Trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội mới đây, đại biểu Trần Quang Chiểu, thành viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nêu ra các giải pháp thực thi chính sách tài chính - tiền tệ, trong đó đề xuất Ngân hàng nhà nước (NHNN) xem xét lại một số quy định về thanh toán. Cụ thể, ông Chiểu đề cập đến dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2014/TT-NHNN về trung gian thanh toán và Thông tư 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng.
Chẳng hạn, tại dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 43/2016, NHNN hạn chế việc các công ty giải ngân trực tiếp cho người vay, dẫn đến quan ngại làm giảm hiệu quả các biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi nạn "tín dụng đen" của Chính phủ. Cụ thể, các công ty tài chính chỉ được giải ngân tối đa bằng tiền mặt 30% tổng dư nợ. Đây là bất lợi lớn đối với các công ty tài chính cho vay tiêu dùng, bởi cho vay tiền mặt vốn được xem là hoạt động quan trọng nhất.
Hay tại Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2014, NHNN đưa ra các hạn chế đối với phương thức giải ngân của các công ty tài chính, hạn chế người dùng chỉ được mở 1 ví điện tử tại 1 tổ chức cung ứng dịch vụ, không được giao dịch quá 20 triệu đồng/ngày và không quá 100 triệu đồng một tháng...
Theo ông Chiểu, những nội dung này nếu được ban hành sẽ cản trở việc phát triển kinh tế số và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt - là một trong những chủ trương đang được Chính phủ đẩy mạnh triển khai.
Mặt khác, việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, theo phát biểu của đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, còn góp phần giải quyết thực trạng thất thu thuế thu nhập cá nhân trong “nền kinh tế ưa dùng tiền mặt” của Việt Nam hiện nay.
Ngoài quy định mức giao dịch tối đa, NHNN còn đề xuất các doanh nghiệp ví điện tử phải định danh bằng cách yêu cầu khách hàng nộp giấy tờ chứng minh, cho dù đã có tài khoản ở ngân hàng liên kết. Theo NHNN, việc định danh là cần thiết để đảm bảo an toàn cho thanh toán điện tử, tránh để ví điện tử bị lợi dụng bởi các hoạt động bất hợp pháp. Dù vậy, các doanh nghiệp ví điện tử tỏ ra băn khoăn khi cho rằng, quy định này không chỉ gây khó cho khách hàng, mà còn tạo áp lực cho các ngân hàng khi yêu cầu trong vòng 6 tháng các tài khoản ví phải cung cấp thông tin để thực hiện xác thực kể từ ngày thông tư ban hành.
Số liệu thống kê của NHNN cho thấy, hiện có hơn 9 triệu tài khoản ví đã đăng ký trên toàn quốc, trong đó 4,2 triệu ví có liên kết tài khoản ngân hàng. Các chuyên gia ước tính, chi phí phát sinh tối thiểu để thực hiện yêu cầu định danh của NHNN là hơn 1.200 tỷ đồng.
Đề xuất giải pháp, nhiều chuyên gia cho rằng, thay vì yêu cầu khách hàng kê khai lại, nên có cơ chế xác thực giữa đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử và ngân hàng để thuận tiện cho người dùng. Theo đó, NHNN nên cân nhắc phương án cho phép cơ chế liên thông giữa ngân hàng với doanh nghiệp cung cấp ví điện tử, để ngân hàng sau khi xác thực chủ tài khoản sẽ chia sẻ lại thông tin này và không cần doanh nghiệp cung cấp ví điện tử phải xác thực lại, hạn chế tốn kém thời gian, cho phí của các bên.
Lãnh đạo các ngân hàng cho rằng, với khoảng 5 triệu tài khoản ví điện tử đang hoạt động như hiện tại, việc yêu cầu định danh lại tạo áp lực lớn cho ngân hàng. Hiện nay, tổ chức cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý đã có đầy đủ công cụ, biện pháp để xác minh thông tin nếu cần.
Cụ thể, để sử dụng ví điện tử, khách hàng luôn phải có số điện thoại và số tài khoản ngân hàng. Để mở tài khoản ngân hàng, khách hàng phải cung cấp các thông tin xác minh nhân thân theo quy định tại Thông tư số 23/2014/TT-NHNN; để đăng ký thuê bao di động, chủ thuê bao cũng phải cung cấp các thông tin xác minh nhân thân theo Điều 15 - Nghị định số 25/2011/NĐ-CP.
Vì vậy, trong trường hợp cần xác minh thông tin khách hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý hoàn toàn có thể truy xuất dữ liệu từ các nguồn nói trên, không cần thiết yêu cầu khách hàng phải thực hiện thủ tục cung cấp thông tin nhiều lần khi mở ví điện tử.