nghiệm và hoạt động chuyên nghiệp hơn nên cần có đối tác đồng hành. Từ đó đến nay, NLG đã chủ động hợp tác với nhiều nhà đầu tư. Trong năm 2018, NLG vẫn sẽ phát triển mạnh các thương vụ hợp tác với đối tác nước ngoài ở cấp độ dự án”, ông Chu Chee Kwang chia sẻ.
Mặc dù vẫn cần nhiều cải thiện, nhưng theo các chuyên gia, xu hướng M&A trong thời gian tới ở Việt Nam vẫn khá tích cực, điều quan trọng là doanh nghiệp Việt Nam cần phải nắm bắt được cơ hội.