Năm 2022, VN-Index sau khi đạt trên 1.500 điểm trong quý I đã giảm xuống quanh mức 900 điểm vào giữa tháng 11. Đây được coi là vùng đáy ngắn và trung hạn của thị trường khi chỉ số đến nay đã hồi phục lên trên 1.100 điểm và thanh khoản được cải thiện.
Theo ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), các chính sách thúc đẩy kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã và đang mang lại các tín hiệu tích cực.
“Trong kịch bản đầu tư, SHS nhìn thấy tín hiệu tích cực và cân nhắc tham gia thị trường. Thời gian tới, SHS sẽ hành động”, ông Tiến cho biết.
Với góc nhìn dài hạn, ông Nguyễn Vũ Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn nằm trong Top những thị trường tiềm năng và sẽ tiếp tục phát triển trong 10 năm tới. Nhưng để phát triển bền vững thì cần nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố bất định. Các nhà đầu tư khi tham gia thị trường vốn nên lường đến sự đua tranh của các nền kinh tế trên thế giới, dẫn tới xung đột. Sự biến động sẽ nhanh và bất ngờ. Bản thân thị trường và các doanh nghiệp cần sẵn sàng thích nghi, đồng thời nhà đầu tư phải thay đổi cách tiếp cận thị trường.
Về cơ hội đầu tư, hai chủ điểm lớn mà VNDIRECT quan tâm là câu chuyện hạ lãi suất và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Xu hướng giảm lãi suất điều hành sẽ tác động đến nhiều nhóm doanh nghiệp, nhất là ngân hàng. Lãi suất tiếp tục giảm cũng sẽ kéo dòng tiền trở lại thị trường chứng khoán. Còn đầu tư công là một chủ đề lớn, một câu chuyện hứa hẹn xuyên suốt năm 2023, kỳ vọng sẽ trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tính đến hết tháng 5, giải ngân đầu tư công ước đạt 157.095,4 tỷ đồng, hoàn thành 20,8% kế hoạch năm 2023. Chính phủ đang đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm để hoàn thành ít nhất 95% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm nay. Cùng với tháo gỡ các vướng mắc cơ bản, trực diện, không ít ngành nghề liên quan đến đầu tư công sẽ mang lại cơ hội đầu tư như vật liệu xây dựng (thép, xi măng, nhựa...), thi công (xây dựng hạ tầng, điện...), bất động sản.
Ông Vũ Đức Tiến đánh giá cao triển vọng của thị trường chứng khoán, nhất là khi dòng tiền có dấu hiệu chuyển từ kênh tiền gửi tiết kiệm sang, nhưng khuyến nghị, nhà đầu tư nên theo dõi sát sao chuyển động của kinh tế thế giới, diễn biến xung đột Nga - Ukraina, còn trong nước là chính sách tài khóa, tiền tệ, các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các lĩnh vực.
“Với bất động sản, thị trường này vẫn đang có điểm nghẽn cả về cung và cầu. TP.HCM quyết tâm trong năm 2023 sẽ giải quyết 40 dự án tồn đọng do vướng mắc pháp lý, nếu được thì rất tốt, tránh tài sản nằm chết ở đó. Tôi quan tâm đến các giải pháp tiếp theo của Chính phủ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn này, đảm bảo tăng trưởng GDP. Các ngành có thể quan tâm đầu tư là đầu tư công, sản xuất, tiêu dùng, chứng khoán, ngân hàng, bất động sản”, ông Tiến nói.
Liên quan đến bất động sản, mảng bất động sản khu công nghiệp đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, trong đó Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Kinh Bắc, mã chứng khoán KBC) được đánh giá là nhà cung cấp mặt bằng và dịch vụ tiện ích khu công nghiệp hàng đầu Việt Nam
Tại buổi tọa đàm Khơi thông dòng vốn trên thị trường chứng khoán do Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức cuối tuần qua, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Kinh Bắc chia sẻ: “Tôi vừa sang Hàn Quốc cùng với Bí thư Thành ủy Hải Phòng, thành phố đi xúc tiến đầu tư hộ chúng tôi, thu được hơn 1 tỷ USD, mà là công nghệ cao”.
Năm 2023, Kinh Bắc lên kế hoạch đạt 9.000 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, 4.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất. Kế hoạch tăng trưởng đột biến so với năm 2022 sẽ được doanh nghiệp trình đại hội cổ đông ngày 23/6 tới để thông qua.n