Sau một thời kỳ tăng trưởng nhanh và trước những khó khăn của kinh tế vĩ mô trong những năm qua cộng với những yếu kém cố hữu, tích tụ từ lâu, hệ thống ngân hàng Việt Nam rơi vào trạng thái rủi ro cao, nguy cơ mất an toàn rất lớn.
Tuy nhiên, với sự triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn hệ thống, đặc biệt là việc thắt chặt các thiết chế an toàn, đẩy mạnh thanh tra, giám sát gắn với tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, đến nay hệ thống ngân hàng về cơ bản đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và từng bước đặt nền móng quan trọng trên con đường hướng tới một hệ thống ngân hàng kỷ cương, an toàn và hiệu quả.
Quá trình này luôn có sự đóng góp quan trọng của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng trong sứ mạng góp phần bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền; duy trì và nâng cao lòng tin của công chúng đối với hệ thống các TCTD; bảo đảm việc chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng; góp phần nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Kể từ năm 2011 công tác thanh tra, giám sát ngân hàng đã được đẩy mạnh nhằm củng cố, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật thị trường và đánh giá, nhận diện những vấn đề của hệ thống và từng TCTD để có biện pháp tái cấu trúc.
Năm 2014, để đáp ứng yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng và hỗ trợ tích cực hơn cho việc triển khai mạnh mẽ các giải pháp xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD, hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng tiếp tục được đẩy mạnh nhằm phát hiện, xử lý những rủi ro, vi phạm pháp luật, đánh giá chất lượng tín dụng và hoạt động của các TCTD.
Qua công tác thanh tra, giám sát năm 2014, NHNN phát hiện những tồn tại, hạn chế, rủi ro tiềm ẩn và vi phạm ở nhiều TCTD như vi phạm quy định về các giới hạn, chuẩn mực an toàn, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro; vi phạm và rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng, góp vốn, mua cổ phần, đầu tư tài chính, huy động vốn, chất lượng tài sản thấp, nợ xấu lớn, tình hình tài chính kém lành mạnh, hiệu quả kinh doanh thấp...
Nhiều vi phạm pháp luật của các TCTD đã được phát hiện và xử lý nghiêm, trong đó những vụ việc có dấu hiệu hình sự được chuyển cho cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Những rủi ro, yếu kém được phát hiện qua thanh tra, giám sát ngân hàng là cơ sở để NHNN yêu cầu TCTD có giải pháp chấn chỉnh, củng cố phù hợp trong quá trình thực hiện cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, kể cả phải điều chỉnh phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt để bảo đảm mục tiêu đề ra.
Trong năm 2014, Thanh tra, giám sát ngành ngân hàng đã ban hành gần 200 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với trên 180 TCTD và DN, cá nhân với tổng số tiền xử phạt gần 2 tỷ đồng. Nhiều vụ việc có dấu hiệu hình sự đã được chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Công tác giám sát được đẩy mạnh trên tầm cả vĩ mô và vi mô nhằm phòng ngừa, phát hiện sớm các rủi ro, nguy cơ, dấu hiệu vi phạm, xu hướng, diễn biến bất lợi để có cảnh báo và biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Hoạt động giám sát đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá, nhận định chất lượng tài sản, nợ xấu, năng lực tài chính, kết quả kinh doanh, mức độ đủ vốn, cơ cấu nguồn vốn, sở hữu vốn, tình hình thanh khoản của TCTD.
Hệ thống cơ sở dữ liệu, công cụ, các chỉ số, các mô hình định lượng trong giám sát an toàn vi mô, vĩ mô đã được nghiên cứu, xây dụng và từng bước triển khai áp dụng phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Một điểm mới của năm 2014 so với các năm trước đây là NHNN đã tập trung thanh tra, giám sát làm rõ hơn thực trạng chất lượng tín dụng của các TCTD để phục vụ cho việc xử lý nợ xấu, trong đó NHNN yêu cầu các TCTD không thuộc diện được thanh tra năm 2014 thì phải thực hiện kiểm toán độc lập bởi các công ty kiểm toán quốc tế theo nội dung, yêu cầu của NHNN.
Năm 2014, Đề án cơ cấu lại theo quy định tại Quyết định số 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/3/2012 tiếp tục được chỉ đạo thực hiện một cách quyết liệt và đồng bộ theo đúng mục tiêu, lộ trình đã đặt ra. Những yếu kém, tồn tại của các TCTD kiên quyết được xử lý dứt điểm, đặc biệt là NHTM yếu kém được áp dụng các biện pháp can thiệp mạnh mẽ của NHNN như đặt vào kiểm soát đặc biệt và mua lại bắt buộc.
Quá trình sáp nhập, mua lại các TCTD tiếp tục diễn ra mạnh mẽ nhằm vừa xử lý những TCTD yếu kém vừa tăng quy mô, năng lực cạnh tranh của TCTD.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn và điều kiện kinh tế kém thuận lợi, song kết quả tái cơ cấu các TCTD đạt được đến nay là rất quan trọng, những tồn tại, yếu kém của hệ thống ngân hàng từng bước được xử lý, nền tảng cho sự phát triển một hệ thống ngân hàng lành mạnh đã và đang được hình thành, đặc biệt là hệ thống quản trị, điều hành, hệ thống quản trị rủi ro, kiểm soát, kiểm toán nội bộ được củng cố, phát triển phù hợp với thông lệ chuẩn mực quốc tế; hoạt động kinh doanh được tái cấu trúc theo hướng tập trung vào các ngành chiến lược và các lĩnh vực an toàn, hiệu quả của nền kinh tế.
Hệ thống ngân hàng tiếp tục giữ vững ổn định, an toàn và tăng trưởng, đóng góp không nhỏ vào việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.
Năm 2014 còn là năm bản lề thực hiện Đề án xử lý nợ xấu theo Quyết định 843/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm đưa nợ xấu về ngưỡng an toàn (dưới 3%) đến cuối năm 2015. Do vậy, mặc dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn và thị trường bất động sản chậm phục hồi, cơ chế, chính sách về xử lý tài sản bảo đảm, quy định của pháp luật về đất đai, bất động sản, dân sự còn nhiều bất cập, song ngành ngân hàng đã nỗ lực, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu. Nhờ đó, nợ xấu đã được kiềm chế và một khối lượng đáng kể nợ xấu đã được xử lý.
Tỷ lệ nợ xấu bước đầu giảm dần kể cả khi đã áp dụng các quy định mới về phân loại nợ chặt chẽ hơn từ ngày 1/6/2014. Tỷ lệ nợ xấu đã bắt đầu giảm liên tiếp, từ mức 4,17% vào tháng 6/2014 về mức 3,25% vào cuối tháng 12/2014.
Năm 2014, các TCTD xử lý được 143,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu thông qua các giải pháp thu nợ từ khách hàng vay, xử lý tài sản bảo đảm, sử dụng dự phòng, bán nợ...
Trong bối cảnh không có sự hỗ trợ tài chính của ngân sách nhà nước và điều kiện kinh tế, sản xuất kinh doanh, tình hình thị trường còn nhiều khó khăn, các giải pháp chủ động xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng vẫn là yếu tố quyết định để giảm nợ xấu.
VAMC tiếp tục phát huy vai trò là công cụ quan trọng để giảm nhanh nợ xấu của các TCTD. Đến cuối năm 2014, VAMC đã mua được hơn 133 nghìn tỷ đồng nợ xấu từ các TCTD.
Chương trình tái cơ cấu ngành ngân hàng lần này mang tính toàn diện, không chỉ cơ cấu lại các TCTD mà còn đổi mới mạnh mẽ về thể chế, phương thức quản lý, điều hành thị trường tiền tệ, đổi mới hệ thống chuẩn mực an toàn hoạt động ngân hàng và củng cố hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng.
Năm 2014, NHNN quyết tâm thực hiện chuẩn mực mới về phân loại tài sản có, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro (Thông tư số 02/2013/TT-NHNN và Thông tư số 09/2014/TT-NHNN) và ban hành tiêu chuẩn mới về an toàn hoạt động ngân hàng (Thông tư số 36/2014/TT-NHNN) nhằm tạo ra mặt bằng chuẩn mực an toàn mới cao hơn, phù hợp hơn với thông lệ, chuẩn mực quốc tế, từ đó thúc đẩy tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của các TCTD và bảo đảm hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu trở lên an toàn, lành mạnh hơn.
Năm 2014 cũng là năm đánh dấu thể chế thanh tra, giám sát ngân hàng được đổi mới với việc mô hình Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng được nâng tầm trở thành cơ quan tương đương tổng cục (Nghị định số 26/2014/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng, Quyết định số 35/2014/QĐ-TTg về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) và việc Chính Phủ ban hành nghị định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng (Nghị định số 96/2014/NĐ-CP).
Nhờ triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả công tác thanh tra, giám sát, tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của các TCTD, trong năm 2014, hệ thống các TCTD đã tiếp tục vượt khó, tăng trưởng bền vững hơn và hỗ trợ đắc lực cho tăng trưởng kinh tế, sự an toàn, lành mạnh được cải thiện vững chắc hơn.
Tính đến 31/12/2014, vốn huy động từ nền kinh tế tiếp tục tăng 17,62% so với cuối năm 2013, tăng trưởng tín dụng đạt 14,16%, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2014 và cao hơn so với mức tăng 12,52% của năm 2013. Trong năm 2014, nhiều NHTM đã được nâng hạng tín nhiệm lên mức tích cực bởi các tổ chức xếp hạng quốc tế.
Tổ chức xếp hạng Moody’s đã nâng mức tín nhiệm trái phiếu chính phủ của Việt Nam lên 1 bậc, từ mức B2 lên mức B1 và mức triển vọng được đánh giá là ổn định, đồng thời nâng triển vọng của hệ thống ngân hàng từ tiêu cực lên ổn định.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch đã nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam, cụ thể, mức xếp hạng phát hành trái phiếu Chính phủ (IDR) bằng đồng nội tệ và ngoại tệ dài hạn của Việt Nam từ mức “B+” lên “BB-” với triển vọng dài hạn ổn định.
Năm 2015, Chính phủ đã đề ra mục tiêu chủ yếu là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát ở mức thấp, duy trì tăng trưởng cao hơn năm 2014. Đây cũng là năm về đích của Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD giai đoạn 2011 - 2015.
Để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu này, ngày 27/1/2015, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2015 và Chỉ thị số 02/CT-NHNN về tăng cường xử lý nợ xấu của TCTD.
Theo đó, công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu TCTD vẫn tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể:
Đối với công tác thanh tra, giám sát: Triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm 2015 kế hoạch thanh tra đã được Thống đốc NHNN phê duyệt, trong đó tập trung vào các đối tượng, lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, vi phạm pháp luật, việc triển khai các phương án tái cơ cấu và biện pháp xử lý nợ xấu; thanh tra công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu theo phương án đã được phê duyệt.
Nhiệm vụ công tác thanh tra, giám sát năm 2015 vẫn phải hỗ trợ tích cực cho công tác cơ cấu lại, xử lý nợ xấu nhằm đánh giá đúng sự an toàn, lành mạnh, chất lượng tín dụng và thực trạng tài chính của TCTD để có biện pháp xử lý theo đúng mục tiêu, định hướng và quy định của pháp luật.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai rộng rãi phương pháp thanh tra, giám sát pháp nhân; kết hợp thanh tra, giám sát tuân thủ pháp luật với thanh tra, giám sát rủi ro; từng bước xây dựng, củng cố cơ sở hạ tầng giám sát có hiệu quả để đảm bảo công tác giám sát thực sự trở thành công cụ hữu hiệu trong việc phát hiện, cảnh báo rủi ro và vi phạm pháp luật, đặc biệt là trong việc triển khai các chuẩn mực an toàn mới, thực hiện các biện pháp xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng.
Tăng cường giám sát tài chính, tuân thủ các giới hạn, tỷ lệ an toàn, chất lượng tín dụng, cơ cấu sở hữu của các TCTD, các công ty con, công ty liên kết của TCTD. Phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động thanh tra với hoạt động giám sát, cấp phép; đẩy mạnh hoạt động theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị xử lý sau thanh tra.
Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước trong quản lý, thanh tra, giám sát và xử lý sai phạm của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Đối với công tác tái cơ cấu: Tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để đến cuối năm đạt được mục tiêu tái cơ cấu, xử lý căn bản các TCTD yếu kém và cải thiện sự an toàn, hiệu quả của hệ thống các TCTD.
Trong việc cơ cấu lại các TCTD sẽ xử lý dứt điểm các TCTD yếu kém, đặc biệt là các NHTMCP, kể cả áp dụng các biện pháp can thiệp mạnh mẽ của Nhà nước và giải thể, phá sản đối với một số TCTD phi ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân yếu kém theo đúng các quy định của pháp luật.
Tiếp tục khuyến khích, đẩy mạnh sáp nhập, hợp nhất, hoặc mua lại theo nguyên tắc tự nguyện giữa các TCTD để xử lý TCTD yếu kém và hình thành một số TCTD có quy mô và khả năng cạnh tranh lớn hơn.
Năm 2015, các NHTMNN sẽ phát huy vai trò là công cụ của Nhà nước trong việc thực hiện các giải pháp tái cơ cấu, đặc biệt là xử lý các ngân hàng yếu kém mà vẫn bảo đảm được sự ổn định của hệ thống ngân hàng.
Triển khai các biện pháp xử lý sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng, cổ đông vi phạm giới hạn sở hữu tại các TCTD; thực hiện thoái vốn của các tại các NHTM, công ty tài chính theo Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg và quy định của pháp luật; tiếp tục củng cố, hoàn thiện hệ thống quản trị, điều hành, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thoái vốn đầu tư trong những lĩnh vực kinh doanh kém hiệu quả hoặc rủi ro cao. Triển khai quyết liệt việc áp dụng các chuẩn mực Basel II trong các NHTM.
Đối với công tác xử lý nợ xấu: Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013 để đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% vào cuối năm 2015. Trong đó, các giải pháp chủ động xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng đóng vai trò quan trọng để giảm nhanh nợ xấu như sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ cho VAMC, thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm để đến ngày 30/6/2015 phải xử lý được tối thiểu 60% số nợ xấu theo kế hoạch năm 2015 (riêng chỉ tiêu bán nợ cho VAMC phải đạt không dưới 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015).
Về cơ bản đến tháng 9/2015 phấn đấu tỷ lệ nợ xấu của hầu hết các TCTD về mức khoảng 3%. NHNN và các TCTD phải thực hiện mọi biện pháp để kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, kể cả các biện pháp về kiểm soát phân phối lợi nhuận, tăng trưởng tín dụng, cấp phép hoạt động mới và mạng lưới đều phải gắn với kết quả xử lý xấu.
Phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường mua bán, xử lý nợ, tài sản bảo đảm, trách nhiệm của người đi vay, quyền hạn của chủ nợ; khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia mua, bán nợ xấu, tài sản đảm bảo.
Triển khai thực hiện Nghị định số 34/2015/NĐ-CP ngày 31/3/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC. Nâng cao hiệu quả hoạt động của VAMC để Công ty thực sự là công cụ đặc biệt của Nhà nước góp phần đẩy nhanh xử lý nợ xấu. VAMC từng bước triển khai phương án mua xử lý nợ xấu theo giá trị thị trường phù hợp với Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Với những nỗ lực, quyết tâm của NHNN và các TCTD cùng với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đề ra trong từng thời kỳ, chúng ta hy vọng rằng ngành Ngân hàng Việt Nam sẽ ngày càng phát triển an toàn, hiệu quả hơn nhằm hỗ trợ tích cực cho công cuộc đổi mới và phát triển của nền kinh tế.