Xu hướng không thể cưỡng
Xu hướng các doanh nghiệp về công nghệ mới thành lập hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ tài chính đã diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và là mối quan ngại lớn của lãnh đạo các nhà băng. Jamie Dimon, Tổng giám đốc JP Morgan Chase, trong bức thư năm 2015 gửi các cổ đông của ngân hàng đã cảnh báo rằng: “Thung lũng Silicon đang nhắm đến chén cơm của các ngân hàng”.
Phần lớn sự quan ngại đến từ việc các sản phẩm và dịch vụ được tạo ra ngày càng dễ dàng với sự trợ giúp của công nghệ. Các ngân hàng hiện vẫn có thể tự trấn an rằng mình có thương hiệu, dữ liệu và quy mô lớn. Tuy nhiên, một khi người tiêu dùng quen dần với việc sử dụng các dịch vụ tài chính không do ngân hàng cung cấp, những lợi thế đó sẽ dần mất đi.
Chính vì tiềm năng ngày càng lớn của các doanh nghiệp Fintech, đầu tư toàn cầu vào các công ty này đã chứng kiến sự gia tăng mạnh trong 6 năm qua, từ mức chỉ 1,3 tỷ USD năm 2010, đã lên đến 14,72 tỷ USD năm 2015 và tiếp tục ở mức cao 13,15 tỷ USD trong năm 2016 (theo CBInsights).
Việt Nam cũng không đứng ngoài xu hướng phát triển của doanh nghiệp Fintech. Với 52% người dân sử dụng Internet, 45% sử dụng điện thoại thông minh (smartphone), Việt Nam là một thị trường đầy hứa hẹn cho các công ty ứng dụng công nghệ vào dịch vụ tài chính. Năm 2015 - 2016 được xem là giai đoạn bùng nổ của loại hình công ty này với hàng loạt tên tuổi gia nhập và phát triển mạnh trên thị trường như MoMo, Payoo, 123pay, hay mới đây nhất là Finsom.
Khoản đầu tư 28 triệu USD vào ví điện tử Momo của Quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity (SCPE) và Ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs năm 2016 là minh chứng cho tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp Fintech.
Do được phát triển trên nền tảng hệ thống công nghệ thông tin và viễn thông, không cần mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch rộng khắp như ngân hàng, các sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp Fintech cung ứng đã và đang thu hút được một số lượng lớn khách hàng, đặc biệt là người dân sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận với dịch vụ ngân hàng.
Hiện có khoảng 20 công ty Fintech đã được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Từ bước sơ khởi chỉ cung cấp các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, đến nay, các công ty Fintech đã mở rộng cung cấp hàng loạt dịch vụ khác, từ đơn giản như cung cấp gói giúp việc nhà, đến phức tạp hơn và lấn sân sang cả mảng huy động/cho vay của ngân hàng truyền thống.
Đơn cử, Finsom vừa cho ra mắt website huydong.com kết nối những cá nhân có vốn nhàn rỗi và những doanh nghiệp mới thành lập, hoặc doanh nghiệp vừa và nhỏ đang cần nguồn vốn hoạt động. Mô hình này tương tự như mô hình Uber/Grab của ngành tài chính và được quảng bá rằng quy trình thực hiện đơn giản, an toàn, cùng lãi suất cạnh tranh. Nói cách khác, huydong.com đang làm công việc của một ngân hàng, kết nối người có vốn và người có nhu cầu vốn.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã từng nhận định rằng, Fintech là lĩnh vực đầy tiềm năng tại Việt Nam xét theo quy mô dân số và lợi thế so sánh về nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tuy nhiên khuôn khổ pháp lý vẫn chưa đầy đủ và đồng bộ với các lĩnh vực tài chính khác.
Chính vì sự phát triển mạnh mẽ, tiềm năng nhưng không kém phần phức tạp của lĩnh vực Fintech, Thống đốc NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc về lĩnh vực Fintech của NHNN chịu trách nhiệm tham mưu đề xuất Thống đốc xây dựng cơ chế quản lý phù hợp, hoàn thiện khung pháp lý, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Fintech của Việt Nam ra đời và phát triển.
Ngân hàng cần đón đầu cơ hội
Sự ra đời và phát triển của Fintech đã trở thành một xu thế tất yếu cùng sự phát triển công nghệ thông tin toàn cầu. Đây được cho là thách thức lớn với các ngân hàng, nhưng ở một khía cạnh khác cũng chính là cơ hội cho những tổ chức tín dụng biết nắm bắt thời cơ đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực công nghệ thông tin để thu hút nhiều khách hàng hơn.
Nhìn một cách toàn diện, sự phát triển của các doanh nghiệp Fintech sẽ giúp một bộ phận người dân, đặc biệt là tại các vùng sâu vùng xa, được tiếp cận với các dịch vụ tài chính hiện đại nhưng gần gũi. Đây chính là một “bước đệm” quan trọng, trang bị những kỹ năng cơ bản khi sử dụng dịch vụ tài chính cho bộ phận khách hàng chưa từng sử dụng dịch vụ ngân hàng. Những khách hàng này sẽ không còn bỡ ngỡ và được kỳ vọng sẽ chủ động hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ chuyên nghiệp của ngân hàng trong tương lai.
Với những ngân hàng có hệ thống Internet banking chưa phát triển mạnh, việc hợp tác với các doanh nghiệp Fintech cũng là lời giải trong ngắn hạn cho bài toán gia tăng tiện ích cho khách hàng, một trong những yếu tố then chốt với các ngân hàng định hướng bán lẻ. Đó cũng là lý do mà hầu như các ngân hàng hiện nay đều ký hợp tác với một hoặc vài doanh nghiệp Fintech để gia tăng lựa chọn trong vấn đề thanh toán, chuyển tiền cho khách hàng của mình.
Không chỉ dừng ở việc hợp tác với các công ty Fintech, việc đầu tư vào công nghệ thông tin, tăng cường an toàn hệ thống cũng là một đòi hỏi tất yếu của các ngân hàng trong bối cảnh công nghệ đang phát triển từng ngày, từng giờ.
Thực tiễn đã cho thấy, những doanh nghiệp nhanh nhạy trong việc đầu tư và làm chủ công nghệ sẽ có bước phát triển vượt bậc. Khi “đối thủ” Fintech còn đang trong giai đoạn sơ khai, một số ngân hàng định hướng bán lẻ đã bắt đầu tăng tốc đầu tư vào lĩnh vực công nghệ nhằm đem đến những trải nghiệm ngân hàng tốt nhất cho khách hàng, đó là sự tiện lợi, nhanh chóng nhưng an toàn. Một khi ba tiêu chí trên được đáp ứng, cộng thêm thương hiệu và quy mô sẵn có, ngân hàng sẽ trở thành lựa chọn hàng đầu của khách hàng yêu công nghệ và đòi hỏi sự thuận tiện.
Một trong những ngân hàng nhanh chóng hòa nhập vào trào lưu số hóa có thể kể tới Ngân hàng Sài Gòn (SCB). Trong 5 năm qua, Ngân hàng đã đầu tư, phát triển và đưa vào hoạt động chuỗi sản phẩm dịch vụ ứng dụng công nghệ như Trung tâm dữ liệu mới Data Center; hệ thống ERP tài chính; hệ thống iServices - Intelligent Services Processing chạy trên máy tính bảng; thẻ SCB MasterCard World Class và SCB C- Debit MasterCard…
Ông Nguyễn Văn Thanh Hải, Phó tổng giám đốc SCB chia sẻ, với định hướng trở thành ngân hàng bán lẻ đa năng và hiện đại, SCB thời gian qua đã đầu tư mạnh vào công nghệ nhằm đưa các ứng dụng công nghệ hiện đại vào dịch vụ ngân hàng.
Theo đó, trong thời đại của điện thoại thông minh, SCB đã nhanh chóng cho ra mắt ứng dụng trên điện thoại SCB Mobile Banking từ đầu năm 2015, giúp khách hàng tương tác với ngân hàng nhanh chóng và tiện lợi hơn.
Ứng dụng trên thiết bị di động thông minh này giúp khách hàng của SCB có thể gửi tiết kiệm, theo dõi khoản vay, theo dõi giao dịch trên các tài khoản của mình, thực hiện việc chuyển tiền trong và ngoài hệ thống ngân hàng; cũng như thực hiện thanh toán các loại hóa đơn, đặt vé máy bay, tra cứu các thông tin về điểm giao dịch SCB gần nhất hay tỷ giá/giá vàng/lãi suất ...
Không chỉ tập trung phát triển công nghệ, vấn đề an ninh công nghệ cũng được SCB chú trọng trong những năm gần đây. Đây là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam đạt Chứng chỉ bảo mật quốc tế PCI DSS phiên bản 3.2 – chứng chỉ tiêu chuẩn về an ninh, bảo mật trong lĩnh vực phát hành và chấp nhận thẻ thanh toán, được thiết lập bởi Hội đồng tiêu chuẩn bảo mật thẻ thanh toán gồm 5 thành viên là các tổ chức thẻ quốc tế Visa, MasterCard Worldwide, American Express, Discover Financial Services, JCB International. 3.2 là phiên bản mới nhất của Tổ chức PCI DSS với nhiều điều kiện nghiêm ngặt và chặt chẽ hơn so với phiên bản cũ.
Nhìn chung, sự ra đời của các công ty Fintech đã giúp hoàn thiện hơn thị trường tài chính đang trong giai đoạn phát triển của Việt Nam, gia tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính hiện đại, tiện lợi cho một bộ phận người dân chưa có cơ hội dùng dịch vụ ngân hàng.
Một mặt, Fintech là thách thức với các ngân hàng hiện đại, mặt khác lại là động lực giúp các ngân hàng năng động hơn trong việc phát triển các dịch vụ ứng dụng công nghệ hiện đại cũng như hoàn thiện hệ thống công nghệ của mình, để trở nên mạnh mẽ, vững chắc hơn trong quá trình hội nhập vào kỷ nguyên công nghệ.