Thanh niên 22 tuổi lừa đảo gần 9 tỷ đồng từ Amazon chỉ bằng cách không ngờ

Với thủ đoạn vô cùng đơn giản, một thanh niên 22 tuổi người Tây Ban Nha đã “moi” được số tiền gần 9 tỷ đồng nhờ lợi dụng kẽ hở trong chính sách hoàn trả bưu kiện của Amazon.
Thanh niên 22 tuổi lừa đảo gần 9 tỷ đồng từ Amazon chỉ bằng cách không ngờ

Truyền thông Tây Ban Nha gần đây đã hé lộ một thủ đoạn “moi tiền” bất chính, đã đang được một vài người dùng khai thác thông qua việc lợi dụng lỗ hổng từ các dịch vụ thương mại điện tử, điển hình như Amazon. 

Đầu tiên, những kẻ này đặt hàng sản phẩm thông qua hình thức online, sau đó chúng nhận hàng, lấy sản phẩm ra khỏi bưu kiện, rồi gửi trả lại vỏ hộp nhằm được hoàn trả lại số tiền đã bỏ ra ban đầu.

Một số trường hợp đã nhét các món đồ giả, thậm chí là... đất vào bên trong bưu kiện sao cho đúng bằng với trọng lượng ban đầu nhằm qua mặt hệ thống cân tự động.

James Gilbert Kwarteng, 22 tuổi, là một trong số những người bị cáo buộc là đã dùng thủ đoạn trên để “moi” được số tiền tương đương 370.000 USD, tương đương khoảng 8,6 tỷ đồng. 

Tờ El Español mô tả hành vi của Kwarteng là rất tinh vi, rằng ngay khi nhận được hàng, y sẽ đặt hộp lên cân và ghi lại khối lượng chính xác tới từng gram. Sau đó, y “đánh tráo” các món hàng bên trong cho đến khi đạt đến khối lượng ban đầu, rồi gửi trả Amazon để lấy tiền hoàn. 

Những sản phẩm đã đặt mua cũng được Kwarteng bán lại cho những người dùng khác, nhằm phi tang vật chứng và kiếm lời.

Tuy nhiên, thanh niên 22 tuổi này đã bị cảnh sát tóm gọn hôm 3/8 vừa qua sau khi Amazon phát hiện thấy nhiều kiện hàng chứa đất tại trung tâm kho vận ở Barcelona. 

Thanh niên 22 tuổi lừa đảo gần 9 tỷ đồng từ Amazon chỉ bằng cách không ngờ ảnh 1

Thực hiện hàng triệu đơn hàng quốc tế mỗi giờ, song Amazon vẫn để lọt nhiều lỗ hổng và bị kẻ gian khai thác.

Theo truyền thông Tây Ban Nha, sở dĩ Amazon dễ dàng “mắc lừa” trước chiêu trò này là do hãng có quy định sẽ hoàn tiền ngay khi khách hàng yêu cầu và gửi bưu kiện sản phẩm trở lại mà chưa mở hộp ngay khi nhận về để kiểm tra hàng hoá bên trong.

Đây không phải lần duy nhất Amazon bị lợi dụng bởi những quy định từ chính sách khách hàng. Vào năm 2017, một cặp đôi người Mỹ là Erin Finan và Leah Jeanette Finan cũng từng áp dụng thủ đoạn tương tự để chiếm đoạt từ Amazon tổng trị giá lên tới 1,2 triệu USD. 

Để làm được điều này, chúng đã tạo ra hàng trăm tài khoản Amazon với danh tính “ảo”, sau đó đặt mua gần 3.000 món đồ điện tử tiêu dùng, máy ảnh, máy chơi game,...

Sau đó, nhờ lợi dụng chính sách dịch vụ của Amazon cho phép khách hàng đổi trả hàng thay thế nếu sản phẩm bị hỏng hoặc vỡ trong quá trình vận chuyển, cặp đôi người Mỹ đã “trót lọt” hàng trăm phi vụ lừa đảo bằng cách thay thế các món đồ cũ, đồ hỏng để hoàn trả. Ngay khi nhận được tiền, chúng ngay lập tức xoá các tài khoản giả, rồi đem thanh lý các món đồ nhận được.


Theo Dantri

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục