Tháo nút thắt đất đai cản trở cổ phần hóa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong số 19 doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa chậm nhất đến năm 2025, có nhiều cái tên thu hút nhà đầu tư. Nút thắt lớn nhất về đất đai đang được nỗ lực tháo gỡ để thúc đẩy quá trình cổ phần hóa.
Số lượng doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa hiện vẫn còn lớn Số lượng doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa hiện vẫn còn lớn

Đề xuất giải pháp

Theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025, có 19 doanh nghiệp sẽ được cổ phần hóa, bao gồm một số doanh nghiệp được nhiều nhà đầu tư quan tâm như Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Tổng công ty Khánh Việt, Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai...

Tính đến hết quý III/2024, số lượng doanh nghiệp được cổ phần hóa ở mức rất thấp so với kế hoạch. Bộ Tài chính đánh giá, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước chậm, không đạt kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa thời gian qua là do một số doanh nghiệp không chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật về sắp xếp như không thực hiện kê khai hoặc chậm kê khai, báo cáo, tổng hợp, lập phương án sắp xếp để báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Một số địa phương chậm xử lý hoặc không có ý kiến khi Bộ Tài chính gửi xin ý kiến về phương án sắp xếp lại nên không phê duyệt được; nhiều doanh nghiệp đến sát thời điểm cổ phần hóa mới thực hiện kê khai, báo cáo để sắp xếp nhà, đất với khối lượng từ vài trăm đến vài nghìn cơ sở nhà, đất đóng trên địa bàn cả nước, dẫn tới việc sắp xếp nhà, đất không kịp hoàn thành trong thời gian ngắn làm ảnh hưởng tiến độ cổ phần hóa.

Ngoài ra, nhà, đất của các doanh nghiệp quản lý không chặt chẽ dẫn đến tình trạng sử dụng chưa đúng quy định (bố trí nhà để ở, để trống…); chưa có hồ sơ pháp lý hoặc thất lạc, mất, dẫn đến khó khăn trong công tác sắp xếp lại, xử lý.

Trước thực trạng này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất, cần tách công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất khỏi quy trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vì rà soát hiện trạng nhà, đất là nhiệm vụ thường xuyên cả trước, trong và sau cổ phần hóa của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai để bảo đảm sử dụng đúng mục đích và hiệu quả sử dụng đất tránh hoang hóa, lãng phí chứ không phải chỉ để thực hiện công tác cổ phần hóa, thoái vốn.

Trong nỗ lực nhằm thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa, Bộ Tài chính đã xây dựng và triển khai lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần và Nghị định số 140/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 126/2017/NĐ-CP.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất giữ nguyên quy định về điều kiện doanh nghiệp cổ phần hóa phải có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại Điều 4 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại điểm a khoản 2 Điều 1 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP), nhưng bổ sung một số trường hợp loại trừ.

Cụ thể, doanh nghiệp thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công phải có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, trừ một số cơ sở nhà, đất (không bao gồm đối với những diện tích đất được giao để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà để bán và xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê) chưa hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc một trong các trường hợp gồm: cơ sở nhà, đất có nguồn gốc hình thành, hồ sơ pháp lý không rõ ràng; cơ sở nhà, đất có biến động phức tạp về lịch sử sử dụng (đổi tên, sáp nhập, chia tách, điều chuyển giữa các đơn vị); nhà, đất có hồ sơ bị thất lạc; các trường hợp do nguyên nhân khách quan khác ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm xác định cơ sở nhà, đất thuộc các trường hợp nêu trên và báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan được giao nhiệm vụ quyết định cổ phần hóa, đồng thời vẫn phải tiếp tục thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai.

Doanh nghiệp cổ phần hóa phải thuyết minh, cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư trong phương án cổ phần hóa, khi thực hiện bán đấu giá cổ phần doanh nghiệp lần đầu cho nhà đầu tư. Doanh nghiệp trong và sau quá trình cổ phần hóa có trách nhiệm tiếp tục thực hiện phương án sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất này theo quy định của pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công và pháp luật về đất đai.

Cổ phần hóa cần được thúc đẩy

Cần tách công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất khỏi quy trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Tính đến ngày 31/12/2022, cả nước có 827 doanh nghiệp có vốn nhà nước, trong đó có 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg, Nhà nước chỉ giữ 195 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, do đó số lượng doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa còn rất lớn.

Theo ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng ADB, để gia tăng hiệu quả khu vực doanh nghiệp nhà nước, Việt Nam cần làm rõ mục tiêu mong muốn ở khu vực kinh tế này, từ đó thiết kế và ban hành các chính sách phù hợp. Ông Hùng cho rằng, cần phân nhóm các doanh nghiệp nhà nước và mỗi nhóm doanh nghiệp sẽ cần các giải pháp tái cấu trúc khác nhau. Những doanh nghiệp nhà nước không thực sự cần giữ 100% vốn nhà nước nên đưa ra thị trường và “chơi chung” luật chơi như các doanh nghiệp khác.

Sự èo uột trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là một trong những nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán thiếu hàng hóa mới, hàng hóa có chất lượng và không thu hút được vốn ngoại.

Trước đó, làn sóng cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2006 - 2011 là giai đoạn thị trường chứng khoán Việt Nam thăng hoa và thu hút được vốn ngoại quy mô lớn.

Nhà đầu tư tham gia mua cổ phần tại nhiều doanh nghiệp nhà nước khi phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) đến nay đều thắng lớn nếu vẫn còn nắm giữ như tại ACV, VEAM, Vietcombank, VietinBank, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam…

Ông Nguyễn Văn Phụng, chuyên gia kinh tế, nguyên Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho rằng, cần tiếp tục thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để góp phần gia tăng tính thị trường và tính năng động ở các doanh nghiệp. Đây cũng là một nguồn cung hàng hiệu quả cho thị trường chứng khoán. Lý thuyết phân cấp thị trường chứng khoán và thực tiễn hoạt động thị trường cho thấy, thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp có mối quan hệ chặt chẽ và tác động tương hỗ lẫn nhau.

Thủy Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục