Thấy gì từ hệ sinh thái Hưng Thịnh?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một trong các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Hưng Thịnh là Công ty cổ phần Hưng Thịnh Land vừa có thêm 4 cổ đông tổ chức nước ngoài.
Hệ sinh thái Hưng Thịnh có kế hoạch mở rộng quỹ đất và triển khai nhiều dự án lớn. Hệ sinh thái Hưng Thịnh có kế hoạch mở rộng quỹ đất và triển khai nhiều dự án lớn.

Hưng Thịnh Land: Kế hoạch IPO và niêm yết năm 2023

Vietnam Opportunity Fund (VOF), quỹ lớn nhất do VinaCapital quản lý cho biết, Hưng Thịnh Land có kế hoạch chào bán cổ phiếu ra công chúng (IPO) và niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào năm 2023. VOF kỳ vọng, Hưng Thịnh Land sẽ trở thành nhà phát triển bất động sản lớn thứ ba trên HOSE, sau Vinhomes và Novaland.

Thông tin cập nhật trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, Hưng Thịnh Land vừa đón thêm 4 cổ đông ngoại nắm giữ tổng cộng 5% cổ phần. Trong đó, pháp nhân trực thuộc VOF là Vietnam Master Holding 2 Limited nắm giữ 11,5 triệu đơn vị, tương đương 1,23%; 3 tổ chức liên quan đến Dragon Capital là VEIL, DC Developing Markets Strategies và Hanoi Investments Holdings sở hữu tổng cộng 35,88 triệu đơn vị, tương đương 3,77%.

Giới đầu tư đang thảo luận về mức giá mà các quỹ nước ngoài bỏ vào Hưng Thịnh Land. Theo báo cáo của VOF, trong tháng 5/2022, Quỹ đã đầu tư 25 triệu USD để mua cổ phần Hưng Thịnh Land. Giả định toàn bộ 25 triệu USD của VOF được dùng để mua 11,5 triệu cổ phần thì giá mỗi cổ phần Hưng Thịnh Land ở mức 2,17 USD, tương đương 50.000 đồng/cổ phần. Cũng tại mức giá này thì số tiền mà nhóm Dragon Capital chi ra là 78 triệu USD.

Sau khi có thêm cổ đông ngoại, ngày 27/6/2022, Hưng Thịnh Land phát hành thêm cổ phần cho nhà đầu tư trong nước, qua đó tăng vốn điều lệ từ 9.379 tỷ đồng lên 9.853 tỷ đồng. Theo đó, ở mức giá 50.000 đồng/cổ phiếu thì định giá của Hưng Thịnh Land đạt gần 49.300 tỷ đồng (2,14 tỷ USD).

Dù vậy, việc nhà đầu tư nhỏ lẻ nhìn vào các thương vụ của nhà đầu tư tổ chức để “đánh đu” theo rất cần tính toán kỹ. Tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho rằng, phía sau các giao dịch có thể có những cam kết mà người ngoài không thể nắm được, chẳng hạn cam kết mua bán cổ phiếu với tỷ lệ sinh lời tối thiểu, tức phía tổ chức mua cổ phiếu được doanh nghiệp phát hành đảm bảo tỷ lệ sinh lời đã thống nhất.

Hưng Thịnh Incons: Triển vọng lợi nhuận tiếp tục tăng

Trên HOSE, trong hệ sinh thái Hưng Thịnh có một doanh nghiệp niêm yết từ năm 2018 là Công ty cổ phần Hưng Thịnh Incons (mã chứng khoán HTN). Với vốn điều lệ gần 900 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ sở hữu của các doanh nghiệp trong hệ sinh thái Hưng Thịnh và Ban lãnh đạo Hưng Thịnh Incons bao gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Đình Trung lên tới gần 65,83%, tỷ lệ cổ phiếu HTN trôi nổi trên thị trường ở mức thấp. HTN từng đạt mức giá đỉnh xấp xỉ 60.000 đồng/cổ phiếu vào đầu năm nay và hiện rớt 50% thị giá, nhưng vẫn ở mức cao so với nhiều công ty trong ngành xây dựng.

Với 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, Hưng Thịnh Incons đã thi công nhiều công trình lớn, đòi hỏi trình độ kỹ thuật thi công và tính thẩm mỹ cao như Sài Gòn Mia, Sky Centre, Lavita Garden, Moonlight Residences…

Hiện tại, Hưng Thịnh Incons có kế hoạch mở rộng thị trường từ ngành nghề từ xây dựng dân dụng công nghiệp sang hạ tầng, giao thông, thông qua việc hợp tác với Tập đoàn Đèo Cả (doanh nghiệp thi công hạ tầng giao thông hàng đầu Việt Nam). Hai bên sẽ hợp tác chuyển giao công nghệ cũng như kinh nghiệm về xây dựng và quản lý xây dựng, phát triển công nghệ trong lĩnh vực thi công, xây lắp và hạ tầng; liên danh, liên kết đấu thầu, đầu tư và thi công các dự án về hạ tầng và dự án xây dựng lớn.

Giá trị hợp đồng lũy kế tới cuối năm 2021 của Hưng Thịnh Incons là gần 30.000 tỷ đồng, cao hơn so với các công ty tầm cỡ trong ngành như Coteccons (25.000 tỷ đồng), Hòa Bình (20.000 tỷ đồng). Nhờ đó, doanh thu trong năm 2022 của Hưng Thịnh Incons có khả năng tăng cao, kéo theo lợi nhuận tăng trưởng. Tuy nhiên, giá nguyên vật liệu, chi phí nhân công năm nay biến động mạnh. Có lẽ vì vậy mà Hưng Thịnh Incons chỉ đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 265 tỷ đồng, tăng 10% so với năm ngoái (kế hoạch doanh thu là 7.458 tỷ đồng, tăng 21%).

Ba năm trước đó, Hưng Thịnh Incons là doanh nghiệp duy nhất duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận cao (24 - 35%) trong khối doanh nghiệp xây dựng trên sàn chứng khoán (các mã chứng khoán như CTD, AME, CSC, HBC, FCN, CX8, C69, CTX, DC4…).

Tập đoàn Hưng Thịnh: Người khổng lồ cần bàn chân vững

Kế hoạch phát triển quỹ đất của Tập đoàn Hưng Thịnh được kỳ vọng sẽ mang lại các hợp đồng thi công giá trị lớn cho Hưng Thịnh Incons. Tổng diện tích quỹ đất của Tập đoàn đang sở hữu và nghiên cứu là 3.300 ha, kế hoạch phát triển trong trung hạn là 7.900 ha và trong dài hạn là 30.000 ha.

Tình hình hoạt động khả quan, triển vọng kinh doanh sáng, nhưng có những yếu tố mà nhà đầu tư cần lưu ý khi đầu tư vào các doanh nghiệp trong hệ sinh thái Hưng Thịnh.

Trong các dự án sắp tới của Tập đoàn, Hưng Thịnh Incons có thể góp vốn cổ phần để hưởng lợi ích như đã từng góp vốn vào dự án Richmond (dự án này đã bán năm 2020 và thu về 2.330 tỷ đồng doanh thu), gần đây nhất là thỏa thuận hợp tác đầu tư với khoản vốn góp 300 tỷ đồng vào dự án Hải Giang Merry Land (dự án đang trong giai đoạn triển khai).

Bên cạnh đó, khối lượng thi công trong 5 năm tiếp theo từ tập đoàn mẹ chuyển giao dự kiến rất lớn, cùng với đó là số lượng dự án không ngừng mở rộng từ Hưng Thịnh Land, nên tổng giá trị hợp đồng thi công của Hưng Thịnh Incons giai đoạn 2022 - 2026 ước đạt 95.000 tỷ đồng (có thể đạt 115.000 tỷ đồng khi Hưng Thịnh Land liên tục gia tăng quỹ đất trong thời gian gần đây).

Đáng chú ý, dự án MerryLand Quy Nhơn do Tập đoàn Hưng Thịnh làm chủ đầu tư đang được triển khai xây dựng tại Quy Nhơn với tổng số vốn giai đoạn 1 lên tới 57.000 tỷ đồng.

Tương tự, khu phức hợp đô thị xanh kết hợp với nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái tại Lâm Đồng có diện tích 9.300 ha đang được Tập đoàn Hưng Thịnh lập quy hoạch các phân khu chi tiết như vùng trồng trọt nông nghiệp theo hướng hữu cơ ứng dụng công nghệ cao, khu vận hành trung tâm công nghiệp phụ trợ chế biến nông sản, logistics, khu du lịch sinh thái, du lịch xanh.

Tháng 12/2021, Liên danh Tập đoàn Hưng Thịnh, Tập đoàn Đèo Cả và Tập đoàn Nam Miền Trung đã đề xuất chủ trương cho phép nghiên cứu lập quy hoạch khu vực 15.000 ha tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.

Trước đó, tháng 3/2021, liên danh nhà đầu tư gồm Tập đoàn Hưng Thịnh, Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Nam Miền Trung đã báo cáo với UBND tỉnh Lâm Đồng nghiên cứu tiền khả thi dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có tổng mức đầu tư khoảng 18.200 tỷ đồng theo phương thức đối tác công tư (PPP). Đồng thời, UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho liên danh nhà đầu tư tiếp tục khảo sát, nghiên cứu và đề xuất đầu tư dự án Đoạn cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương.

Hưng Thịnh Incons có lợi thế bán hàng bởi đơn vị phân phối bất động sản PropertyX trong cùng Tập đoàn Hưng Thịnh, có thể đảm bảo nguồn thu từ bán sản phẩm và mở rộng thị trường thi công xây dựng công trình ra bên ngoài.

Doanh nghiệp có kế hoạch tăng cường hợp tác với các chủ đầu tư bên ngoài Tập đoàn theo hình thức hoán đổi sản phẩm. Cụ thể, thi công các dự án với một khoản thanh toán nhỏ bằng tiền (10 - 15% tổng giá trị hợp đồng) và nhận thanh toán phần còn lại bằng sản phẩm sau thi công.

Ngoài ra, Hưng Thịnh Incons, Tập đoàn Hưng Thịnh, Đồng Tâm Group, Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành đã thống nhất kế hoạch cung cấp nhà ở vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu phổ thông. Theo đó, Tập đoàn Hưng Thịnh sẽ đầu tư, xây dựng và phát triển những ngôi nhà có giá thành phù hợp với công nhân, người lao động, người có thu nhập thấp; nhà thầu thi công các dự án nhà ở là Hưng Thịnh Incons.

Nhìn chung, hệ sinh thái Hưng Thịnh có tham vọng lớn, nhưng doanh thu phụ thuộc lẫn nhau, việc gia nhập lĩnh vực xây dựng hạ tầng cần vốn lớn, rào cản gia nhập ngành khó, kỹ thuật xây dựng đòi hỏi trình độ cao hơn nếu xây cầu, làm hầm và biên lợi nhuận thường ở mức thấp... Đó là một số yếu tố mà nhà đầu tư cần lưu ý khi đầu tư vào các doanh nghiệp trong hệ sinh thái này.

Nguyễn Đoàn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục