Thanh toán trên di động: Chờ lấp đầy khoảng trống pháp lý

(ĐTCK) Mua sắm, thanh toán tiền điện, nước, nạp thẻ di động, rút tiền…, ví điện tử đang trở thành công cụ rất tiện lợi với nhiều người. Tuy nhiên, khoảng trống pháp lý đối với loại hình này là vấn đề cần sớm được cơ quan quản lý xem xét lấp đầy.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Trăm hoa đua nở

Khó có thể thống kê hết các loại ví điện tử đang được cung cấp bởi các trung gian thanh toán hiện nay và cũng chưa có thống kê hay công bố nào chính thức về số lượng người dùng thanh toán qua các loại ví điện tử, nhưng nhiều thương hiệu đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng như MoMo, GrabPay by Moca, Viettel Pay, AirPay, VNPay, ZaloPay, SenPay…

Thanh toán qua ví điện tử được ưa thích, bởi ngoài sự tiện lợi từ công nghệ, còn là lợi ích của người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp đã rất nhanh nhạy trong nắm bắt tâm lý khách hàng, tiêu gì cũng có khuyến mại, ví dụ như thanh toán hóa đơn điện nước cũng được tặng vài chục nghìn đồng, hay thường xuyên giảm giá 5 - 10% thẻ nội địa, thẻ tín dụng các đơn vị đều chấp nhận khá thoải mái.

Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đang bùng nổ với tốc độ chóng mặt. 7 tháng đầu năm, số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng đạt hơn 158,5 triệu giao dịch, với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 410.900 tỷ đồng (tăng tương ứng 15,8% và 15,6% so cùng kỳ năm 2018);

Số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet đạt hơn 226 triệu giao dịch với giá trị khoảng 10.951.000 tỷ đồng (tăng tương ứng 51,8% và 18,3% so với cùng kỳ năm 2018); số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt hơn 202 triệu giao dịch với giá trị giao dịch đạt hơn 2.093.000 tỷ đồng (tăng tương ứng 104,9% và 155,3% so cùng kỳ năm 2018).

Dữ liệu công bố tại cuộc gặp gỡ giới phân tích, đầu tư của Techcombank cũng cho thấy, đây là xu hướng các doanh nghiệp cần chú ý. 6 tháng đầu năm, giá trị giao dịch thanh toán qua thẻ tín dụng của Ngân hàng này đạt 13.000 tỷ đồng, tăng hơn 80%, qua thẻ ghi nợ đạt 23.000 tỷ đồng, tăng hơn 60% so với cùng kỳ.

Giá trị giao dịch 6 tháng đầu năm 2019 đạt 1 triệu tỷ đồng qua kênh điện tử, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Nếu tính cả ngân hàng và các đơn vị trung gian thanh toán thì hiện tại ở Việt Nam, có khoảng 100 tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó đơn vị trung gian thanh toán là 31 doanh nghiệp (được Ngân hàng Nhà nước cấp phép trong 4 năm qua).

Cẩn trọng khi giao dịch

Ðiều đáng nói là khi thị trường nở rộ các loại hình thanh toán điện tử như vậy, đã xuất hiện không ít hành vi giả mạo hay lừa đảo.

Truy cập website của Vietcombank hay VPBank thời điểm này, khách hàng đều được khuyến cáo mọi trường hợp yêu cầu khách hàng cung cấp mã số OTP đều là giả mạo, Grab cũng liên tục khuyến nghị và nhắc nhở khách hàng rằng họ không bao giờ yêu cầu khách hàng gửi mã OTP…

Với những giao dịch trên 100 triệu đồng, VPBank buộc khách hàng phải dùng mã OTP động để gia tăng tính bảo mật.

Ngoài các dịch vụ thanh toán trên điện thoại do ngân hàng cung cấp, các ví điện tử của các tổ chức trung gian thanh toán, gần đây, kênh thanh toán mobile money cũng được nhắc đến khá nhiều.

Kênh này không đòi hỏi khách hàng phải có điện thoại thông minh vì sử dụng chính tài khoản viễn thông làm tài khoản thanh toán. Mobile money không chỉ cung cấp dịch vụ thanh toán, chuyển tiền mà cả các khoản tín dụng nhỏ.

Nhưng đây vẫn là lĩnh vực chưa có khung pháp lý quy định. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ.

Thị trường cũng đang chờ đợi quy định của Ngân hàng Nhà nước về trung gian thanh toán qua việc chính thức ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán.

Dự thảo quy định về nhiều hành vi như gian lận, mua, bán, thuê, cho thuê, chuyển nhượng ví điện tử hoặc thông tin ví điện tử; mở hộ, mở hoặc duy trì ví điện tử nặc danh, mạo danh...

Ðiều khoản được doanh nghiệp và khách hàng đặc biệt quan tâm là khách hàng sử dụng ví điện tử buộc phải liên kết ví điện tử với tài khoản ngân hàng mới được kích hoạt sử dụng.

Theo nhận xét của giới chuyên gia, quy định chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước là rất cần thiết để vừa kiểm soát được các giao dịch trong nền kinh tế, vừa hạn chế tình trạng rửa tiền, tranh chấp tiền ảo… có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều.

Ðề cập đến tính pháp lý của những giao dịch trên các sàn giao dịch tài sản số, giao dịch điện tử, ông Nguyễn Cảnh Thăng, Phó trưởng phòng Pháp luật kinh tế ngành, Vụ Pháp luật dân sự kinh tế Bộ Tư pháp cho rằng, người tiêu dùng cần chọn lựa cẩn trọng.

Ðơn cử như giao dịch liên quan đến tiền ảo, mobile money, nếu có tranh chấp, các bên đưa vụ việc ra tòa án, theo quy định tòa không được từ chối thụ lý các vụ việc nhưng thiếu khung pháp lý để xử lý nên người dân sẽ “nắm dao đằng lưỡi”.

Phương Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục