Thắng thị trường, đừng chỉ nhìn vào lợi nhuận

(ĐTCK) Mùa công bố kết quả kinh doanh quý III/2019 đang diễn ra và như một “nguyên tắc bất thành văn”, đây là quý thấp điểm của lợi nhuận (doanh nghiệp thường có xu hướng dồn lợi nhuận cho quý cuối năm để chốt sổ). 
Thắng thị trường, đừng chỉ nhìn vào lợi nhuận

Các công ty chứng khoán gần đây có chung nhận định, chiến tranh thương mại là lý do cho tâm lý e ngại của thị trường, đi ngang của điểm số dù tình hình vĩ mô trong nước vẫn tiếp tục tích cực.

Khuyến nghị được đưa ra từ các công ty chứng khoán là nhà đầu tư có thể cân nhắc bỏ vốn vào cổ phiếu của một số nhóm ngành chính như ngân hàng, bất động sản, bán lẻ, vật liệu xây dựng, điện, nước…

Một số báo cáo phân tích rất chi tiết, một số khác có đánh giá tổng quan, nhưng đều dự đoán xu hướng thị trường ngắn hạn.

Nhà đầu tư cũng nên hiểu rằng, những dự báo thường cho ta biết nhiều hơn về người dự báo, vì thực tế, không ai dự báo trước được điểm số thị trường và việc làm này không có cơ sở cũng như không tạo ra thêm giá trị. Tốt hơn là nên tập trung vào hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp.

Để xác định được cơ hội đầu tư, nhà đầu tư cần tập trung vào nhận diện và kiểm soát rủi ro. Cần phân biệt được việc xác định một cơ hội đầu tư tốt khác với việc xác định một cổ phiếu sắp tăng giá ngay trong quý IV. Việc làm thứ nhất đúng đắn và có nền tảng vững chắc hơn.

Nhà đầu tư cần hiểu khái niệm căn bản của rủi ro, đó là những biến cố không chắc chắn có thể gây ra tổn thất cho nhà đầu tư trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Khái niệm rủi ro đang bị hiểu sai là độ biến động của giá, đôi khi tỷ suất sinh lời trong hoạt động của doanh nghiệp lại bị đánh đồng với việc tăng giá cổ phiếu trong ngắn hạn.

Cùng xem xét các nhóm ngành đang được các công ty chứng khoán khuyến nghị.

Nhóm ngân hàng đang công bố lợi nhuận tăng trưởng tốt và rất khả quan. Vấn đề là số liệu này ai cũng đọc được một cách dễ dàng và lợi nhuận luôn là biến số mà nhà đầu tư để mắt tới đầu tiên.

Điều nhà đầu tư cần quan tâm là câu chuyện tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống 9 tháng năm nay, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mới đạt 8,4% (trên mục tiêu cả năm là 14%), mức thấp nhất kể từ năm 2014 đến nay.

Bản chất hoạt động kinh doanh ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán (cho vay ký quỹ) là đi “mua một mức rủi ro để nhận được lợi nhuận”, vì vậy, biến số đầu tiên phải chú ý tới trong ngành này là rủi ro, chứ không phải lợi nhuận.

Tăng trưởng tín dụng trong những năm vừa qua có đóng góp không nhỏ từ mảng tín dụng tiêu dùng, hệ quả của quá trình tăng trưởng và biểu hiện bằng số của những rủi ro này chính là nợ xấu.

Một trong những trọng tâm giai đoạn này của hệ thống ngân hàng vẫn là xử lý nợ xấu, số dư nợ xấu VAMC tính tới cuối năm 2018, dư nợ gốc mua bằng trái phiếu đặc biệt nội bảng còn hơn 338.000 tỷ đồng, lũy kế thu hồi hơn 115.000 tỷ đồng.

Nhà đầu tư đều biết rằng khi tăng trưởng chi tiêu, tỷ trọng tiết kiệm/GDP sẽ sụt giảm và  mang lại tác động không tốt cho nền kinh tế về lâu dài, vì những thu nhập tương lai không được tái đầu tư mà quay ngược lại để trả nợ.

Khi nền kinh tế ở trong trạng thái không thuận lợi, tín dụng cho tiêu dùng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đầu tiên và nhanh chóng.

Có thể nói, hiện đã qua rồi cái thời biến động đồng pha cùng tăng, cùng giảm của các cổ phiếu như giai đoạn trước năm 2014, đặc biệt là nhóm ngân hàng.

Bức tranh ngày một rõ ràng hơn và dòng tiền sẽ ngày càng “thông minh” hơn, tìm đến những cổ phiếu có yếu tốt cơ bản thực sự tốt để giải ngân.

Trong khi đó, với nhóm cổ phiếu bất động sản, cơ hội phụ thuộc lớn vào lượng vốn từ ngân hàng rót vào. Không khó để nhận ra ngành bất động sản đang chịu rủi ro hai đầu, đặc biệt là các chủ đầu tư trực tiếp xây dựng dự án.

Đầu vào khó huy động vốn và đầu ra đang chịu sự kiểm soát, đặc biệt với các công ty có độ tập trung cao tại khu vực TP.HCM.

Các công ty bất động sản rất dễ rơi vào vòng xoáy liên tục tăng trưởng, tìm quỹ đất đẹp, vay nợ ngân hàng và mất cân đối dòng tiền, vay nợ thêm từ đó kéo theo hiệu quả kinh doanh dài hạn không được đảm bảo.

Với nhóm ngành bán lẻ, 8 tháng đầu năm 2019, doanh số toàn ngành ghi nhận 3,2 triệu tỷ đồng (gần 14 tỷ USD), đạt mức tăng trưởng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.

Dẫu vậy, tiềm năng lớn và cạnh tranh khốc liệt là hai vấn đề dễ thấy nhất trong ngành này, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng kép trong doanh số của ngành và sự đào thải đồng thời gia nhập rất cao từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Các mảng nổi bật, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu và cả trong số doanh nghiệp bán lẻ niêm yết trên sàn là hàng nhu yếu phẩm, tiện ích, điện thoại, điện máy và trang sức.

Một nguyên tắc trong ngành bán lẻ là các chủ doanh nghiệp phải trở nên “thông minh mỗi ngày”, vì việc bắt kịp xu hướng tiêu dùng rất quan trọng, bên cạnh các vấn đề như thương hiệu, chuỗi cung ứng và nguồn vốn.

Nhìn trên góc độ chung của toàn ngành, sẽ thấy tiềm năng rõ rệt, nhưng theo từng nhóm ngành có những đặc thù riêng.

Theo đó, người Việt Nam được xem là nắm bắt xu hướng khá nhanh và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao nhưng câu chuyện tạo nên thói quen của người tiêu dùng vẫn cần rất nhiều thời gian.

Vì vậy, kênh bán hàng truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu và mặt bằng bán lẻ vẫn là bài toán đau đầu và trọng yếu cho việc mở rộng nhanh chóng.

Với nhóm ngành vật liệu xây dựng, theo khảo sát của BMI, ngành này được cho là sẽ tiếp tục tăng trưởng đến hết năm 2019.

Việt Nam là quốc gia đang phát triển, nên việc duy trì tỷ lệ tăng trưởng của ngành xây dựng, vật liệu xây dựng quanh mức 10%/năm là điều bình thường, tuy nhiên nguyên liệu đầu vào biến động trong thời gian qua đã ảnh hưởng tiêu cực tới biên lợi nhuận của nhiều công ty, đặc biệt là doanh nghiệp thép xây dựng.

Ngành xây dựng cũng là ngành có tính chu kỳ rất rõ nếu nhìn tổng thể, và điều này thể hiện rõ hơn ở các công ty xây dựng lớn trên sàn, khi doanh thu phụ thuộc lớn vào bất động sản dân dụng tại những thành phố lớn.

Khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu nổ ra từ đầu tháng 7/2018, nhóm cổ phiếu điện, nước đã trở thành “ngôi sao” với những đợt tăng giá kéo dài.

Nhà đầu tư thường gọi đây là nhóm cổ phiếu “phòng thủ”, vì doanh nghiệp hướng tới phục vụ nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân.

Tuy nhiên, thực tế diễn ra đối với một công ty ngành nước gần đây cho thấy cổ phiếu này không “an toàn” và có tính phòng thủ như nhà đầu tư vẫn nghĩ.

Hay nắng nóng kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các công ty nhiệt điện, nhưng cứ căn cứ vào dự báo thời tiết để dự đoán tình hình công ty về lâu dài thì thật không ổn.

Tóm lại, không có nhóm ngành nào gọi là “phòng thủ”, ngay cả khi đó là những công ty kinh doanh những mặt hàng thiết yếu nhất. Vấn đề nằm ở độ chắc chắn và hiểu biết của nhà đầu tư về công ty và nhóm ngành đó.

Khái niệm “vòng tròn năng lực” luôn luôn phải ghi nhớ, ngoài ra tư duy ngược giúp nhà đầu tư có nhiều góc nhìn thực tế hơn trong thời đại thông tin “quá tải”.

Để đầu tư thành công, cần có cái nhìn sâu sắc và toàn diện, nên tư duy như chủ sở hữu thực sự của một công ty, cũng không nên nhìn cổ phiếu dưới góc nhìn của một nhà tư vấn, nhà phân tích, nhà kinh tế học vĩ mô hay nhà quản lý quỹ...

Nhân tố rất quan trọng góp phần tạo nên sự thành công của một nhà đầu tư thực thụ - kiếm được tiền dài hạn từ đầu tư, chính là sự độc lập, khách quan và thực tế. Việc cố gắng nhìn những vấn đề và suy luận theo cách mà ta muốn nhìn lâu ngày sẽ trở thành thói quen xấu, ảnh hưởng tới kết quả đầu tư chung. 

Nguyễn Đại Hiệp (www.votpartners.com)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục