Thấy gì từ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng năm nay?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một số tín hiệu cho thấy Ngân hàng Nhà nước hiện đang tìm cách hạn chế dòng tiền chảy vào những thị trường có độ rủi ro cao như đất nền và thị trường chứng khoán.
Thấy gì từ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng năm nay?

Từ chỉ tiêu tín dụng…

Mới đây các ngân hàng thương mại đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm đợt một.

Các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước gồm Agribank, BIDV, VietinBank được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng trong khoảng 6,5-7,5%, riêng Vietcombank đứng ở mức 10,5%. Một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân như VIB, ACB, Sacombank là 8,5-9,5% và MB, VPBank, Techcombank là 10,5-12%.

Nhìn chung, mặt bằng "room" tín dụng được NHNN cấp cho các tổ chức tín dụng năm nay thấp hơn so với năm ngoái.

Theo một quan chức NHNN, tính đến giữa tháng 3 năm nay tín dụng của toàn hệ thống mới tăng được 1,2%, cả quý I ước tăng 2% so với cuối năm 2020.

Trong bối cảnh NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm nay là 12% và mức tăng trưởng tín dụng thực tế từ đầu năm cho tới nay, việc giao chỉ tiêu như nói trên thể hiện sự thận trọng của NHNN trong việc điều hành chính sách tiền tệ quốc gia tại thời điểm này.

Một điểm ‘an ủi’ là, trong 3 năm gần đây, NHNN thường có 2 lần giao chỉ tiêu tín dụng trong năm. Sau khi đưa ra hạn mức tăng trưởng cho từng tổ chức tín dụng vào đầu năm, cơ quan này sẽ tiếp tục có đợt nới “room” lần hai vào nửa cuối năm.

Thực tế, nhiều tổ chức tín dụng đã sử dụng hết hạn mức từ giữa năm, hoặc quý III, trước khi NHNN xét duyệt nới thêm đợt hai.

Đơn cử, hồi đầu năm 2020 Vietcombank được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng 10%, tuy nhiên đến cuối năm tỷ lệ này được nâng lên thành lên 14%. Một số ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng được nâng chỉ tiêu như MB, Techcombank, TPBank...

…Tới lãi suất trái phiếu

Trên thị trường trái phiếu chính phủ, tuần trước Kho bạc Nhà nước gọi thầu 6,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ ở 5 kỳ hạn từ 5 đến 30 năm. Vùng lãi suất đăng ký kỳ hạn 5 năm tăng thêm tới 7 điểm cơ bản, mức thấp nhất vẫn cao hơn lãi suất trúng thầu tuần trước nên không gọi thầu thành công.

Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn 10, 15 và 30 năm đều tăng 3-4 điểm cơ bản nhưng tỷ lệ trúng thầu chỉ từ 30-50%. Điều này hàm ý rằng thị trường vẫn kỳ vọng mức lãi suất trúng thầu cao hơn.

Trên thị trường thứ cấp, lợi tức trái phiếu chính phủ hồi tuần trước tăng ở tất cả các kỳ hạn. Chốt tuần ở mức 1 năm 0,26%; 3 năm 0,66%; 5 năm 1,13%; 10 năm 2,45%; 15 năm 2,65%; 20 năm 3,04%; 30 năm 3,8%. Tổng giá trị giao dịch trong tuần đạt 47 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với tuần trước đó.

Phản ứng này của thị trường trong nước có vẻ đồng điệu với diễn biến lãi suất trái phiếu trên thị trường Mỹ. Trong phiên họp tháng 3 của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED), cơ quan này vẫn giữ quan điểm duy trì mức độ nới lỏng chính sách tiền tệ như hiện tại (lãi suất 0-0,25% và chưa tăng trở lại cho đến hết 2023).

Đồng thời, FED cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế nước này từ 4,2% lên 6,5% trong năm 2021, lạm phát có thể chạm ngưỡng 2,4% vào cuối 2021 và hạ nhiệt vào 2022.

Trước tuyên bố này của FED, thị trường tỏ thái độ khá tiêu cực khi trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục bị bán tháo mạnh, đẩy lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ tăng thêm 4-10 điểm cơ bản trong tuần qua, lên mức 1,72%/năm với kỳ hạn 10 năm.

Theo phản ánh của báo chí trong những ngày gần đây, tại nhiều địa phương trong cả nước hiện tượng sốt đất nền đang diễn ra. Trong khi đó với thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index đã tăng mạnh trong thời gian qua với thanh khoản thị trường thường ở mức 16-19 ngàn tỷ mỗi ngày, tăng hơn 2 lần so với những năm trước đây.

Một chuyên gia phân tích của một công ty chứng khoán cho rằng, những tín hiệu nói trên cho thấy NHNN đang có động thái kiểm soát chặt hệ số rủi ro đối với dư nợ chứng khoán và bất động sản tại các ngân hàng thương mại nhằm kiểm soát dòng tiền chảy mạnh vào hai lĩnh vực này.

Việt Cường

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục