Diễn đàn M&A Việt Nam 2017: Kỳ vọng đột phá gỡ “nút thắt” cho nhà đầu tư ngoại

Theo các nhà quản lý, chuyên gia tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2017, tới đây sẽ có nhiều vấn đề được cho là mang tính đột phá, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài.
Diễn đàn M&A Việt Nam 2017: Kỳ vọng đột phá gỡ “nút thắt” cho nhà đầu tư ngoại

Nguồn hàng đến từ đâu?

Theo các chuyên gia, hiện có 2 nguồn hàng chính. Thứ nhất, từ nguồn cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp Nhà nước. Thứ hai, đến từ việc thoái vốn tại các doanh nghiệp (DN) đã cổ phần mà Nhà nước đang nắm giữ vốn.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) xác nhận điều này tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2017 và thông tin cụ thể hơn đối với các nhà đầu tư.

Cụ thể, đến thời điểm này đã công bố danh sách 137 DN đã cổ phần mà Nhà nước đang nắm giữ vốn tại DN, trong đó, có 103 DN sẽ bán 100% vốn mà Nhà nước đang nắm giữ.

Cũng theo ông Tiến, theo kế hoạch, trong năm 2017 sẽ tiến hành tại 44 DN, trong đó có một số DN được nhà đầu tư quan tâm như các DN họ nhà Cenco, DN thuộc Tập đoàn cao su. Ngoài ra, một số DN đang được nhà đầu tư quan tâm như Vinamilk vừa công bố bán một phần vốn mà Nhà nước đang nắm giữ.

“Chính phủ sẽ công bố các thông tin ngay trong năm nay để tạo môi trường công khai, minh bạch với nhà đầu tư ”, ông Tiến khẳng định và cho biết thêm, sẽ công khai về lộ trình thực hiện CPH các doanh nghiệp Nhà nước, việc thoái vốn tại các DN mà Nhà nước nắm giữ vốn đến năm 2020. Ngoài ra, trong năm 2017 cũng sẽ công bố danh sách những DN đã CPH mà chưa thực hiện việc niêm yết.

Chia sẻ thêm với các nhà đầu tư, ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc xử lý nợ xấu của các ngân hàngthương mại cũng sẽ là nguồn hàng khá phong phú cho các nhà đầu tư.

Cụ thể, sau khoảng 3,5 năm thực hiện đề án tái cơ cấu các ngân hàng thương mại hoạt động yếu kém, Công ty quản lý tài sản (VAMC) đã mua được hơn 280 nghìn tỷ đồng, hơn 42 nghìn món nợ của hơn 50 tổ chức tín dụng có nợ xâu…Nhưng kết quả xử lý sau mua chỉ được khoảng 15%, như vậy rất thấp. Không xử lý được thì bản chất nợ xấu vẫn nằm trong ngân hàng.

“Nợ thì là nợ xấu nhưng thực tế tài sản bảo đảm không phải là xấu. Do đó, nếu được xử lý sẽ mang lại lợi ích tốt”, ông Quang nói và cho biết, Nghị quyết số 42 của Quốc hội đã cơ bản giải quyết được những “nút thắt” trong việc xử lý tài sản đảm bảo và các tổ chức tín dụng có nợ xấu nên đây sẽ là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư.

Cũng liên quan đến vấn đề nguồn hàng, ông Bùi Huy Thọ, Vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, đối với lĩnh vực ngân hàng thì có đặc thù riêng. Trong điều kiện hiện nay, chưa có việc Nhà nước thoái vốn khỏi các ngân hàng thương mại song nhà đầu tư hoàn toàn có thể tiếp cận thông qua việc các ngân hàng phát hành cổ phiếu riêng lẻ.

Cởi bỏ các “nút thắt” cho nhà đầu tư

Theo các nhà đầu tư, đột phá về cơ chế, chính sách sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động M&A. Trong đó, các chính sách đối với CPH, thoái vốn Nhà nước hay “điểm nghẽn” về nới room đối với nhà đầu tư nước ngoài…

Về vấn đề này, ông Đặng Quyết Tiến khẳng định, tới đây sẽ có nhiều bước đột phá. “Trong năm nay, Chính phủ sẽ đi trước bằng việc công khai, minh bạch thông tin sau đó là các bước đột phá cụ thể khác”, ông Tiến nói và cho biết, sẽ có một số chính sách được điều chỉnh, thay đổi theo hướng thông thoáng hơn, tạo điều kiện hơn cho nhà đầu tư.

Cụ thể, sẽ đẩy mạnh công khai về lộ trình CPH các DN Nhà nước, thoái vốn Nhà nước tại DN. Sẽ có những quy định cụ thể về chọn cổ đông chiến lược theo hướng tất cả các nhà đầu tư được mua công khai.

Việc thoái vốn sẽ được thực hiện nhanh hơn. Áp dụng các phương pháp quốc tế hoặc tiệm cận các phương pháp theo thông lệ quốc tế trong việc xác định giá trị doanh nghiệp. Việc đặt cọc sẽ thông thoáng hơn, đơn cử như việc không phải ký quỹ hay bảo lãnh…

“Một trong những điểm rất mới trong thay đổi các quy định gây khó cho nhà đầu tư, đó là, sửa đổi nhanh quy định về tư vấn cho DN theo hướng không phân biệt là DN trong nước hay nước  ngoài để nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ việc CPH của DN”, ông Tiến cho biết.

Về vấn đề nới room sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại, theo các ý kiến tại Diễn đàn, quy định hiện nay đang gây khó. Cụ thể, một nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu 20% cổ phần của một ngân hàng thương mại, tổng số cổ phần mà các nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu không quá 30%.

“Thực hiện tái cơ cấu các ngân hàng thương mại yếu kém mà Ngân hàng nhà nước mua lại với giá O đồng, gần đây đã có chủ trương có thể bán toàn bộ nhà đầu tư, Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần”, ông Thọ thông tin với các nhà đầu tư.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2017 do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty AVM Việt Nam tổ chức với sự tham gia của hơn 20 diễn giả và 400 lãnh đạo cao cấp đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, tập đoàn kinh tế, các quỹ đầu tư của trong nước và quốc tế.

Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh hoạt động M&A Dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Diễn đàn M&A Việt Nam được tổ chức trong suốt 9 năm đã thực sự trở thành diễn đàn mở của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà đầu tư về hoạt động M&A; là kênh kết nối cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Hồng Sơn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục