Tháo gỡ rào cản tích tụ đất đai cho doanh nghiệp

(ĐTCK) Khó khăn về tích tụ đất đai lâu nay được xem là một trong những rào cản khiến doanh nghiệp khó đầu tư sản xuất ngành nông nghiệp quy mô lớn. Vấn đề này cần được giải quyết khi sửa đổi các luật và văn bản nghị định liên quan.
Tháo gỡ rào cản tích tụ đất đai cho doanh nghiệp

Bất cập chính sách hạn chế năng lực của doanh nghiệp

Ông Phan Văn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Khoa học công nghệ Vĩnh Hòa tại Nghệ An cho biết, trước đây, doanh nghiệp từng rất lận đận để có thể duy trì được trên 100 ha đất sản xuất lúa ở hai huyện Yên Thành và Diễn Châu.

Ðể cải tạo thành đất có thể trồng lúa năng suất cao, chất lượng tốt, doanh nghiệp đã phải đầu tư tối thiểu 5 - 7 tỷ đồng cho 1 ha. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ được ký hợp đồng thuê đất 5 năm 1 lần.

“Dù có nhu cầu duy trì diện tích đất cho trồng lúa trên quy mô lớn, song hiện trạng ký hợp đồng thuê lại có thời hạn ngắn như vậy rất bấp bênh, nên doanh nghiệp không dám đầu tư sâu thêm. Ðó là chưa kể, muốn thuê đất của người dân cho sản xuất cũng rất khó khăn do không thống nhất, trong khi xu hướng nông dân bỏ ruộng không sản xuất ngày càng nhiều, dẫn đến lãng phí rất lớn”, ông Hòa phản ánh.

Chia sẻ tại một hội thảo gần đây, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cũng chỉ ra, sự bất cập, manh mún trong chính sách sở hữu đất đai đang là rào cản lớn khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vốn là yếu tố mấu chốt giúp nâng cao hiệu quả, doanh thu và lợi nhuận ngành nông nghiệp.

“Tích tụ ruộng đất là yếu tố rất quan trọng để doanh nghiệp làm nông nghiệp có thể tổ chức được sản xuất quy mô lớn, giảm chi phí, tăng năng suất và chất lượng nhờ áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Từ đó, xây dựng được thương hiệu, tính toán được thị trường để phát triển mạnh. Nếu không đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, khó phát triển nông nghiệp một cách chuyên nghiệp được”, ông Thòn nêu quan điểm và cho rằng, Nhà nước cần có chính sách cụ thể cũng như phù hợp để giải quyết bài toán cân bằng lợi ích giữa việc tích tụ đất cho doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn và tạo dựng được sinh kế bền vững cho người nông dân. Có như vậy, mới khắc phục được khoảng cách từ quy định tới thực tế.

Ðồng quan điểm, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) cũng cho rằng, hiện nay, doanh nghiệp rất khó tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn do đất đai hoàn toàn là sở hữu công, nông dân không có quyền chuyển đổi, bán theo quy định tại Luật Ðất đai.

“Ðể giải quyết được vướng mắc trong tích tụ ruộng đất, cần phải sửa đổi từ gốc Luật mới có thể giúp xóa bỏ rào cản, giải phóng sức sản xuất cho doanh nghiệp muốn đầu tư lớn vào nông nghiệp”, ông Tam khẳng định.

Sửa chính sách, cần nhanh và đồng bộ

Thừa nhận thực trạng khó khăn trong việc giao đất cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, tại Hội thảo “Lấy ý kiến doanh nghiệp các dự thảo nghị định về đất đai” do VCCI vừa tổ chức, bà Hoàng Thị Vân Anh - Vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trên thực tế, quá trình tích tụ đất đai gặp nhiều bất cập do quy mô đất còn nhỏ hẹp, không đáp ứng được nhu cầu quy mô lớn. Ước tính, hiện nay mới có 36% hộ có quy mô đất đai dưới 2 km”, bà Vân Anh cho biết.

Bên cạnh đó, theo bà Vân Anh, hiện vẫn còn một số vướng mắc, bất cập trong việc tiếp cận đất đai thông qua hình thức thỏa thuận thuê, nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; trong xử lý đất đai, đối với các trường hợp chấm dứt hoạt động dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; trong việc giao, cho thuê các thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu được tách thửa theo quy định; trong đăng ký, cấp giấy chứng nhận và trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Ðó là chưa kể khoảng cách từ chính sách tới thực thi cũng như sự thiếu đồng bộ trong các quy định tại các nghị định quy định về việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất khiến doanh nghiệp gặp thêm rất nhiều khó khăn trong tiếp cận đất đai trên thực tế.

Các nội dung liên quan đến đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận tuy pháp luật đã có quy định nhưng lại chưa phù hợp với thực tiễn và yêu cầu cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ…

Luật sư Trương Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc sửa đổi luật và ban hành các nghị định hướng dẫn phải tính tới việc rà soát lại các quy định tại các văn bản luật pháp liên quan về việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong thực thi.    

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục