Tháng giáp Tết, CPI chỉ tăng 0,19% nhưng áp lực lạm phát vẫn hiện hữu

0:00 / 0:00
0:00
Tâm lý lo ngại “lạm phát nhập khẩu” có thể đẩy kỳ vọng lạm phát tăng, nhất là trong điều kiện Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu.
Tháng giáp Tết, CPI chỉ tăng 0,19% nhưng áp lực lạm phát vẫn hiện hữu

Tháng giáp Tết, giá cả vẫn ổn định

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2022 tăng 0,19% so với tháng trước, và tăng 1,94% so với cùng kỳ.

Đây là tháng giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo quy luật tiêu dùng vào dịp Tết, và do đó, đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng CPI chung.

Chưa kể, việc giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới cũng là yếu tố làm cho CPI tháng 01/2022 tăng. Tuy vậy, 0,19% không phải là mức tăng quá cao.

Các tháng 1 của các năm từ 2018 trở lại đây, tốc độ tăng CPI so với tháng trước là 0,51%; 0,10%; 1,23%; 0,06% và 0,19%. Đây cũng chính là giai đoạn mà Việt Nam kiểm soát lạm phát rất tốt.

Trong khi đó, nếu so với cùng kỳ, mức tăng 1,94% vẫn còn là thấp. Các chỉ số CPI tháng 1 so với cùng kỳ trong các năm từ 2018 trở lại đây lần lượt là 2,65%; 2,56%; 6,43%; -0,97% và 1,94%.

Quay trở lại với diễn biến giá cả thị trường tháng giáp Tết, Tổng cục Thống kê cho biết, có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và 1 nhóm hàng giữ giá ổn định.

Trong đó, Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất, với 1,18%, chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào ngày 25/12/2021; 11/01/2022 và 21/01/2022.

Tiếp đến, là Nhóm đồ uống và thuốc lá, tăng 0,57%; Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép - tăng 0,26%; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình - tăng 0,18%; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch - tăng 0,16%...

Ngược lại, Nhóm bưu chính - viễn thông giảm 0,03%, còn Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giữ giá ổn định…

Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, lạm phát cơ bản tháng 01/2022 tăng 0,26% so với tháng trước, tăng 0,66% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tăng 0,26% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,94%). Điều này, theo Tổng cục Thống kê, này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.

Lo “nhập khẩu lạm phát”

Dù CPI tháng 1/2022 tăng không cao, song báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, áp lực lạm phát trong năm 2022 vẫn đang hiện hữu. Và nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc giá nguyên vật liệu, hàng hoá và dịch vụ thế giới tăng cao, giá dầu thô dự báo tăng trong những năm tới do nhu cầu tăng mạnh, trong khi nguồn cung hạn chế và thị trường dầu thô trải qua thời kỳ thiếu hụt nguồn cung dài nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tâm lý lo ngại “lạm phát nhập khẩu” có thể đẩy kỳ vọng lạm phát tăng, nhất là trong điều kiện Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu. Hơn nữa, khi kinh tế phục hồi trong năm 2022, nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng cũng gây sức ép không nhỏ lên giá cả.

Hiện nay, thông tin cho biết, nhu cầu một số mặt hàng trên thế giới có xu hướng phục hồi. Chẳng hạn, nhu cầu dầu mỏ thế giới dự kiến trong quý đầu tiên của năm 2022 tăng thêm 1,1 triệu thùng mỗi ngày và sẽ đạt 100 triệu thùng/ngày vào quý III/2022, tăng 3,5 triệu thùng/ngày so với năm 2021 và cao hơn mức của năm 2019.

Nhu cầu dầu mỏ tăng cũng do các nước chuyển đổi từ khí đốt sang dầu, cũng như các hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không gia tăng khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi trở lại.

Nhu cầu lương thực, thực phẩm cũng tiếp tục tăng khi nguồn cung bị hạn chế do ảnh hưởng của thời tiết và việc khó khăn trong vận chuyển. Dự báo của Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về triển vọng nông nghiệp những năm tới cho thấy, giá lương thực toàn cầu sẽ tăng 10-14% trong 10 năm tới.

Ước tính tổng lượng gạo giao dịch toàn cầu năm 2022 đạt khoảng 45 triệu tấn, tăng 23% so với năm 2013. Các tổ chức này cũng dự báo nhu cầu cà phê trong 10 năm tới tăng 1,6-2%/năm.

Nhu cầu tăng dẫn tới giá cả các mặt hàng trên thế giới tăng mạnh. Đặc biệt, giá năng lượng và giá dầu tiếp tục tăng mạnh do căng thẳng địa chính trị. Nhiều khả năng, giá dầu có thể bị đẩy lên 100 USD một thùng vào quý I/2022.

Trong khi đó, giá gạo thế giới cũng đang tăng. Giá lương thực thế giới ngày 6/1/2022 đã tăng 28%, lên mức cao nhất trong một thập kỷ.

Những yếu tố này được cho là sẽ tạo áp lực lên lạm phát của Việt Nam.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục