Cơ hội và áp lực “tái cơ cấu” nội tại ngành Thanh tra, giám sát ngân hàng

(ĐTCK) Ngày 7/4/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 26/2014/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành ngân hàng. Nghị định được nhìn nhận là trao thêm quyền lực, nhưng cũng là áp lực để Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng “tái cơ cấu” nội tại.
Sẽ sử dụng kiểm toán độc lập trong  công tác thanh tra, giám sát ngân hàng trong nhiều trường hợp Sẽ sử dụng kiểm toán độc lập trong công tác thanh tra, giám sát ngân hàng trong nhiều trường hợp

Nghị định 26: đợi văn bản hướng dẫn

Là công cụ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc thực hiện các chức năng quản lý và thanh tra, giám sát hệ thống NHTM Việt Nam, trong những năm gần đây, cùng với quá trình tái cơ cấu toàn diện các NHTM, vai trò của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngày càng được khẳng định, với nhiều nhiệm vụ mới mẻ và nặng nề hơn. Điều này đã được thể hiện qua những nội dung khá chi tiết trong Nghị định 26/2014/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, giám sát ngân hàng, thay thế cho Nghị định 91/1999/ NĐ-CP.

Trước hết, có thể nhận thấy rằng, việc ban hành Nghị định 26 thể hiện một bước tiếp tục hoàn thiện về khung pháp lý về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành ngân hàng. Trước đây, Cơ quan Thanh tra, giám sát dù thực hiện một chức năng quan trọng của Ngân hàng Trung ương, nhưng hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng bị chi phối bởi nhiều văn bản pháp quy khác nhau về thanh tra, phòng chống rửa tiền, bảo hiểm tiền gửi, xử lý vi phạm hành chính… Điều này nhiều khi gây khó khăn, chồng chéo trong công tác xử lý các vi phạm trong hoạt động ngân hàng nói riêng và công tác thanh tra, giám sát nói chung.

Do đó, cùng với việc ban hành, sửa đổi, bổ sung các luật lệ liên quan trong những năm gần đây (Luật NHNN Việt Nam và Luật Các TCTD ngày 16/6/2010; Luật Thanh tra ngày 15/11/2010; Luật Phòng, chống rửa tiền ngày 18/6/2012; Luật Bảo hiểm tiền gửi ngày 18/6/2012; Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012), quy định về thanh tra, giám sát ngân hàng cũng cần sửa đổi và cập nhật cho phù hợp với tình hình thực tế hiện tại của thị trường tài chính Việt Nam nói chung và ngành ngân hàng nói riêng.

Nghị định số 26/2014/NĐ-CP đã thể hiện sự đổi mới căn bản về mô hình tổ chức thanh tra trong NHNN theo hướng bảo đảm nguyên tắc tập trung, thống nhất trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ từ Trung ương đến địa phương. Điều này cũng phù hợp với xu hướng tập trung hóa quản trị, điều hành về trụ sở chính của các TCTD trong thời gian gần đây (đối tượng chính của công tác thanh tra, giám sát ngân hàng), từ đó tạo khuôn khổ pháp lý về tổ chức, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ có tính đặc thù của thanh tra, giám sát ngành ngân hàng.

Do tính chất quan trọng và nhiều nét đặc thù của ngành ngân hàng đối với nền kinh tế, các NHTM luôn là đối tượng của nhiều hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán từ nhiều cơ quan quản lý nhà nước khác nhau, trong đó ngoài Cơ quan Thanh tra, giám sát của NHNN, còn có cơ quan Thuế, Kiểm toán Nhà nước… Do vậy, Nghị định 26 đã nêu rõ nguyên tắc thanh tra, giám sát phải bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời. Không trùng lắp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra ngân hàng, đối tượng giám sát ngân hàng.

“Tuy nhiên, Nghị định này mới chỉ quy định riêng về hoạt động của thanh tra, giám sát ngân hàng. Do đó, vẫn cần có những văn bản hướng dẫn của NHNN hoặc những văn bản liên ngành quy định cụ thể hơn về việc phối hợp giữa thanh tra, giám sát ngân hàng và các cơ quan thanh tra, giám sát khác trong việc chia sẻ thông tin, kết quả có được từ các đợt thanh tra, kiểm tra. Những điều này nhằm đảm bảo hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời tránh gây ra những áp lực và phiền hà cho đối tượng được thanh tra giám sát”, một chuyên gia ngân hàng nhận định.

Cần giảm thiểu rủi ro đạo đức tiềm ẩn

Vị chuyên gia trên phân tích thêm, một vấn đề không kém phần quan trọng là sử dụng kiểm toán độc lập trong công tác thanh tra, giám sát ngân hàng. Nghị định 26 đã kế thừa các quy định trước đây về yêu cầu kiểm toán độc lập TCTD, nhưng quy định cụ thể hơn những trường hợp yêu cầu kiểm toán bắt buộc để đánh giá thực trạng tài chính, hoạt động và mức độ an toàn, lành mạnh của đối tượng thanh tra, trên cơ sở đó Thanh tra, giám sát ngành ngân hàng áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp, bảo đảm an toàn. Việc thực hiện quyền hạn này giúp thanh tra, giám sát ngân hàng chủ động trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng thời quy định này cũng phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế về thanh tra, giám sát ngân hàng.

“Đây là điểm đổi mới quan trọng, giúp việc đánh giá tình hình tài chính và hoạt động của đối tượng thanh tra được độc lập và khách quan hơn, đồng thời giảm áp lực công việc trong điều kiện nguồn lực của cơ quan thanh tra, giám sát ngành ngân hàng có hạn. Mặc dù có thể có ý kiến lo ngại rằng, việc sử dụng kiểm toán độc lập trong một số nội dung khi thanh tra có thể gây áp lực, kể cả áp lực về chi phí lên đối tượng được thanh tra, nhất là khi TCTD chưa niêm yết trên sàn chứng khoán… Nhưng với quy định những trường hợp áp dụng kiểm toán bắt buộc cụ thể và chặt chẽ tại Nghị định 26 và xét về tổng thể thì cơ chế này là phù hợp với chức năng quản lý của NHNN với hệ thống NHTM, cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế về thanh tra, giám sát”, vị chuyên gia trên nói.

Lãnh đạo cao cấp một công ty kiểm toán nhận định, quy định về đội ngũ thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra cũng là một điểm mới của Nghị định 26. Nhiệm vụ và quyền hạn của thanh tra viên, thành phần hết sức quan trọng trong công tác thanh tra, giám sát vốn phức tạp, nặng nề và nhạy cảm trong nhiều trường hợp - đã được quy định rõ ràng và chi tiết. Tuy nhiên, nên chăng NHNN Việt Nam cần xem xét có những chế độ để bảo vệ và đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ này, nhằm giảm thiểu những rủi ro nghề nghiệp, đạo đức có thể tiềm ẩn trong công việc của họ.

“Việc quy định riêng về chế độ trưng tập các cộng tác viên thanh tra cũng là hết sức sáng tạo và cần thiết, theo đó Cơ quan Thanh tra, giám sát có thể tận dụng năng lực của các chuyên gia thuộc các đơn vị khác, khi công việc có tính chuyên môn kỹ thuật sâu và phát sinh nhiều trong những thời điểm cụ thể. Tương tự như với thanh tra viên, có lẽ một cơ chế đãi ngộ cho đội ngũ cộng tác viên thanh tra - cũng là những công chức, viên chức trong bộ máy Nhà nước - cần phải được xây dựng cụ thể để phát huy tốt tiềm năng, giảm nguy cơ rủi ro về đạo đức khi tác nghiệp”, vị lãnh đạo trên nói.

Trong những năm vừa qua, cùng với quá trình tái cơ cấu các TCTD, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã xử lý một khối lượng công việc lớn, không ngừng tăng lên theo thời gian. Nghị định 26 có thể xem là sự đánh dấu một giai đoạn phát triển mới trong công tác thanh tra, giám sát đối với ngành ngân hàng, giúp Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có cơ sở tiếp tục kiện toàn tổ chức, nhân sự, nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, nâng cao chất lượng hoạt động trên tất cả các mặt công tác.

“Nói một cách hình ảnh, các quy định về tổ chức và hoạt động của thanh tra, giám sát ngành ngân hàng tại Nghị định 26/2014/NĐ-CP cũng là cơ hội để Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng “tái cơ cấu” nội tại, nhằm tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả thanh tra, giám sát ngân hàng theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015”. Theo đó, NHNN Việt Nam có thể tác động tích cực đến việc đẩy nhanh tiến độ, chất lượng của quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD, góp phần bảo đảm thực hiện đúng tiến độ, mục tiêu của Đề án đã đề ra”, tổng giám đốc một ngân hàng TMCP nói.

Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới.

Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới”

Điện Biên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục