Thay đổi động lực DNNN kỳ 2: Bài học ngành điện, độc quyền viễn thông

Trong kỳ trước, GS.TSKH. Nguyễn Mại đã phân tích sâu về trường hợp sụp đổ của Vinashin. Kỳ này sẽ là những kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực điện và viễn thông.

Thay đổi động lực DNNN kỳ 2: Bài học ngành điện, độc quyền viễn thông

Chiếm tỷ trọng 40% GDP và được hưởng nhiều ưu đãi, song hầu hết doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoạt động kém hiệu quả.

Kỳ II: Bài học từ sự độc quyền ngành điện và cạnh tranh trong ngành viễn thông

Để khơi dậy tiềm năng to lớn của động lực tăng trưởng kinh tế này, rất cần phải mổ xẻ thực tiễn, rút ra những bài học,

cả thất bại lẫn thành công, để có những điều chỉnh hợp lý nhằm đẩy nhanhquá trình tái cơ cấu.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và vận hành hệ thống điện lực của nước ta, nhưng vì sao chủ trương đúng đắn của Chính phủ hình thành thị trường điện cạnh tranh vẫn hoãn đi hoãn lại nhiều lần (?), đến ngày 1/7/2012 mới bắt đầu vận hành, sau hơn một năm chỉ có 40% xí nghiệp có công suất trên 30 KW tham gia. Hiện nay, về cơ bản, EVN vẫn độc quyền kinh doanh và nảy sinh không ít chuyện đáng buồn.

Cũng như các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, EVN được giao nhiệm vụ lập quy hoạch phát triển điện lực của nước ta, do đó có đủ phương thức để bảo đảm lợi ích của tập đoàn, mặc dù không có lợi cho những doanh nghiệp khác.

Quy hoạch phát triển kinh tế để phân bố lực lượng sản xuất và nguồn lực trong từng giai đoạn phát triển, do vậy là công việc của các cơ quan nhà nước. Quy hoạch tổng thể do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy hoạch ngành do bộ quản lý ngành thực hiện.

Bộ Công thương chịu trách nhiệm lập quy hoạch phát triển ngành điện. EVN có thể tham gia quá trình xây dựng quy hoạch, nhưng không thể là cơ quan chủ trì, vì EVN là một doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bình đẳng trước pháp luật như những doanh nghiệp khác trong ngành điện. Giao cho tập đoàn và tổng công ty nhà nước lập quy hoạch ngành là lẫn lộn giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.

Trên thực tế, mặc dù các quy hoạch ngành tốn khá nhiều công sức, tiền của, nhưng sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì hầu như ít được đối chiếu với tình hình thực hiện để đánh giá kết quả, điều chỉnh khi cần thiết, tìm nguyên nhân và quy trách nhiệm nếu không đạt mục tiêu.

Ngày 3/9/1997, Chính phủ đã phê duyệt Tổng sơ đồ điện lực giai đoạn 1996 - 2000 có xét triển vọng đến 2010, với mục tiêu đến năm 2010, nước ta có tổng công suất 19.000 MW, công suất tăng thêm là 15.260 MW. Nhiều dự án chậm được triển khai, nên năm 2008, EVN trả lại cho Chính phủ 13 dự án điện. Kết thúc năm 2010, không thấy Chính phủ và Bộ Công thương công bố văn bản đánh giá kết quả thực hiện Tổng sơ đồ này (!).

EVN luôn tìm mọi cách tăng giá điện với lý do để có thêm vốn đầu tư, nhưng lập luận như vậy không có tính thuyết phục, bởi vì ngành điện còn khá nhiều dư địa để giảm giá thành, đất nước cần ổn định giá điện để không gây tác động dây chuyền đến giá cả các sản phẩm khác; hơn nữa, EVN đang sử dụng một lượng vốn khá lớn để đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành, mà lẽ ra nên tập trung vào các dự án điện.

Trong báo cáo gần đây, Thanh tra Chính phủ công bố, EVN đã đầu tư ngoài ngành trên 121.790 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của Công ty mẹ EVN chỉ hơn 76.742 tỷ đồng, khoản lỗ từ việc đầu tư ngoài ngành tập trung tại 7 công ty 100% vốn của EVN trên 3.648 tỷ đồng. EVN đã đưa nhiều chi phí vô lý để tính vào giá bán điện, ví dụ trong chi phí của 6 dự án nguồn điện, EVN đã sử dụng hơn 355.000 m2 đất và gần 600 tỷ đồng để xây dựng biệt thự, nhà liền kề, chung cư cao tầng, sân tennis, bể bơi.

Nhân đây, cần bàn về quan điểm tăng giá điện lên 10 UScent/kWh, bằng giá thế giới, để thu hút đầu tư mới. Gọi là giá thế giới chỉ đối với những mặt hàng lưu chuyển trong phạm vi khu vực hoặc toàn cầu như xăng dầu, sắt thép, lương thực, máy móc, nguyên liệu công nghiệp. Giá điện của một nước phụ thuộc chủ yếu vào cơ cấu nguồn điện, chi phí xây dựng và vận hành. Những nước có tỷ trọng thủy điện lớn lại được vận hành qua nhiều năm, thì giá thành thấp. Do vậy, việc hình thành giá điện của nước ta phải căn cứ vào giá thành và chính sách năng lượng của Chính phủ.

Nên nhớ rằng, giá bán điện của EVN hiện nay khoảng 8 UScent/kWh (chưa tính thuế VAT), mà nhiều gia đình ở thành phố đã dành 10 - 15% thu nhập hàng tháng để trả tiền điện và mỗi lần tăng giá điện thì người dân không những phải trả thêm cho EVN, mà còn phải đóng thêm 10% thuế VAT.

Bài học đối với EVN là cần phá vỡ tình trạng độc quyền, đặt đúng vị thế của một doanh nghiệp kinh doanh, không được quyền quyết định việc phát triển nguồn điện cũng như thị trường tiêu thụ điện. Duy trì tình trạng độc quyền trong nền kinh tế thị trường là nguyên nhân của việc chậm đổi mới công nghệ, nguồn nhân lực, quản trị doanh nghiệp, dẫn đến kinh doanh kém hiệu quả.

Trong quá trình chuyển sang kinh tế thị trường, công nghệ thông tin (CNTT) và viễn thông của nước ta có tốc độ phát triển nhanh với công nghệ hiện đại, tiếp cận trình độ thế giới nhờ có chiến lược kinh doanh thích hợp. Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển này.

Khi nước ta còn bị cấm vận, năm 1991, VNPT đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Teltra của Australia, qua đó nhập khẩu thiết bị và công nghệ hiện đại, đào tạo cán bộ kỹ thuật và quản trị doanh nghiệp, học hỏi kỹ năng kinh doanh.

Từ khi nước ta hội nhập với thế giới, VNPT đã biết lựa chọn đối tác và phương thức hợp tác với nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới, đồng thời đi đầu trong việc ứng dụng kỹ thuật số vào nước ta, chuyển từ độc quyền sang cạnh tranh, nên tiếp tục tăng trưởng nhanh, làm cho Việt Nam dẫn đầu tốc độ phát triển và đứng vào tốp đầu trong khu vực về viễn thông và CNTT.

Việc ra đời Viettel đã làm cho ngành CNTT và viễn thông có hai DNNN, tiếp đó có thêm nhiều công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân tham gia cạnh tranh trên thị trường. Tín hiệu tích cực rõ nét nhất là các nhà cung cấp coi trọng quảng cáo, khuyến mãi, cải tiến dịch vụ, cước di động giảm từ 3.500 đồng/phút, xuống mức 1.000 đồng/phút, số lượng thuê bao không ngừng tăng lên.

Sự phát triển của hai DNNN trong ngành viễn thông và CNTT trong những năm gần đây cũng có đôi điều cần lưu ý. Trong khi VNPT tăng trưởng chậm hơn trước, phát sinh vấn đề trong đầu tư xây dựng, sử dụng vốn và tài sản (xem Báo cáo của Thanh tra Chính phủ), nhân sự của Tập đoàn, thì Viettel tiếp tục phát triển tại thị trường trong nước, đồng thời từng bước đầu tư ở nhiều nước với chiến lược và phương thức thích hợp ở mỗi quốc gia, nên đã vượt qua VNPT về chỉ tiêu kinh doanh, lợi nhuận và thuế.

Câu chuyện về việc các nhà mạng, với sự tham gia của hai DNNN, đồng loạt nâng giá cước 3G gây ra phản ứng tiêu cực của người sử dụng là hiện tượng có liên quan đến luật cạnh tranh, chống độc quyền cần được xử lý đúng pháp luật, để làm cho thị trường viễn thông và CNTT nước ta tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại. Tuy vậy, thành công của VNPT trong thời gian dài mà gần đây đã chững lại và của Viettel trên thị trường trong nước và ở một số quốc gia cần được đúc rút thành kinh nghiệm đối với việc xây dựng và phát triển DNNN.

Đó là bài học về việc thiết lập thị trường cạnh tranh giữa hai DNNN, cũng như với các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân; về chiến lược kinh doanh của từng tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; về cơ chế, nguồn lực để tiếp cận công nghệ hiện đại; về lựa chọn đối tác để hợp tác và quốc gia để đầu tư và quan trọng nhất là vai trò người đứng đầu doanh nghiệp - chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc.

Kỳ III: Tái cấu trúc DNNN - nhiệm vụ quan trọng năm 2014 và những năm tiếp theo

GS-TSKH Nguyễn Mại

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục