Thương vụ M&A “bom tấn” 2017: Chờ “điểm nổ” chính sách

(ĐTCK) Giai đoạn 2017-2018 dự kiến sẽ có nhiều thương vụ M&A quy mô lớn, nhất là các thương vụ liên quan đến cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước ở một số tập đoàn và tổng công ty lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động M&A từ nửa cuối năm 2016 đến nay có dấu hiệu chậm lại và ít các thương vụ quy mô lớn.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng 
phát biểu tại diễn đàn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại diễn đàn

Tại diễn đàn M&A năm 2017 với chủ đề “Tìm bước đột phá”, các chuyên gia cho rằng, thị trường đang chờ đợi các động thái mạnh mẽ hơn của Chính phủ và các doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh hơn quá trình thoái vốn, cổ phần hóa. Nếu làm được, tổng giá trị M&A tại Việt Nam có thể đạt tối thiểu 6,2-6,5 tỷ USD, tương ứng mức tăng 6,5-10%. Ngược lại, giá trị M&A sẽ suy giảm so với năm 2016, ở mức khoảng 5 tỷ USD.

Nguồn hàng cho các thương vụ M&A tại Việt Nam rất dồi dào, đến từ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước; thoái vốn ở các doanh nghiệp đã cổ phần và xử lý nợ xấu - chính là xử lý tài sản đảm bảo (chủ yếu là bất động sản) thế chấp tại ngân hàng.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2016-2020, Nhà nước sẽ công khai danh mục 137 doanh nghiệp có thoái vốn, lộ trình thoái vốn cụ thể và sắp tới sẽ công bố danh mục thoái vốn theo phân bổ từng năm. Riêng với năm 2017, thị trường đang kỳ vọng Nhà nước sẽ tiến hành cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp quy mô lớn như Sabeco, Habeco, PV Oil, PV Power..., nhưng đến nay, diễn tiến dường như vẫn khá chậm.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, sắp tới, Chính phủ sẽ công bố những công ty mà Nhà nước sẽ thoái vốn năm 2017 như tiếp tục thoái 3,5% vốn tại Vinamilk, Cụm Cảng hàng không ACV hay Sabeco, Habeco…

“Các định hướng, danh mục đầu tư, tỷ lệ thoái vốn… cũng sẽ được công bố cụ thể, bên cạnh danh sách các doanh nghiệp chưa cổ phần hóa, hoặc đã cổ phần hóa nhưng chưa tiến hành đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn chứng khoán”, ông Tiến cho hay.

Cũng theo ông Tiến, Chính phủ muốn tạo ra một môi trường công khai, minh bạch để các nhà đầu tư yên tâm.

“Về mặt thể chế, sẽ tiến hành sửa đổi nhanh các quy định; mở cửa cho các đơn vị tư vấn nước ngoài để đảm bảo chất lượng định giá, xác định giá trị doanh nghiệp; đổi mới phương thức thoái vốn theo hướng áp dụng thông lệ quốc tế như dựng sổ, chào bán cạnh tranh…, các thủ tục liên quan đến đặt cọc đang kiến nghị không cần đặt cọc, mà chỉ cần ký quỹ hoặc bảo lãnh...”, ông Tiến chia sẻ.

Đối với nguồn hàng từ xử lý tài sản thế chấp nợ xấu, ông Tiến cho biết, Nghị quyết 42/2017/QH14 (quy định thí điểm một số chính sách xử lý nợ xấu) tháo gỡ được điểm nghẽn lớn nhất là quyền thu giữ tài sản đảm bảo. Nếu người đảm bảo và người nhận đảm bảo có những cam kết phù hợp với luật pháp, có thể tự xử lý mà không cần cơ quan tư pháp khác. Đồng thời, mở rộng đối tượng mua bán nợ xấu, cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) mua/bán nợ xấu theo giá thị trường, dưới giá trị sổ sách...

Ông Nguyễn Hữu Quang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho hay, sau gần 4 năm thực hiện Đề án xử lý nợ xấu, Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) đã mua xấp xỉ hơn 280.000 tỷ đồng nợ, trong đó hơn 42.000 tỷ đồng nợ xấu. Tuy nhiên, kết quả xử lý nợ sau khi mua còn rất khiêm tốn, giá trị xử lý chỉ đạt 50.000 tỷ đồng, bằng 15% tổng tài sản nợ, chủ yếu do rào cản về xử lý tài sản đảm bảo.

“Do vậy, với những quy định đột phá tại Nghị quyết 42, có hiệu lực từ 15/8/2015 và giá trị thực hiện trong vòng 5 năm, kỳ vọng sẽ gián tiếp tăng khả năng tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Quang nói.

Ông Bùi Huy Thọ, Vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các TCTD và hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, với các TCTD yếu kém, Chính phủ, NHNN đang khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia tái cơ cấu, được mua lại cổ phần, vốn góp với tỷ lệ vượt quá các giới hạn theo quy định, thậm chí lên tới 100% vốn của TCTD yếu kém đó.

“Nguồn hàng không phải từ thoái vốn, mà sẽ thông qua hình thức phát hành riêng lẻ, nhưng quy định liên quan lại chưa rõ ràng. Chẳng hạn, các công ty thường định giá thấp hơn thị giá, nên khó thỏa thuận với nhà đầu tư tiềm năng, còn nếu theo giá thị trường thì định nghĩa vẫn rất chung chung. Đây sẽ là những vấn đề sẽ cần tiếp tục được làm rõ, tháo gỡ”, ông Thọ đánh giá.

Bằng những nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường đầu tư trong những năm qua, Việt Nam được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá tích cực, năng lực cạnh tranh không còn dựa chủ yếu vào sản phẩm sơ cấp, giá trị thấp như trước…, và còn nhiều cơ hội để khai thác.

Ông Jeffrey Pirie, Phó tổng giám đốc Deloitte Đông Nam Á cho rằng, luật pháp của Việt Nam vẫn đang nỗ lực thay đổi, nhưng không làm nhà đầu tư ngạc nhiên, tức là có thể “tiên liệu” trước, nên cần cải thiện thêm để thu hút mạnh hơn nguồn vốn từ M&A. Cụ thể là rút ngắn quy trình đăng ký đầu tư, khi hiện nay phải qua nhiều khâu phê duyệt; có những quy định nhiều năm không yêu cầu thì “bất ngờ” yêu cầu lại; minh bạch hóa thông tin ở cả doanh nghiệp sắp IPO, chứ không riêng doanh nghiệp niêm yết...

“Luật Cạnh tranh ở Việt Nam đã rõ ràng, nhưng cần sát hơn với chuẩn mực quốc tế. Việt Nam cũng cần thực thi đầy đủ những cam kết khi là thành viên WTO”, ông Jeffrey Pirie khuyến nghị.

Ông DC Choi Michael, Phó giám đốc cấp cao Trung tâm M&A toàn cầu, Kotra Hàn Quốc cũng đưa ra khuyến nghị, Việt Nam nên có một chính sách tài chính về vốn và giám sát vốn sát với thị trường hơn, phải thuyết phục được các nhà đầu tư về khả năng kiểm soát thị trường như lạm phát, nợ xấu...           

Việt Nam đang nỗ lực cải cách để tiếp cận thông lệ tốt và các chuẩn mực quốc tế

Thương vụ M&A “bom tấn” 2017: Chờ “điểm nổ” chính sách ảnh 1

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư 

Tất cả dòng đầu tư chỉ chảy về vùng trũng. Nếu ta tạo ra vùng trũng đó thì dòng vốn sẽ chảy tới. Việc tạo ra vùng trũng là công việc của Chính phủ. Cải cách thể chế, chính sách dù đã thực hiện, nhưng vẫn có những điểm làm chưa tới. Do vậy, Việt Nam vẫn đang nỗ lực cải cách để tiếp cận thông lệ tốt và các chuẩn mực quốc tế.

Nhiều bộ luật quan trọng mang tính đột phá đã được ban hành, hoặc đang trong quá trình xây dựng, thông qua. Trong đó có 3 bộ luật quan trọng, bao gồm Luật Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua tháng 6/2017 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018; Dự thảo Luật Quy hoạch, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp tháng 10 năm 2017...

Đối với Luật Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các nguyên tắc thị trường được tôn trọng. Thay đổi tích cực là thông qua việc tạo cơ chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ, khác hẳn với trước đây là Chính phủ hỗ trợ trực tiếp. Đồng thời, dựa trên nền tảng khung pháp lý khuyến khích huy động các nguồn lực tư nhân của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia cùng Chính phủ hỗ trợ, thay vì chỉ sử dụng ngân sách nhà nước. Theo đó, kỳ vọng trong thời gian tới, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có nhiều cơ hội để phát triển mạnh mẽ.

Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là bộ luật tạo khuôn khổ pháp lý mới để hình thành nên 3 khu hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Vân Đồn (Quảng Ninh) và Phú Quốc (Kiên Giang). Ở các khu vực này, Nhà nước chỉ khống chế các vấn đề đặc biệt quan tâm như chủ quyền, quốc phòng an ninh, văn hóa, sức khỏe người dân, môi trường…, còn lại đều được tự do kinh doanh, đầu tư, với pháp lý thông thoáng, hấp dẫn và đón nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ theo định hướng phát triển.

Từ trước đến nay, Việt Nam phát triển chủ yếu dựa vào các tiềm năng “tĩnh” như tài nguyên, lao động, vị trí kinh tế thuận lợi. Tuy nhiên, tiềm năng này đã đến giới hạn, nên phải chuyển sang tiềm năng “động” như thể chế, sáng tạo, mô hình... để tạo cú huých cho phát triển. Việt Nam đã ghi nhận những bước đột phá sau mỗi đợt cải cách và những cải cách trước đó cũng đã tới hạn, bão hòa, nên cần phải có một đợt cải cách mới để tạo điểm tựa mới cho sự phát triển.

Đứng trước nhu cầu, xu thế vận động hiện nay buộc Việt Nam phải thành lập sân chơi mới, với thể lệ mới, đủ hấp dẫn để cạnh tranh với các khu vực khác. Để làm được như vậy, cần hiểu nhà đầu tư cần gì để xây dựng thể chế phù hợp với nhu cầu đó, tránh cách tiếp cận theo hướng: Nhà nước có gì để cho nhà đầu tư, dẫn đến tình huống cái cho thì không cần và cái cần thì không cho. Do vậy, phát triển theo từng khu, dựa trên lợi thế từng khu, không cạnh tranh chồng lấn, mà hỗ trợ nhau. Đây là động lực và tạo sức lan tỏa, góp phần phát triển kinh tế đất nước, tạo sân chơi mới, luật lệ mới, thông thoáng, thỏa sức đầu tư kinh doanh.

Đối với Dự thảo Luật quy hoạch, tạo sự đổi mới toàn diện về công tác quy hoạch, góp phần thay đổi phương thức quản lý nhà nước hiện nay theo hướng Nhà nước kiến tạo và phục vụ, tạo sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương; tăng cường liên kết vùng, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của từng vùng, từng địa phương; phát huy hiệu quả trong khai thác và sử dụng nguồn lực của đất nước để thúc đẩy phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Những yếu tố nói trên sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, sẽ là một sân chơi mà ở đó nhiều hình thức đầu tư được thực hiện, trong đó hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A), một hình thức nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục