Tuần qua, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam tổ chức tại Nhật Bản, một số nhà đầu tư đã nêu câu hỏi liên quan đến giải pháp mà ngành chứng khoán đang làm để ngăn chặn các hành vi thao túng, nội gián trên thị trường.
Trả lời câu hỏi của các nhà đầu tư quốc tế, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho biết, khi có các dấu hiệu bất thường, cơ quan quản lý sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra để phát hiện các sai phạm (nếu có).
Liên quan đến việc xử phạt, các quy định pháp lý hiện hành (Nghị định 145/2016/NĐ-CP và Nghị định 108/2013/NĐ-CP) đã quy định chi tiết các mức phạt gắn với các vi phạm cụ thể.
“Trên cơ sở pháp lý này, UBCK sẽ tiến hành xử phạt theo thẩm quyền và công tác này thời gian qua đã được làm rất nghiêm túc”, ông Dũng nói.
200 nhà đầu tư quốc tế tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam tổ chức tại Nhật Bản
Thực tế, việc giám sát, phát hiện sai phạm trên TTCK là công việc gian nan, do tính chất phức tạp và biến chuyển nhanh chóng của các hành vi giao dịch. Tại Việt Nam, công việc này có phần vất vả nhiều hơn kể từ năm 2016 khi quy mô TTCK tăng lên nhanh chóng. với hàng loạt doanh nghiệp (DN) mới chào sàn.
Ở cấp Bộ Tài chính, thông tin đến các nhà đầu tư quốc tế, lãnh đạo ngành chứng khoán cho biết, Bộ Tài chính đã có Quy chế phối hợp với Bộ Công an, bảo đảm an ninh quốc gia trong lĩnh vực tài chính.
Trong lĩnh vực chứng khoán, UBCK đang bàn thảo với Tổng cục An ninh, Bộ Công an để đi đến thống nhất, ký kết Quy chế phối hợp xử lý vi phạm chứng khoán, dự kiến vào tháng 9 tới.
Với những việc đã làm và sẽ làm trong xây dựng cơ chế giám sát TTCK, lãnh đạo UBCK cho rằng, các hoạt động trên thị trường được giám sát tương đối chặt chẽ, để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư quốc tế.
“Trong giám sát TTCK, đúng như đại diện JICA nói, từ việc phát hiện ra dấu hiệu bất thường đến việc có đủ bằng chứng chứng minh hành vi sai phạm là một quá trình dài, phức tạp. Ở Việt Nam cũng như ở Nhật Bản, đây là lĩnh vực chúng tôi rất quan tâm và sẽ học hỏi, nghiên cứu thêm các kinh nghiệm, chuẩn mực quốc tế, chuẩn mực từ IOSCO để làm chặt và chặt hơn nữa”, ông Dũng nói.
Một vấn đề lớn khác mà nhà đầu tư quốc tế quan tâm là sự minh bạch thông tin của các DN, từ quá trình chào bán cổ phần đến niêm yết.
Chia sẻ với 200 nhà đầu tư quốc tế tham dự Hội nghị, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã công khai danh sách các DNNN phải cổ phần hóa, công khai danh sách các DN mà Nhà nước sẽ thoái vốn theo lộ trình.
Khi các DN thoái vốn, việc đầu tiên phải làm là công khai thông tin, công khai cách bán và sau khi thoái vốn sẽ phải thực hiện đưa cổ phiếu lên sàn. Cụ thể, Nghị định 60/2015/NĐ-CP đã buộc các DN đại chúng phải đưa cổ phiếu lên sàn và minh bạch hóa quá trình lên sàn của DN đại chúng.
Theo ông Tiến, Bộ Tài chính đang xây dựng văn bản mới cấp Nghị định về cổ phần hóa DNNN, trong đó sẽ tiếp tục thúc đẩy sự minh bạch bằng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty, DN lớn, khi thoái vốn sẽ phải công bố Bản cáo bạch bằng tiếng Anh.
Cùng với đó, Bộ Tài chính dự kiến sẽ bổ sung cách bán mới theo hình thức dựng sổ (book building) để các nhà đầu tư chuyên nghiệp có nhiều cơ hội tìm hiểu, thương thảo định giá DN Việt Nam, trong mục tiêu giúp DN tìm được những cổ đông có tiềm lực về tài chính, quản trị, kinh nghiệm thị trường… để phát triển hơn sau khi bán vốn.
Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam tuần qua đã thu hút nhiều tổ chức đầu tư Nhật Bản như Nikkei, Shizuoka, Sumitiomo Mistui Trust Bank, Mitsubishi UFJ, JICA… tham dự.
Các nhà đầu tư Nhật quan tâm nhiều đến cơ hội mua cổ phần của các DN lớn của Việt Nam như Vinataba, Sabeco, Vinamilk… khi Nhà nước cổ phần hóa hoặc thoái vốn cổ phần. Tuy nhiên, người Nhật vốn thận trọng, nên bên cạnh các câu chuyện về doanh nghiệp, họ dành sự quan tâm đến chính sách phát triển và việc giữ gìn kỷ cương thị trường.