Kỳ II: Hỗ trợ và tạo thuận lợi cho DN tư nhân phát triển
Để phát huy tiềm lực to lớn đó, rất cần có sự hỗ trợ kịp thời, thiết thực cho từng nhóm đối tượng DN này.
Doanh nghiệp tư nhân là động lực tăng trưởng đầy tiềm năng, cần được kích hoạt nhanh hơn để góp phần ngày càng lớn hơn vào gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Thực tế quá trình phát triển DN tư nhân từ khi được “cởi trói” bằng Luật DN đã chứng tỏ rằng, người Việt Nam rất năng động trong tìm kiếm và tranh thủ cơ hội để kiếm tiền, với khá nhiều điển hình về tính sáng tạo trong kinh doanh. Ông chủ Vingroup rất thành công khi lập nghiệp ở nước ngoài bằng sản xuất mì ăn liền và khi về kinh doanh trong nước nhiều lĩnh vực, trong đó có bất động sản, trở thành tỷ phú đô-la đầu tiên của Việt (theo Tạp chí Forbes).
Bà chủ hãng sữa TH True Milk không những có ý tưởng biến vùng đất cằn cỗi ở Nghĩa Đàn (Nghệ An) thành trung tâm nuôi bò sữa lớn nhất cả nước với tốc độ tăng trưởng nhanh trong những năm vừa qua, hướng tới mục tiêu chiếm 50% sản lượng sữa Việt Nam, mà còn sử dụng chuyên gia Israel, nước nuôi bò sữa hiện đại nhất thế giới để triển khai thực hiện từ việc mua bò ở New Zealand đến trồng cỏ, nuôi bò và sản xuất sữa.
Con số 11 tỷ USD kiều hối năm 2013 tương ứng 230.000 tỷ đồng, lượng vàng trong dân và tiền gửi tiết kiệm cần được huy động phần lớn vào kinh doanh, mua cổ phần và lập doanh nghiệp mới.
Doanh nghiệp tư nhân là động lực tăng trưởng đầy tiềm năng của nền kinh tế
Giải pháp kích hoạt động lực này chủ yếu là từ các DN. Chủ sở hữu DN tư nhân là người hàng ngày phải lao động cật lực để xử lý từ sản xuất đến tiêu thụ, từ tài chính đến lao động, tiền lương, do vậy thiết nghĩ, không nên bàn nhiều về việc DN của họ cần làm gì để vượt qua khủng hoảng. Việc cần bàn là sự hỗ trợ từ Nhà nước, từ mối liên kết giữa các DN để làm cho các DN đang đình trệ có thể khôi phục sản xuất, kinh doanh, những DN đang trong trạng thái bình thường có cơ hội để kinh doanh phát đạt, tăng thêm tích lũy để tái sản xuất mở rộng và tăng nhanh số lượng DN mới thành lập.
Đối với DN đang gặp khó khăn
Đầu năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP, trong đó có giải pháp hỗ trợ DN, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng… đã ban hành các thông tư để thực hiện. Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và nhiều địa phương đã có những sáng kiến trong việc DN tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ tiền thuê đất, tài chính cho DN. Những chủ trương đó đã làm cho một số DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, tuy vậy vẫn còn hàng vạn DN đang trong trạng thái đình trệ.
Đối với việc giải thể DN, cần có thái độ ứng xử đúng và cơ chế thuận lợi để việc phá sản DN được tiến hành nhanh, tránh tình trạng “chết mà không được chôn”. Trong kinh tế thị trường, việc mỗi năm có những DN phá sản cần được coi là bình thường, trừ những trường hợp vi phạm luật pháp, lừa đảo; các DN đó cần được giải thể nhanh để xử lý nợ, lao động, hợp đồng kinh tế, đất đai, nhà xưởng, nhằm tạo điều kiện cho chủ DN sau khi giải thể tìm kiếm cơ hội mới để lập DN trong ngành nghề đang kinh doanh thuận lợi; tránh sự kỳ thị đối với chủ DN bị giải thể khi lập DN mới. Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng, Dự thảo sửa đổi Luật Phá sản cần quy định minh bạch hơn điều kiện phá sản DN và thủ tục đơn giản để xử lý nhanh tình trạng phá sản DN.
Đối với DN đang hoạt động
Trải qua biến động về kinh tế từ năm 2008 đến nay, những DN đang hoạt động đã biết cách đối phó với khủng hoảng, thích ứng với biến động thị trường trong nước và thế giới, do đó có thể khẳng định rằng, những DN này sẽ phát triển nhanh hơn khi nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục. Ngoài chính sách chung của Nhà nước đối với DN, cũng cần lưu ý xử lý các vấn đề liên quan đến từng loại DN theo quy mô và ngành kinh tế.
Đối với DN lớn, tập đoàn kinh tế, cần ngăn ngừa và xử lý có hiệu quả vấn đề sở hữu chéo dẫn đến tình trạng nợ xấu gia tăng, gian lận thương mại, đầu tư những dự án quan trọng về điện, giao thông, bất động sản chiếm diện tích đất khá lớn, nhưng không thực hiện hoặc chậm thực hiện, đồng thời có chính sách khuyến khích đổi mới công nghệ, hình thành nhóm nghiên cứu tiến tới thành lập trung tâm R&D, tạo lập mối liên kết với các DN nhỏ và vừa trong chuỗi giá trị, hướng dẫn trên tinh thần khuyến khích có chọn lọc đầu tư ra nước ngoài và tích tụ vốn để vươn lên tầm khu vực và thế giới.
Quan trọng nhất là chính sách đối với DN nhỏ và vừa, vì về lâu dài, nước ta sẽ phát triển dựa vào DNNN, tập đoàn kinh tế tư nhân, nhưng chủ yếu là DN nhỏ và vừa năng động, hiệu quả, tạo ra việc làm cho hơn 1,2 triệu lao động tăng thêm hàng năm. Có 4 nhân tố chính để DN nhỏ và vừa có thể phát triển:
Một là, chính sách hỗ trợ tài chính và ưu đãi thuế của Nhà nước, tín dụng ngân hàng với lãi suất hợp lý và thủ tục thuận lợi theo hướng như Phó chủ tịch HĐQT một ngân hàng thương mại đã phát biểu: “Cần chuyển từ cho vay phải thế chấp là chủ yếu sang cho vay theo phương án đầu tư, kinh doanh của DN. Do đó, ngân hàng cần nâng cao năng lực thẩm định phương án đầu tư, kinh doanh và theo dõi tình hình sản xuất, kinh doanh của DN”. Không thể nhanh chóng chuyển đổi theo hướng đó, nhưng rất mong trong năm 2014, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo để có thể bắt đầu cho vay tín dụng theo phương thức mới, khi đó bản thân DN nhỏ và vừa phải tính toán kỹ phương án vay; tín dụng ngân hàng sẽ có hiệu quả hơn khi cho vay những dự án khả thi, nợ xấu chắc chắn sẽ giảm.
Hai là, chính sách khuyến khích mối liên kết giữa DN nhỏ và vừa với tập đoàn kinh tế trong nước và các công ty xuyên quốc gia trong khu vực FDI để phát triển nhanh công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ cung ứng đầu vào và phân phối sản phẩm đầu ra, tạo ra các chuỗi giá trị sản phẩm là tiền đề để DN nhỏ và vừa kinh doanh có hiệu quả.
Ba là, coi trọng hình thành thương hiệu của DN và sản phẩm, tạo lòng tin với người tiêu dùng bằng chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh và liên tục cải tiến mẫu mã sản phẩm. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, giá trị vô hình của thương hiệu có thể giúp tăng 5% lượng khách hàng và khả năng sinh lợi từ khách hàng, có giá bán cao hơn các sản phẩm khác, giảm chi phí tìm kiếm khách hàng và thu hút được nguồn nhân lực ưu tú nhất.
Bốn là, hoạt động của các hiệp hội ngành hàng hướng vào việc tổ chức phân công và hợp tác giữa các DN trong từng ngành hàng, đại diện lợi ích DN trong việc tham gia vào thể chế kinh tế, tranh chấp thương mại trong nước và quốc tế. Chính phủ cần coi trọng hơn vai trò của hiệp hội ngành hàng, kể cả việc tham gia các đoàn đàm phán thương mại, đầu tư song phương và đa phương, bởi vì ở đó có những chuyên gia hàng đầu về từng loại sản phẩm, có trình độ và kinh nghiệm về quan hệ thương mại và đầu tư quốc tế.
Đối với DN khởi nghiệp
Chương trình truyền hình rất hấp dẫn của VTV về sáng chế, phát minh của người nông dân; những robot của sinh viên đã triển lãm và có tiếng vang tại Đức, Mỹ; các chương trình phần mềm diệt vi rút máy tính Việt Nam được đánh giá cao trên thế giới… đã khẳng định tiềm lực trí tuệ của người Việt Nam.
Làm gì để các sáng chế, phát minh có giá trị đó biến thành sản phẩm đại trà cung ứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu là vấn đề có liên quan đến chủ trương và chính sách của Nhà nước đối với DN khởi nghiệp.
Ngoài chính sách khuyến khích và ưu đãi đối với DN mới thành lập đang được thực hiện, cần có cơ chế vận hành hiệu quả để những nhà phát minh, sáng chế, nhất là tầng lớp trẻ có được môi trường thuận lợi nhất để biến thành sản phẩm hàng hóa trong điều kiện họ không có vốn, không có phương tiện để triển khai.
Một là, một số vườn ươm công nghệ đã được hình thành ở nhiều địa phương cần được quảng bá rộng rãi mục tiêu, cơ chế vận hành và điều kiện thực hiện để những cá nhân, DN có ý tưởng mới, sáng chế, phát minh liên hệ nhằm nhận được sự hợp tác để tiến hành quá trình nghiên cứu và thực nghiệm. Rất cần chính sách ưu đãi cao về thuế và trợ giúp tài chính của Nhà nước để những vườn ươm công nghệ hiện có hoạt động có hiệu quả và có thêm nhiều vườn ươm mới.
Hai là, kinh nghiệm của thế giới đã cho thấy, để các sáng chế, phát minh biến thành sản phẩm hàng hoá, cần có nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm tài trợ vốn cho cá nhân, DN trong nghiên cứu và ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh. Quỹ đầu tư mạo hiểm có thể của Nhà nước, nhưng chủ yếu được hình thành từ những chủ DN lớn, huy động nguồn vốn của nhiều cá nhân, DN với cơ chế vận hành mang tính rủi ro cao nhất là giai đoạn đầu, thu hồi vốn khi sản phẩm đã sinh lợi, tiếp tục tài trợ cho các sáng chế, phát minh mới.
Ba là, có chính sách ưu đãi đặc biệt về thuế, tài chính, tín dụng, kể cả tạo thuận lợi trong liên kết, hợp tác với cá nhân, DN nước ngoài đối với DN khởi nghiệp trong ngành công nghệ cao, dịch vụ hiện đại để kích thích tầng lớp trẻ lập nghiệp bằng tiềm lực trí tuệ.
Israel, một nước có diện tích 22.000 km2 đất cằn cỗi và 7,6 triệu dân, song nhờ coi trọng phát triển DN khởi nghiệp mà đã có số lượng công ty trên sàn chứng khoán NASDAQ nhiều hơn tất cả công ty châu Âu cộng lại, bởi vì “tinh thần khởi nghiệp độc đáo ở chỗ, nó sử dụng những nhân tài đặc biệt từ kỹ sư cho đến các nhà quản lý và chuyên viên tiếp thị nhằm thương mại hóa tất cả ý tưởng cách tân khả thi nào”. (trích dẫn Dan Senor & Saul Singer: “Quốc gia khởi nghiệp - câu chuyện về nền kinh tế thần kỳ của Israel”, Nxb Thế giới 2013, tr. 53).
Đó là bài học về việc khơi dậy “tinh thần khởi nghiệp” của người dân, nhất là thế hệ trẻ để tiến công vào những ngành công nghệ cao, dịch vụ hiện đại trong quá trình công nghiệp hóa đất nước, xích dần và đuổi kịp trình độ phát triển của các nước tiền.