Tiềm năng phát triển lĩnh vực Fintech là có, nhưng làm được rất khó

(ĐTCK) Tiềm năng để phát triển lĩnh vực Fintech tại Việt Nam là có thực, thậm chí rất lớn, tuy nhiên, để tạo ra nhu cầu, mở rộng thị trường, doanh nghiệp Fintech cần chiến lược bài bản, công nghệ hiện đại cùng nhiều nỗ lực. Hiện tại, các Fintech tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu, vì còn cần phải bước tiếp trên một chặng đường dài, ông Trần Thanh Nam, CEO Moca cho biết.
Moca khi bắt đầu hoạt động đã theo đuổi phương thức mới hoàn toàn: thanh toán từ thẻ qua app trên di động và QR code, không cần nạp tiền vào ví điện tử Moca khi bắt đầu hoạt động đã theo đuổi phương thức mới hoàn toàn: thanh toán từ thẻ qua app trên di động và QR code, không cần nạp tiền vào ví điện tử

Fintech được nhắc đến khá nhiều trong thời gian gần đây, thế nhưng không phải ai cũng hiểu cặn kẽ về loại hình kinh doanh mới này. Ông có thể chia sẻ đôi điều về Fintech?

Ai cũng biết Fintech được ghép từ tài chính (Finance) và công nghệ (Technology). Tuy nhiên, trên thế giới hiện nay chưa có khái niệm chuẩn về Fintech, chưa  có một định nghĩa mà nhìn chung mọi người đều sử dụng. Có người chia Fintech thành 5 lĩnh vực, người khác lại chia thành 7 - 8 lĩnh vực. Bản thân tôi cũng chỉ biết một phần trong câu chuyện Fintech.

Thông thường, Fintech được nhận định có những lĩnh vực đặc trưng sau: thanh toán (phổ biến nhất ở Việt Nam); cho vay ngang hàng (P2P lending), đôi khi gộp cả kêu gọi vốn cộng đồng (crowd funding)…; quản lý tài sản (wealth management), tự động hoá đầu tư chứng khoán (robo trading); công nghệ bảo hiểm (insurtech); tiền kỹ thuật số và công nghệ blockchain. Bên cạnh đó, chúng ta còn nói nhiều đến câu chuyện quản lý tài chính cá nhân và việc so sánh những sản phẩm tài chính cá nhân.

Ví dụ ngay ở Việt Nam, chúng ta có ứng dụng Money Lover đang làm khá tốt việc hỗ trợ người dùng quản lý tài chính cá nhân. Đây cũng là một mảng của Fintech và góp phần giúp người tiêu dùng chi tiêu tài chính hợp lý dựa trên nền tảng công nghệ.

Fintech tại Việt Nam mang “màu sắc” nào là chủ đạo, theo ông?

Fintech phát triển tại mỗi thị trường khác nhau lại có những đặc điểm riêng, phản ánh yếu tố đặc thù thị trường, xã hội, chính trị. Đồng thời, sẽ có một số mảng phát triển mạnh hơn tại một khu vực nhất định, không phải mảng nào cũng có cơ hội như nhau ở một thị trường.

Chẳng hạn, lĩnh vực quản lý tài sản chưa có nhiều đất phát triển ở Việt Nam vì những người có thu nhập cao vẫn chưa sẵn sàng dùng những dịch vụ chuyên nghiệp để quản lý tài sản, quản lý hoạt động đầu tư. Do đó, các sản phẩm thuộc lĩnh vực này chưa phát triển thành ngành công nghiệp trong nền kinh tế. Tuy nhiên, nhìn sang thị trường Hong Kong, London, New York… việc ứng dụng công nghệ mới vào quản lý tài sản là lĩnh vực rất sôi động của Fintech. Đó là một ví dụ về đặc thù thị trường, xã hội ảnh hưởng đến Fintech.

Hay tại Việt Nam, các thống kê cho thấy, gần như chưa có Fintech hoạt động chính thống trong lĩnh vực cho vay ngang hàng hay huy động vốn. Thay vào đó, khá nhiều Fintech đang tập trung hoạt động trong lĩnh vực thanh toán do họ đánh giá là nhu cầu đủ lớn. Năm 2016, thị trường tiêu dùng Việt Nam ước đạt gần 160 tỷ USD, với tỷ lệ thanh toán tiền mặt chiếm phần lớn. Đây là cơ hội để phát triển các dịch vụ thanh toán điện tử.

Thế nhưng, theo tôi, đây chưa hẳn là nhu cầu có thật của người dân đối với thanh toán điện tử.

Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Nếu chỉ nhìn bề nổi rằng thị trường đang thiếu các dịch vụ thanh toán điện tử và coi đây là mảnh đất màu mỡ để phát triển hoạt động này thì thật sai lầm. Thực tế, người dân có thói quen và sở thích chi tiêu tiền mặt và ít có nhu cầu thanh toán phi tiền mặt.

Như vậy, tiềm năng là có thật nhưng để tạo được nhu cầu đủ lớn, cần phải có chiến lược tạo ra thị trường, giáo dục, định hướng lại nhận thức và hành vi tiêu dùng của người dân. Có như vậy tiềm năng mới biến thành thực tế.

Ông Trần Thanh Nam 

Tôi nhấn mạnh rằng, tiềm năng để phát triển thanh toán điện tử tại Việt Nam rất tốt, nhiều người muốn tham gia vào lĩnh vực này, nhưng cho đến nay chưa có thành công thực sự. Vấn đề là ở cách đo lường hiệu quả cuối cùng, xem chính xác người dùng đã thường xuyên dùng sản phẩm hay chưa, mức độ lan tỏa ra sao.

Vậy tại sao Fintech chưa phát triển tại mảng tín dụng?

Đúng là hiện tại, nhiều người có nhu cầu vay, trong khi với sự trợ giúp của công nghệ, việc này sẽ trở nên dễ dàng hơn, với chi phí rẻ hơn… Đây là một thị trường rất tiềm năng tại Việt Nam. Tuy nhiên, cũng giống như lĩnh vực thanh toán, đối với tín dụng, nhu cầu có nhiều nhưng thị trường chưa phát triển, sự tham gia của một số ít đơn vị chưa mang tới thay đổi lớn.

Có thể nói, phân khúc thị trường này còn rất non trẻ, bấp bênh hơn so với thanh toán, bởi đây là một thị trường nhạy cảm, chưa có khung pháp lý quản lý. Theo tôi, việc thiếu các khung khổ pháp luật về vấn đề này chính là cản trở lớn nhất. Bên cạnh đó, công nghệ trong lĩnh vực tín dụng cũng có những yêu cầu cao hơn và chưa phát triển tại Việt Nam.

Một vấn đề đang rất nóng hiện nay là tiền kỹ thuật số, hay còn gọi là tiền ảo. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Hiện tại, có nhiều khái niệm, cách hiểu khác nhau về tiền kỹ thuật số và đúng là mọi người đang rất quan tâm tới vấn đề này.

Trên thế giới có nhiều đồng tiền kỹ thuật số khá nổi tiếng như Bitcoin, Ethereum… Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn chưa thừa nhận tiền kỹ thuật số là một phương tiện thanh toán. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã nhiều lần lên tiếng Bitcoin hay các đồng tiền kỹ thuật số khác không phải là tiền, không được pháp luật thừa nhận.

Theo nhận định chủ quan của tôi, trong tương lai gần không nhìn thấy khả năng những đồng tiền như Bitcoin được công nhận là tiền tệ tại thị trường Việt Nam. Nó sẽ chỉ được coi là một loại tài sản, tương tự như vàng khi những năm gần đây không được coi là phương tiện thanh toán nữa.

Quay trở lại với vấn đề Fintech, triển vọng của các Fintech trong lĩnh vực thanh toán sẽ như thế nào?

Đây là lĩnh vực nhiều người làm, nhưng chưa ai làm được nhiều. Một điểm thuận lợi là xu hướng thanh toán trên di động đang ngày càng rõ ràng, mạnh mẽ hơn tại khu vực, cũng như trên toàn cầu. Bên cạnh đó, tỷ lệ người dùng di động ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, khó khăn là nhu cầu không lớn, một phần cũng bởi thói quen chi tiêu tiền mặt, tâm lý nghi ngại vấn đề an ninh, an toàn…

Một thách thức nữa là thị trường còn phân mảnh khi các siêu thị, các chuỗi cửa hàng tiện ích chưa phát triển đủ mạnh. Các thống kê cho thấy, chỉ khoảng 30% hàng hóa tiêu dùng được cung ứng qua các kênh bán lẻ hiện đại, trong khi 70% vẫn qua kênh truyền thống là chợ cóc, cửa hàng tạp hóa. Việc có quá nhiều các cửa hàng nhỏ lẻ là một thách thức lớn đối với các Fintech làm dịch vụ thanh toán.

Nếu nói về Moca, theo ông, đâu là điểm khác biệt với các công ty Fintech khác?

Chúng tôi khá tự tin rằng Moca là doanh nghiệp đi đầu ở Việt Nam trong việc thanh toán trên di động với những nét rất mới.

Trước đây, thị trường thanh toán điện tử Việt Nam có 2 loại hình dịch vụ phát triển tương đối sôi động là cổng thanh toán và ví điện tử theo khái niệm truyền thống hiện nay.

Ví điện tử có đặc thù rõ nét là nạp tiền vào ví và dùng ví đó như một phương tiện thanh toán thay cho tiền mặt, thẻ. Trong khi cổng thanh toán, theo nghĩa phổ biến nhất là cổng thanh toán cho một trang web thương mại điện tử. Điều này đồng nghĩa với việc nó bị giới hạn trong hoạt động thương mại điện tử qua Internet mà thôi.

Moca khi bắt đầu hoạt động đã theo đuổi hình thức mới hoàn toàn, chưa chú trọng làm ví điện tử mà là ứng dụng (app) trên di động để người dùng có thể thanh toán trực tiếp từ nguồn tiền trong tài khoản thẻ ngân hàng.

Đây là điểm rất khác biệt: thay vì phải nạp tiền vào ví điện tử thì người dùng ứng dụng Moca vẫn để tiền trong tài khoản ngân hàng của họ. Ở đây, Moca chú trọng tạo ra tiện ích thanh toán an toàn và thuận tiện cho người tiêu dùng mà Moca không giữ tiền của họ.

Ngoài ra tôi muốn chia sẻ hai công nghệ mới mà Moca đã tiên phong áp dụng đầu tiên ở Việt Nam, ngay từ thời điểm 2014:

Thứ nhất, tokenization là phương thức bảo vệ các dữ liệu nhạy cảm như số thẻ bằng cách thay thế nó với một chuỗi số khác – gọi là token – mà từ đó không thể đảo ngược để tìm ra số thẻ. Khi người dùng liên kết thẻ thanh toán (thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ) với ứng dụng Moca, hệ thống phía ngân hàng sẽ cung cấp một token ứng với dữ liệu của thẻ của người dùng. Moca chỉ lưu giữ và sử dụng token này để xử lý các giao dịch thanh toán.

Điều này có nghĩa là thông tin thẻ thực của người dùng hoàn toàn không được lưu trên điện thoại hay trên máy chủ của Moca. Và khi thực hiện giao dịch, token này được sử dụng thay cho số thẻ, như vậy thông tin thực của chủ thẻ không hề bị chia sẻ trong quá trình thực hiện giao dịch. Ngay từ thời điểm năm 2014, khi ở Việt Nam chưa có ai dùng token và EMVCo mới ban hành chuẩn tokenization thì Moca đã ứng dụng công nghệ này.

Thứ hai, Moca cũng đi tiên phong trong việc ứng dụng QR code trong thanh toán. Việc người mua quét mã QR của người bán có nghĩa là Moca không hề gửi dữ liệu của khách hàng sang phía người bán hàng. Phương thức này loại bỏ hoàn toàn rủi ro mất thông tin thẻ khi giao dịch.

Bên cạnh đó, QR code có ý nghĩa thay thế cho máy POS. QR code gần như không tốn tiền triển khai bởi có thể in trên tờ giấy, tấm mica, hiển thị trên màn hình…kể cả so với MPOS thì cũng rẻ hơn rất nhiều.

Hồng Dung thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục