Dữ liệu thống kê diễn biến chỉ số VN-Index kể từ khi thị trường đi vào vận hành tới nay cho thấy, chỉ số này có 12 lần giảm điểm trong tháng 7, xác suất cao hơn so với mức tăng (11 lần). Biến động trung bình của chỉ số này trong 23 năm là -1,7%. Đáng chú ý, có những năm, chỉ số mất tới 20% điểm số trong tháng 7, tương ứng mất khoảng 200 điểm.
Bảng thống kê biến động của chỉ số VN-Index tính theo tháng. |
Nhưng năm nay, có những cơ sở cho kỳ vọng thị trường chứng khoán tháng 7 sẽ tích cực hơn.
Quan sát các đợt giảm điểm mạnh trong tháng 7 của quá khứ, có thể thấy, trước đó, chỉ số VN-Index thường có giai đoạn tăng rất sốc, nên việc điều chỉnh mạnh là không thể tránh khỏi.
Còn giai đoạn hiện tại, VN-Index đã tích lũy từ đầu tháng 12/2022 đến tận đầu tháng 6/2023 mới có một nhịp vượt đỉnh, với thanh khoản cực lớn để vượt kháng cự 1.100 điểm. Cho nên, không thể nhìn vào dữ liệu quá khứ để đánh đồng với tháng 7 năm nay.
Những phiên điều chỉnh ở hiện tại sau khi VN-Index vượt 1.100 điểm là điều hết sức bình thường, để có thể xây dựng lại nền cho đợt tăng tiếp theo. Thị trường đang ở giai đoạn công bố báo cáo tài chính quý II/2023, có thể đi ngang trong nửa tháng đến 1 tháng để có thể bước vào xu hướng tiếp theo.
Về mặt ngắn hạn, nhiều cổ phiếu đang cho thấy xu hướng tích lũy sau giai đoạn tăng giá, tương đồng với diễn biến chung của thị trường. Về mặt dài hạn, những thông tin xấu nhất hầu như đã được đưa ra, ngoại trừ các yếu tố liên quan đến tin đồn, bắt bớ, tuy nhiên thị trường cũng đã dần quen và sẽ khoanh vùng các mã cổ phiếu có liên quan.
Giai đoạn này, nhà đầu tư đang cầm các cổ phiếu bluechip và midcap tốt nên giữ, thay vì lướt sóng liên tục. Tiêu chí nhà đầu tư có thể lưu ý là các cổ phiếu này đạt yếu tố chưa tăng quá 50% ở giai đoạn từ đầu tháng 4 tới nay, điều chỉnh sẽ là cơ hội tích lũy cổ phiếu.
Một số nhóm ngành có thể tham khảo trong giai đoạn hiện tại, trong đó có bán lẻ. Nhìn lại giai đoạn tháng 7/2021, ngành này tăng giá mạnh mẽ nhất dù thị trường chung điều chỉnh và nhịp tăng kéo dài tới tận cuối năm. Bên cạnh đó là cổ phiếu thuộc ngành chưa tăng giá mạnh trong nhịp hồi phục vừa qua là đạm và hóa chất; ngành tích lũy lâu nhưng chưa tăng giá nhiều là thép và ngân hàng; ngành hưởng lợi từ hệ thống KRX là chứng khoán.