2019 là năm đặc biệt khó khăn và thử thách đối với ngành nông nghiệp

Đây là nội dung được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định ngay từ đầu năm 2019 và tiếp tục nhấn mạnh tại cuộc họp giao ban quý I/2019.
Dịch tả lợn châu Phi, biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL, hạn hán một số nơi ở các tỉnh Tây Nguyên... là những khó khăn thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp 2019. Dịch tả lợn châu Phi, biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL, hạn hán một số nơi ở các tỉnh Tây Nguyên... là những khó khăn thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp 2019.

Duy trì đà tăng trưởng khá

3 tháng đầu năm 2019, toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã vượt qua khó khăn, thách thức, duy trì tăng trưởng khá, góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng giá trị sản xuất của toàn ngành Quý I ước đạt 2,69% so với Quý I/2018; trong đó nông nghiệp tăng 1,93%, lâm nghiệp tăng 4,32% và thủy sản tăng 5,24%. GDP ngành nông nghiệp trong Quý I ước đạt khoảng 2,68% ; trong đó, ngành nông nghiệp tăng 1,84%, ngành lâm nghiệp tăng 4,2%, thuỷ sản tăng 5,1 %.

Trong quý I, khu vực nông nghiệp gặp khó khăn, cùng với dịch tả lợn châu Phi là tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL, hạn hán một số nơi ởTây Nguyên, Nam Trung Bộ trong khi giá cả nhiều loại nông sản bấp bênh, có xu hướng giảm giá.

Đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 23 tỉnh, thành phố; tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy khoảng 73.000 con. Diễn biến phức tạp của dịch đã ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi lợn; tuy nhiên trong Quý I, nhờ sự tăng đàn từ cuối năm 2018 và đầu năm 2019 nên đàn lợn vẫn tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước.

Đến thời điểm này, với nỗ lực chống dịch không kể ngày đêm, hiện đã có 3 ổ dịch (xã Đức Hợp, huyện Kim Động tỉnh Hưng Yên; phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội và xã Đại Đồng, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) đã qua hơn 30 ngày chưa phát sinh dịch mới, đủ điều kiện để công bố hết dịch.

Ba tháng đầu năm, diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 26,2 nghìn ha, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước; rừng trồng được chăm sóc đạt 182,3 nghìn ha, tăng 23,6%;giao khoán bảo vệ rừng đạt 3,5 triệu ha, tăng 10,2%;sản lượng gỗ khai thác ước đạt 2,71 triệu m3, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2018.Đến nay, cả nước đã thu được 690,2 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt 21,5% kế hoạch năm và tăng 28% so với cùng kỳ. Đáng lưu ý, giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 16,5%. Gỗ và các sản phẩm từ gỗ là ngành có thặng dư thương mại trong ba tháng đầu năm 2019 cao nhất trong nhóm hàng xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam với giá trị thặng dư đạt 1,02 tỷ USD.

Về thuỷ sản, trong quý I, ngành thủy sản tăng trưởng khá ở mức 5,1% so với cùng kỳ - là mức cao nhất trong 9 năm trở lại đây. Các tháng đầu năm, thời tiết tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác hải sản; nhu cầu tiêu thụ hải sản của người dân tăng, giá bán đạt mức cao; do đó, các chuyến đi biển đạt hiệu quả kinh tế khá, tạo động lực cho ngư dân vươn khơi bám biển. Lũy kế 3 tháng, sản lượng ước đạt 820.500 tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ, trong đó khai thác biển đạt 785.000 tấn (tăng 4,9%), khai thác nội địa đạt 35,5 nghìn tấn.Tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng 03 tháng ước đạt 646.800 tấn, tăng 5,0% so với cùng kỳ. 

Thúc đẩy những lĩnh vực có dư địa để duy trì tăng trưởng

Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trong năm 2019, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh những lĩnh vực có dư địa phát triển như: Lâm nghiệp, thủy sản, mặt hàng rau hoa quả... Đối với lĩnh vực thủy sản, cần thúc đẩy phát triển cả lĩnh vực khai thác (hải sản, thủy sản) và nuôi trồng (hai đối tượng chính là cá tra, tôm). Bộ trưởng đánh giá, mặt hàng cá tra sẽ phát triển tốt trong năm nay, nhất là khi Công ty Cổ phần Hùng Vương được xuất khẩu vào Mỹ với thuế bằng 0%. 

Về lâm nghiệp, với các hiệp định đã ký kết, nhất là Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU, sẽ là cơ hội lớn để các sản phẩm gỗ từ Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU và các nước trên thế giới.

Cùng với đó, cả nước có 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, trong đó nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư, nghiên cứu và đưa vào ứng dụng sản xuất và cung ứng thiết bị máy móc, sản phẩm phụ trợ thay thế hàng nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng. Dự báo, với đà tăng trưởng xuất khẩu như hiện nay thì kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2019 có thể đạt 11 tỷ USD.

Năm nay lĩnh vực rau hoa quả cũng có nhiều dư địa tạo đột phá trong tăng trưởng xuất khẩu, nhất là khi một loạt các nhà máy chế biến lớn, hiện đại đi vào hoạt động.

Bộ trưởng đánh giá, giá rau quả trên thế giới không giảm nhiều, trong khi đó Việt Nam lại có vùng nguyên liệu, cơ sở chế biến, rồi công tác xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu nên đây là lĩnh vực có tiềm năng để tăng trưởng, góp phần bù đắp phần cho lĩnh vực chăn nuôi đang bị ảnh hưởng do dịch tả lợn châu Phi.

Thu Phương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục