Trong số 73 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bị triệu tập tới phiên tòa, có hơn 31 doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đang bị cơ quan công tố đề nghị truy thu số tiền hưởng lợi từ việc cung cấp dịch vụ thanh toán cho cổng game bài Rikvip và sau này là Tip.Club.
Theo quy kết của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ, bị can Nguyễn Văn Dương đã thành lập Công ty CNC và làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty.
Nhờ có bị can Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa là những người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan công an tạo điều kiện, bị can Nguyễn Văn Dương cùng với Phan Sào Nam, nguyên Chủ tịch Công ty VTC Online tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng Intetnet.
Các bị can đã xây dựng và vận hành cổng game bài Rikvip/Tip.Club. Theo đó, người chơi nạp tiền (VND) vào tài khoản game, đổi lấy đồng tiền trong game để sử dụng chơi bài.
Khi cần, người chơi có thể đổi tiền ảo trong game thành tiền thật, hoặc đổi với các đại lý để lấy thẻ cào, hoặc nạp tiền vào điện thoại di động. Để nạp tiền vào game, người chơi có thể sử dụng thẻ cào của các nhà mạng viễn thông, thẻ game; sử dụng tài khoản thẻ ATM, thẻ thanh toán quốc tế của một số ngân hàng, hoặc mua trực tiếp từ các đại lý.
Sau 28 tháng áp dụng, nhóm vận hành Rikvip/Tip.Club đã liên kết với nhiều công ty cung cấp dịch vụ, xây dựng được hệ thống 25 đại lý cấp 1 và 5.877 đại lý cấp 2 để cung cấp dịch vụ chuyển đổi tiền ảo trong game ra tiền thật và ngược lại.
Cổng game bài có gần 43 triệu tài khoản đăng ký và thu lời bất chính thông qua hoạt động nạp tiền, thẻ vào game là 9.853 tỷ đồng.
Trong số các đơn vị bị xác định là có thu lời không chính đáng, có nhiều công ty cung cấp dịch vụ thanh toán là các nhà mạng viễn thông (Vinaphone, Mobifone, Viettel), các công ty trung gian thanh toán (VNPT Epay, Home Direct, Công ty Ngân lượng...), cũng như các ngân hàng.
Số tiền các đơn vị được hưởng dao động từ vài trăm triệu đồng đến vài trăm tỷ đồng như Viettel là 913 tỷ đồng, Vinaphone là 147 tỷ đồng, Mobifone là 171 tỷ đồng, Công ty Home Direct là 8,9 tỷ đồng...
Theo quy định tại Điều 57 - Bộ luật Hình sự về tịch thu hiện vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm, việc tịch thu sung vào ngân sách được áp dụng với công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội. Cơ quan công tố cho rằng, các khoản lời của những đơn vị này là khoản thu lời không có căn cứ pháp lý nên đề nghị truy nộp ngân sách nhà nước (sau khi trừ đi các khoản tiền đã nộp vào ngân sách).
Theo Luật sư Vũ Ngọc Chi (Công ty Luật Tam Anh), về cơ bản, các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán không có nghĩa vụ và cũng không thể kiểm soát mục đích sử dụng dịch vụ của khách hàng. Nếu khách hàng chuyển tiền phục vụ cho một giao dịch phi pháp thì đó là trách nhiệm của khách hàng.
Trong trường hợp cung cấp dịch vụ thanh toán cho một đơn vị pháp nhân, bên cung cấp dịch vụ chỉ có thể xem xét đến các yếu tố chính thức như đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ được cấp phép đầy đủ (nếu luật quy định)...
Tuy nhiên, nếu có vụ án hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm xác định, chứng minh sự vi phạm của các bên, bao gồm cả đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán.
Dù không có vi phạm, nhưng trong trường hợp xác định phí dịch vụ, phần được hưởng của các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán là không hợp pháp và cho rằng đó là công cụ, phương tiện sử dụng vào việc phạm tội, cơ quan tố tụng có thể sẽ áp dụng biện pháp tịch thu, sung công quỹ.
“Về cơ bản, hợp đồng giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán và doanh nghiệp sẽ có điều khoản nhằm đảm bảo việc thanh toán phục vụ cho mục đích hợp pháp.
Nhưng nếu là thỏa thuận riêng giữa doanh nghiệp và khách hàng vi phạm pháp luật thì bên cung cấp dịch vụ thanh toán khó có thể nắm rõ. Do vậy, rủi ro khách hàng tham gia vào giao dịch phi pháp và đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán bị liên quan luôn tồn tại", Luật sư Vũ Ngọc Chi nói.