Xăng dầu “đóng góp” 1,09 điểm phần trăm vào CPI
Theo bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, mặc dù giá xăng dầu, giá gas trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới; các địa phương dần trở lại với trạng thái bình thường mới khiến giá hàng hóa và dịch vụ có xu hướng tăng là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2021 tăng 0,32% so với tháng trước, tăng 2% so với tháng 12/2020. Tuy nhiên, tính chung 11 tháng năm 2021, CPI tăng chỉ 1,84%, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 11/2021 tăng 2,1%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 7 nhóm tăng giá và 4 nhóm giảm giá, trong đó, nhóm giao thông tăng cao nhất với 20,71% do giá xăng dầu tăng gần như liên tục sau mỗi lần điều chỉnh, tổng cộng tăng 65,74%.
“Trong vòng một năm trở lại đây, giá xăng A95 tăng 8.550 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 8.420 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 6.950 đồng/lít. Còn kể từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước điều chỉnh 20 đợt, có tăng, có giảm nhưng so với đầu năm, hiện tại, giá xăng A95 tăng 7.430 đồng/lít; E5 tăng 7.400 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 6.010 đồng/lít. So với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân 11 tháng tăng 30,32%, làm CPI chung tăng 1,09 điểm phần trăm. Trong 11 tháng năm 2021, giá bán lẻ gas trong nước điều chỉnh tăng 9 đợt và giảm 2 đợt, bình quân 11 tháng giá gas tăng 25,34% làm CPI tăng 0,37 điểm phần trăm”, bà Thu Oanh cho biết.
Giá xăng dầu, gas tăng gần như liên tục và rất mạnh trong suốt nhiều tháng qua, nhưng CPI bình quân 11 tháng mới tăng 1,84% - mức thấp nhất kể từ năm 2016 (năm bắt đầu đo CPI bình quân), theo bà Oanh, bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân làm giảm CPI.
Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho biết, giá các mặt hàng thực phẩm 11 tháng giảm 0,52%, trong đó giá thịt lợn giảm 9,62% làm CPI giảm 0,11 điểm phần trăm. Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19, trong đó gói hỗ trợ của EVN giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng khiến giá điện sinh hoạt bình quân 11 tháng năm 2021 giảm 1,06%, tác động làm CPI chung giảm 0,04 điểm phần trăm. Ngoài ra, giá vé máy bay 11 tháng giảm 21,39%; giá du lịch trọn gói giảm 2,42% do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến người dân hạn chế đi lại cũng góp phần làm giảm CPI chung.
Với diễn biến của thị trường và dự kiến mặt bằng giá cả tháng cuối cùng năm 2021, Bộ Tài chính dự kiến CPI bình quân năm nay tăng khoảng 2,0%, trong trường hợp bất thường cũng không vượt quá 2,5%, đảm bảo thực hiện mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra.
Giá thịt lợn là ẩn số
Theo Bộ Tài chính, diễn biến tăng giá nguyên liệu trên thế giớiđã có những tác động trực tiếp và gián tiếp đến mặt bằng giá trong nước, nhất là đối với những mặt hàng có mức giá được tham chiếu từ giá thế giới hoặc chịu tác động từ giá nhập khẩu.
Tuy nhiên, nhưng trong bối cảnh lạm phát 11 tháng đầu năm được kiểm soát ở mức thấp thì việc giá nguyên vật liệu tăng cao (giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở 11 tháng năm nay tăng 6,8% do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, làm CPI chung tăng 0,14 điểm phần trăm) chưa tạo áp lực lớn lên việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2021.
Trước đó, vào cuối tháng 10/2021, tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá Lê Minh Khái đã chỉ đạo bộ ngành quyết tâm thực hiện kiểm soát lạm phát khoảng 2,0%, để góp phần hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế và đời sống xã hội. Tuy nhiên, Ban chỉ đạo cũng nhận định áp lực lạm phát trong năm 2022 rất lớn nhất là khi xu hướng nhiều quốc gia đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược khiến giá cả nguyên liệu tăng cao.
Năm 2021 sắp kết thúc, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng mạnh vào dịp cuối năm và thời điểm đầu năm 2022 - nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến vì rơi vào thời điểm người dân chuẩn bị Tết Nguyên đán Nhâm Dần cộng với tổng cầu đầu tư của nền kinh tế hồi phục khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ tác động CPI tăng mạnh.
Trước những diễn biến này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo trong những ngày còn lại năm 2021 và ngay trong thời gian đầu năm 2022, việc điều hành giá cần tiếp tục thực hiện thận trọng, linh hoạt và chủ động, bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, thường xuyên có đánh giá, dự báo cụ thể để có giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời; tập trung vào việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ là vừa giữ bình ổn mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Giá xăng dầu trên thị trường thế giới gần đây có dấu hiệu hạ nhiệt, tuy nhiên do tác động tiêu cực của dịch tả lợn châu Phi khiến giá thịt lợn - mặt hàng thực phẩm trọng yếu trong gia đình người Việt, đặc biệt là vào dịp tết đang có xu hướng tăng và sẽ tăng mạnh vào dịp cuối năm.
Trước động thái này, ông Lê Minh Khái chỉ đạo các địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, cung cầu mặt hàng thịt lợn, đặc biệt là trong thời điểm cuối năm, cận Tết Nguyên đán để có biện pháp điều tiết cung cầu phù hợp, tránh tình trạng giá có biến động đột biến khi nguồn cung gián đoạn từ việc tái đàn
Giá thịt lợn, rau xanh và một số mặt hàng thiết yếu đã bắt đầu xu hướng tăng. Theo quan điểm của chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, Nhà nước có thể can thiệp vào thị trường bằng biện pháp điều tiết cung cầu chứ không thể bằng mệnh lệnh hành chính là bắt doanh nghiệp chăn nuôi không được tăng giá lợn hơi bán ra.
“Giá cả do thị trường quyết định, mặt hàng thiết yếu nào thiếu có thể nhập khẩu; khu vực nào thiếu mặt hàng nào thì tạo điều kiện thông thương để thương nhân đem hàng nơi khác đến, ngay cả mặt hàng thịt lợn nếu tính toán giữa cung và cầu nếu thấy thiếu thì phải nhập khẩu. Vấn đề là phải dự trù và lên kịch bản để triển khai ngay, tránh trường hợp để giá mặt hàng nào đó tăng quá cao do cung bị thiếu, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn vào dịp Tết Nguyên đán”, ông Ánh nhấn mạnh.