Hướng tới xã hội không dùng tiền mặt

(ĐTCK) Một số ngân hàng thương mại đã nghiên cứu, hợp tác triển khai các công nghệ, giải pháp mới vào hoạt động thanh toán trên thiết bị di động như xác thực sinh trắc học.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Để hoạt động thanh toán, đặc biệt là thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) phát triển an toàn, hiệu quả và lành mạnh trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển TTKDTM, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, phối hợp với Bộ Tài chính để nghiên cứu và công khai chi tiết danh mục giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng.

Phát biểu tại hội thảo “Hướng đến một xã hội không dùng tiền mặt” do NHNN tổ chức ngày 15/1 tại TP.HCM, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, lĩnh vực thanh toán đã được NHNN chỉ đạo, điều hành một cách chủ động, quyết liệt, lấy việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng làm trọng tâm, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 làm nhân tố quyết định.

Trong năm 2018, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ bàn hành Quyết định 241/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và các chương trình an sinh xã hội; Ban hành Bộ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa và Bộ tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam” làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán áp dụng nhằm tăng khả năng thanh toán liên thông, tăng cường an toàn, bảo mật giao dịch khách hàng.

Theo Phó Thống đốc, lĩnh vực thanh toán đã đạt một số kết quả nổi bật như: Hành lang pháp lý cho hoạt động TTKDTM ngày càng được hoàn thiện; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông trong phát triển TTKDTM; tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán; Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng - hệ thống thanh toán xương sống của quốc gia - được vận hành hoạt động an toàn, hiệu quả và thông suốt; thanh toán qua Internet, qua di động đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút lượng lớn khách hàng sử dụng và đạt tốc độ tăng trưởng khả quan.

Một số ngân hàng thương mại đã nghiên cứu, hợp tác triển khai các công nghệ, giải pháp mới vào hoạt động thanh toán trên thiết bị di động như xác thực sinh trắc học, mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán phi tiếp xúc (contactless), công nghệ mPOS...

Bổ sung thêm, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) ông Phạm Tiến Dũng cho biết, TTKDTM thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Hệ thống thanh toán điện tử liên quan ngân hàng được vận hành hoạt động an toàn, hiệu quả và thông suốt. Tính đến tháng 12/2018, hệ thống đã xử lý khoảng 137.594 nghìn giao dịch, với giá trị đạt khoảng hơn 73 triệu tỷ đồng (ước tính giá trị giao dịch bình quân mà hệ thống xử lý trong ngày đạt trên 544 nghìn giao dịch/ngày, với giá trị trên 289 nghìn tỷ đồng/ngày, tăng tương đương 25% và 24% so với năm 2017.

Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ giao dịch thanh toán bán lẻ cũng đang trong quá trình thử nghiệm cuối cùng trước khi được vận hành chính thức phục vụ người dân. Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử, tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội và thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Mạng lưới ATM/POS cũng được các ngân hàng chú trọng đầu tư, nâng cấp, sửa chữa. Tính đến cuối tháng 9/2018, trên toàn quốc có khoảng 18.173 ATM và khoảng 294.500 POS (tăng tương ứng 4,5% và 13% so với cùng kỳ năm 2017).

Tuy nhiên, Phó Thống đốc Kim Anh lưu ý, khi xã hội phát triển mạnh TTKDTM sẽ có những rủi ro xảy ra như: Rủi ro an ninh mạng, rủi ro giao dịch trực tuyến… Đây cũng là điều cần lưu tâm trong TTKDTM, hướng đến một xã hội TTKDTM.

Trong bối cảnh này, công tác an toàn, bảo mật được các ngân hàng đặc biệt quan tâm. Ông Lê Mạnh Hùng - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (NHNN) chia sẻ, để đảm bảo an toàn cho các hệ thống công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ ngân hàng, NHNN đã thường xuyên rà soát, ban hành mới hoặc sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn các tổ chức tín dụng trong việc tăng cường đảm bảo an ninh, bảo mật các giao dịch ngân hàng và hệ thống thanh toán.

Mục tiêu của NHNN trong thời gian tới là tiếp tục triển khai có hiệu quả chiến lược, đề án, dự án thuộc lĩnh vực thanh toán như: Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020 (theo quyết định 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016). Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; điện, nước, học phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội (theo Quyết định 24/QĐ-TTg ngày 23/2/2018), chiến lược giám sát các hệ thống thanh toán gia đoạn 2014 - 2020.

Ngoài ra, NHNN phối hợp với Bộ Tài chính để nghiên cứu danh mục giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng, đề xuất Chính phủ sửa đổi một số quy định pháp luật để khuyến khích không dùng tiền mặt đối với giao dịch bất động sản.

Tận dụng tối đa công nghệ để đem lại tiện tích tốt nhất cho khách hàng

So sánh giữa hai mô hình ngân hàng truyền thống và mô hình ngân hàng mới, chúng ta có thể thấy được sự thay đổi rõ rệt.

Nếu như mô hình truyền thống trước đây, khách hàng phải đến ngân hàng và ngân hàng bán các sản phẩm chuyên biệt cho khách hàng, thì với mô hình ngân hàng mới, các ngân hàng đều đặt khách hàng là trung tâm và cung ứng tất cả các sản phẩm từ sản phẩm tiền vay, huy động đến sản phẩm, dịch vụ ngân hàng thanh toán. 

Mối quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng không còn là 1 - 1, mà là một hệ sinh thái, cung ứng tất cả các dịch vụ, sản phẩm cho khách hàng.

Sở dĩ trước đây, dịch vụ thanh toán chưa phát triển do bản thân mỗi đơn vị nghĩ tự mình sẽ phát triển, song qua thời gian, cùng với sự phát triển của công nghệ, tất cả đều đẩy mạnh dịch vụ thanh toán. Chúng ta đang tận dụng tối đa công nghệ để đem lại tiện tích tốt nhất cho khách hàng; đưa khách hàng vào trọng tâm để cung ứng dịch vụ. 

Ông Thomas William Tobin, Giám đốc Khối bán lẻ Vietcombank 

Cần sự chủ động của doanh nghiệp trong TTKDTM

Định hướng của Chính phủ trong thúc đẩy TTKDTM rất rõ. Trong đó, có việc mở rộng đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng; đồng thời thúc đẩy TTKDTM trong các dịch vụ công. Tuy nhiên, cần có sự góp sức của các doanh nghiệp trong việc chủ động thúc đẩy TTKDTM. 

Hiện với các doanh nghiệp nhà nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đi đầu trong quá trình thúc đẩy TTKDTM. Đa phần doanh nghiệp ý thức rõ ràng về lợi ích của việc TTKDTM, những vẫn còn những rào cản chính như: Phí trong TTKDTM, đầu tư về cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin... Bên cạnh đó, rào cản về thuế khi đẩy mạnh TTKDTM cũng là một vấn đề lớn.

Ông Từ Tiến Phát, Phó tổng giám đốc ACB

Thanh toán qua Mobile và internet banking tăng trưởng cao 

Tại Việt Nam, hiện chỉ có 30% người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng; 70% còn lại là một thị trường với tiềm năng rất lớn. Chủ trương đẩy mạnh TTKDTM, sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin và các công ty Fintech… sẽ tạo điều kiện tích cực trong việc hạn chế sử dụng tiền mặt. 

Thực tế, từ nhiều năm trước, các ngân hàng đã phát triển theo hướng số hóa dịch vụ, từ việc đầu tư cho Internet Banking và Mobile Banking, sau đó là thẻ và gần đây nhất là các ứng dụng di động. So với giao dịch tại quầy, tỷ lệ thanh toán qua kênh Mobile Banking, Internet Banking đã chiếm hơn 1/4 tổng giao dịch qua ngân hàng và mỗi năm tốc độ tăng khoảng 40% - 50%, riêng kênh Mobile Banking chiếm tới 70%.

Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Sacombank 

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục