“Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”
Người dân ngày càng quan tâm hơn đến câu chuyện bảo mật và an toàn trong thanh toán trên điện thoại là vấn đề còn nhiều băn khoăn. Ông có thể chia sẻ gì về câu chuyện này?
Có một thực tế là người tiêu dùng thông thường sẽ không hiểu và không quá quan tâm đến kỹ thuật an toàn bảo mật trong thanh toán trên điện thoại. Quan trọng là bằng cách nào đó, các công ty làm dịch vụ thanh toán giúp người tiêu dùng tin tưởng rằng, họ sẽ được bảo vệ tốt khi sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại.
Ông Trần Thanh Nam, Giám đốc Moca.
Tuy nhiên, gần đây, vấn đề an toàn trong thanh toán điện tử đã được quan tâm nhiều hơn và đây là lý do mà thanh toán di động trở nên nổi trội.
Cụ thể, việc sử dụng một ứng dụng thanh toán di động cũng tương tự như ví tiền thông thường, bởi có số dư tiền, có thẻ gắn vào ứng dụng thanh toán…, nhưng sự khác biệt ở chỗ, tiền trong ví điện tử được bảo vệ bởi ít nhất 2 lớp mật khẩu, gồm mật khẩu điện thoại và mật khẩu ứng dụng ví, trong khi các loại ví bình thường không có.
Chưa kể, việc thanh toán trên di động có nhiều biện pháp quản lý rủi ro như hạn mức giao dịch, phương thức xác thực thứ hai (second factor authentication) cho những giao dịch có giá trị lớn. Điều này đồng nghĩa với việc, có tới vài tầng lớp bảo vệ cho số dư ví điện tử, trong khi ví thông thường không có biện pháp nào bảo vệ. Như vậy, sự nguy hiểm đối với ví điện tử là thấp hơn rất nhiều so với các loại ví thông thường.
Ngay cả so với thẻ ngân hàng truyền thống, ví điện tử cũng an toàn hơn rất nhiều. Đối với những ứng dụng thanh toán như của Moca hay tương tự Moca, sẽ có những công nghệ mới như token – một chuỗi số thay thế số thẻ mà từ đó kẻ gian không thể tìm ra số thẻ.
Nói cách khác, thông tin thẻ trên ứng dụng thanh toán di động không tương đương thông tin trên bề mặt thẻ. Do đó, dù có bẻ khoá được ứng dụng thanh toán di động thì cũng không mất thông tin thẻ.
Trong khi đó, thông tin trên chiếc thẻ nhựa truyền thống nếu bị lộ cho người khác dễ dẫn tới nguy cơ mất tiền khi người đó nhập thông tin thẻ và giao dịch trên các trang web thương mại điện tử.
Với các chia sẻ như trên, phải chăng ông đang rất lạc quan về sự an toàn của thanh toán trên điện thoại?
Thực tế vẫn có rủi ro và nhìn chung, không biện pháp nào loại bỏ được hoàn toàn rủi ro. Tuy nhiên, có những biện pháp tương ứng để ngăn ngừa. Theo tôi, câu chuyện giữa rủi ro và phòng ngừa rủi ro sẽ là một cuộc đua.
Chẳng hạn, việc đầu tư hệ thống khóa tốt sẽ khó bị mở hơn, nhưng không thể “thắng” trước những tên trộm tinh vi, có kỹ năng. Tương tự, nếu người dùng quản lý điện thoại không tốt, khiến virus trên điện thoại tấn công vào ứng dụng thanh toán thì rủi ro là dễ hiểu.
Tuy nhiên, với nguy cơ này, đã có biện pháp phòng chống là lựa chọn ứng dụng không “chạy” trên thiết bị đã bị bẻ khóa. Chẳng hạn, nhiều người sử dụng phàn nàn là điện thoại của họ không cài được ứng dụng Moca. Thực tế, đây là chính sách của chúng tôi: Không chạy ứng dụng trên điện thoại bị bẻ khóa, bởi việc đảm bảo an toàn của người sử dụng là ưu tiên hàng đầu.
Theo đó, với điện thoại chưa bị bẻ khóa, khả năng bị tấn công rất thấp, vì Apple và Google có sự kiểm soát khá tốt thông qua cơ chế kiểm soát ứng dụng trên app store. Đây là một ví dụ về biện pháp phòng ngừa rủi ro bị tấn công trên điện thoại.
Như vậy, dù không bao giờ loại bỏ được tuyệt đối 100% các rủi ro và rủi ro luôn tồn tại, nhưng chúng ta có thể giảm thiểu, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Nhìn chung điện thoại vẫn an toàn hơn máy tính, bởi nền tảng bảo vệ tốt hơn các máy tính thông thường.
Ðiều kiện đủ là tiện và lợi
Một thực tế hiện nay là câu chuyện “hệ sinh thái” dịch vụ tài chính đang được đề cập như một trào lưu mới. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Có một câu nói nổi tiếng trước đây là “người tiêu dùng cần dịch vụ ngân hàng (banking) hơn là cần ngân hàng (bank)” và câu nói nối tiếp là “người tiêu dùng cần trải nghiệm cuộc sống hơn là cần dịch vụ ngân hàng”.
Thực tế, các nhà băng đang muốn đưa dịch vụ của mình vào cuộc sống số của người tiêu dùng nhiều hơn nữa, để trở thành “một phần trong cuộc sống của người tiêu dùng thời đại số”.
Do đó, hệ sinh thái trở thành một từ khóa mới và các ngân hàng muốn là một phần của hệ sinh thái, thậm chí chủ động xây dựng và chủ trì hệ sinh thái.
Có những ngân hàng lựa chọn tham gia cùng một vài người chơi để hợp sức tạo dựng, bởi hệ sinh thái phải đủ hấp dẫn, có nhiều người tiêu dùng sinh sống thường xuyên mà không phải “cưỡng ép”, thì mới có khả năng tăng trưởng hữu cơ.
Trong khi đó, với sinh hoạt hàng ngày, nhu cầu thường xuyên một cách tự nhiên của người tiêu dùng là thanh toán. Trong hệ sinh thái dịch vụ kỹ thuật số mà ngân hàng cố gắng đóng vai trò tích cực, các nhà băng thường muốn làm tốt các dịch vụ thanh toán, khi đó ngân hàng số mới có giá trị sử dụng thường xuyên đối với người tiêu dùng.
Là một phần trong hệ sinh thái này, Moca có kế hoạch gì?
Moca lựa chọn lĩnh vực thanh toán ngay từ đầu, cố gắng hợp tác với các ngân hàng. Sự kết hợp rõ ràng là yếu tố cộng hưởng tích cực, trong đó trước hết Moca muốn làm tốt phần thanh toán. Các ngân hàng cũng đã cho thấy rõ thái độ sẵn sàng hợp tác với chúng tôi.
Trong hệ sinh thái kỹ thuật số mà ngân hàng và những công ty trung gian thanh toán như Moca muốn tham gia xây dựng, chúng tôi phải cùng nhau tích cực mang lại giá trị cho người tiêu dùng, có như vậy mới đủ hấp dẫn để người tiêu dùng lựa chọn sử dụng.
Như thế nào sẽ được coi là đủ hấp dẫn, theo ông?
Đối với người tiêu dùng, chỉ có 2 điều: có tiện hay không và có lợi không? Đó là lý do tại sao khẩu hiệu của các công ty thanh toán từ trước tới nay thường xuyên là “An toàn, tiện lợi”. An toàn trong thanh toán tiền bạc là điều buộc phải có. Nhưng giải quyết được vấn đề an toàn mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ để dùng dịch vụ là phải tiện và lợi.
Trước tiên, chúng ta sẽ nói đến câu chuyện “lợi”. Thanh toán cũng như nhiều dịch vụ khác, lợi là yếu tố rất quan trọng để thu hút khách háng. Điều dễ thấy nhất là cho tiền, mang lại quyền lợi kinh tế.
Cho đến nay, tôi và có lẽ rất nhiều người làm trong lĩnh vực này chưa tìm ra được công thức nào tốt hơn mà không cần đến việc đầu tư nhiều tiền để thay đổi hành vi người dùng. Câu chuyện cho tiền để thay đổi hành vi người tiêu dùng là điều chúng ta đã được chứng kiến trong vòng 4-5 năm qua với Uber và Grab.
Họ đã đầu tư rất nhiều tiền và đã thành công trong việc thay đổi hành vi của hàng chục triệu người tiêu dùng Việt Nam. Từ chỗ muốn đi taxi thì gọi tổng đài hoặc vẫy xe ngoài đường, giờ đây, mỗi khi cần di chuyển, việc đầu tiên mà hầu hết người tiêu dùng nghĩ đến là vào ứng dụng gọi xe của Grab.
Trong câu chuyện thực tế này, yếu tố quan trọng nhất là cho đủ nhiều tiền một cách thường xuyên để thay đổi hành vi.
Tiếp theo, đó là câu chuyện “tiện”, phải đạt đến ngưỡng mà người tiêu dùng thấy đủ thuận tiện để duy trì thói quen này bền vững, vì không thể khuyến mại vĩnh viễn…
Điều kiện đủ lúc đó là đủ thuận tiện, dễ chịu, dễ dùng, không phiền toái. Khi đó, dù các khuyến mại không còn như ban đầu, người tiêu dùng vẫn tiếp tục sử dụng dịch vụ. Đây chính là giá trị giữ chân người tiêu dùng bền vững hơn.
Hợp tác với Grab là sự tiếp nối
Ông có tự tin khi nói về việc Moca đã đáp ứng đủ yếu tố tiện và lợi cho khách hàng?
Moca tin rằng, chúng tôi đã đạt đến ngưỡng đủ tiện về mặt tính năng sản phẩm và trải nghiệm của sản phẩm công nghệ. Tuy nhiên, về yếu tố mạng lưới thì chưa, bởi Moca hiện mới hợp tác với 11 ngân hàng, cần phải kết nối thêm nhiều nhà băng nữa để thêm phần thuận tiện.
Chưa kể, mạng lưới buôn bán còn quá nhỏ bé so với nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Đó là điều Moca vẫn còn phải phát triển nhiều.
Dù vậy, với sự hợp tác chiến lược với Grab, Moca đã tiện hơn và lợi hơn rất nhiều cho người tiêu dùng, đủ hấp dẫn cho một bộ phận lớn khách hàng.
Như vậy, có thể hiểu, Grab giúp Moca đáp ứng được nhu cầu của người dùng?
Grab là một hệ sinh thái tiêu dùng trên nền tảng kỹ thuật số thuộc dạng sôi nổi nhất Việt Nam. Nhiều người đang dùng Grab hàng ngày, hàng tháng và trả tiền cho dịch vụ họ dùng thông qua ứng dụng Grab, chẳng hạn đi xe, giao hàng, mua đồ ăn…
Cần nhấn mạnh, hệ sinh thái Grab có tới chục triệu người tiêu dùng đang sử dụng một cách tự nhiên và đây là dịch vụ có trả tiền. Đó là yếu tố rất quan trọng, bởi khách hàng đã có thói quen dùng ứng dụng điện thoại cho nhu cầu cuộc sống và trả tiền cho nhu cầu đó.
Trên đó việc chuyển đổi từ tiền mặt sang thanh toán điện tử sẽ thuận tiện, tự nhiên hơn rất nhiều so với chuyển đổi trên một nền tảng dịch vụ miễn phí.
Có những ý kiến cho rằng, Moca “bán” mình cho Grab. Ông nghĩ như thế nào về quan điểm này?
Động lực ban đầu mà tôi và các cộng sự tạo lập Moca không phải là xây dựng công ty to để kiếm thật nhiều tiền. Tất nhiên, điều này không phải là xấu, hay không cần nghĩ tới, hay không quan trọng, vấn đề chỉ là, chúng tôi tập trung vào mục tiêu làm sao để rất nhiều người tiêu dùng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở thị trường này. Đó là đích đến lớn nhất mà Moca nhắm tới.
Không riêng chúng tôi, những người tham gia vào lĩnh vực này đều muốn đạt được mục tiêu tương tự, mà để làm được thì cần lượng người dùng thường xuyên đủ nhiều. Việc hợp tác với Grab đã cho Moca cơ hội tốt nhất để làm việc với hàng triệu người dùng thường xuyên. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng.
Để có nhiều người dùng, dịch vụ phải tiện và lợi, trong khi người cung cấp dịch vụ phải có nguồn tài chính bền vững đủ để thay đổi hành vi khách hàng.
Trong 11 năm qua, chưa có nhà cung cấp dịch vụ thanh toán nào làm được điều này, nhưng những hệ sinh thái như Grab đã thành công khi thay đổi hành vi người dùng trên điện thoại, với dịch vụ mà người dùng có trả tiền.
Đây là cơ hội rất tốt để thị trường Việt Nam đẩy mạnh thanh toán phi tiền mặt trên di động ở quy mô lớn, đồng thời là động lực để Moca chọn Grab chứ không phải nhà đầu tư nào khác.
Với Grab, Moca tìm được một hệ sinh thái đầu ra cho sản phẩm, giúp chúng tôi dễ dàng hơn và nhanh hơn trong việc tiến tới đích có hàng triệu người tiêu dùng sử dụng dịch vụ của mình và gián tiếp đóng góp cho thị trường những người dùng thanh toán không tiền mặt thật bền vững và tự nhiên.