Điều chỉnh là cơ hội mở mua mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nối tiếp đà tăng của tuần trước, VN-Index tuần qua chinh phục các ngưỡng kháng cự cao hơn sau khi vượt qua vùng kháng cự mạnh tại 1.080 điểm. Chỉ số tiến đến vùng 1.100 - 1.120 điểm là vùng giá quan trọng và giằng co trong vùng giá này trong phần lớn thời gian giao dịch.
Điều chỉnh là cơ hội mở mua mới

Chỉ số có khả năng điều chỉnh sau nhịp tăng điểm ngắn hạn do nhiều yếu tố như tâm lý chốt lời tăng dần quanh vùng giá 1.100 - 1.120 điểm; diễn biến giằng co tạo ra nến các phiên trong tuần tăng/giảm đan xen, vận động trong mẫu hình kênh giá tăng, biên độ của kênh hẹp và dốc; phiên ngày 16/6/2023 có khối lượng tăng mạnh cùng với diễn biến giá giảm xác nhận đỉnh ngắn hạn của VN-Index; chỉ báo RSI tiến vào vùng quá bán và tạo phân kỳ âm với giá cho thấy sức mạnh giá đang yếu đi.

Tuy nhiên, trong xu hướng tăng ngắn hạn, dòng tiền duy trì tích cực khi liên tục luân chuyển giữa các nhóm ngành ngân hàng, bất động sản, thép, chứng khoán dẫn dắt. Nhịp điều chỉnh về các vùng hỗ trợ là cơ hội mở mua mới hoặc tăng tỷ trọng.

Xét về dòng tiền, giá trị giao dịch tăng mạnh trong tuần, đỉnh điểm là ngày 16/6 với giá trị giao dịch khớp lệnh đạt gần 22.000 tỷ đồng. Dòng tiền trong tuần đã giảm cường độ tập trung vào nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và kéo sang nhóm ngành năng lượng với giá trị giao dịch cổ phiếu PVS tăng mạnh.

Tuần qua, thị trường đón nhận thông tin trong và ngoài nước khá tích cực. Theo Bộ Lao động Mỹ, CPI của Mỹ gần như không tăng trong tháng 5/2023, ghi nhận mức tăng so với cùng kỳ thấp nhất trong hơn 2 năm trở lại đây. Tuy nhiên, áp lực lạm phát vẫn mạnh do CPI lõi duy trì ở mức cao, khiến Fed giữ nguyên lãi suất trong kỳ họp ngày 13 - 14/6 ở mức 5 - 5,25%. Tuy nhiên, các quan chức Fed dự kiến sẽ có đợt tăng lãi suất thêm 0,25% trong 1 - 2 kỳ họp tiếp theo.

Câu chuyện ở Việt Nam dường như khác tại Mỹ khi lạm phát đã hạ nhiệt đáng kể trong tháng 5/2023, tăng 2,4% so với cùng kỳ, ghi nhận mức tăng thấp nhất trong vòng 14 tháng qua. Kafi cho rằng, tác động của việc tăng giá điện bán lẻ lên lạm phát là khiêm tốn và áp lực gia tăng chi phí lương cơ bản vào tháng 7/2023 sẽ không đẩy lạm phát lên quá mức 4,5% trong năm 2023.

Bên cạnh đó, với dòng vốn FDI giải ngân tốt (đạt 7,7 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm), thặng dư xuất nhập khẩu (9,8 tỷ USD) và kiều hối ước tính dồi dào khiến áp lực tỷ giá giảm đáng kể. Khi tỷ giá được kiểm soát thì dư địa để Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ hỗ trợ còn nhiều. Đáng chú ý, cơ quan này vừa quyết định giảm một số lãi suất điều hành, có hiệu lực từ ngày 19/6/2023. Các chính sách hỗ trợ trích lập dự phòng nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước và lãi suất được giữ thấp, cùng với dư địa giảm lãi suất sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận cho nhóm ngân hàng trong thời gian tới, đặc biệt là nhóm có tỷ trọng nợ liên quan đến bất động sản và có dư nợ trái phiếu doanh nghiệp cao. Bên cạnh đó, mặc dù áp lực hạ lãi suất sẽ tác động xấu đến biên lãi ròng (NIM) của ngành ngân hàng, nhưng khả năng gia tăng tín dụng sẽ giúp bù đắp phần lợi nhuận mất đi do NIM suy giảm.

Kafi kỳ vọng, đầu tư vào nhóm ngân hàng trong thời gian tới sẽ đem lại nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn cho nhà đầu tư khi đây vẫn là nhóm ngành chủ đạo dẫn dắt sự phục hồi của nền kinh tế. Dưới đây là khuyến nghị dựa trên mức độ chấp nhận rủi ro.

- Đối với nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao, có thể tăng tỷ trọng vào nhóm các ngân hàng có tỷ trọng nợ bất động sản và trái phiếu cao như MBB, VPB và TCB, vì nhóm này được hưởng lợi nhiều nhất nhờ các chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước và mặt bằng lãi suất hạ nhiệt.

- Đối với nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp, có thể lựa chọn các ngân hàng có tính ổn định cao, tệp khách hàng đa dạng, NIM được duy trì và ít có rủi ro liên quan đến nợ khu vực bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp như VCB, ACB và VIB.

- Nhà đầu tư có tính kiên nhẫn cũng như khẩu vị rủi ro trung bình có thể chọn STB với 2 điểm nhấn đầu tư, giá trị trích lập dự phòng của STB trong năm 2023 chỉ bằng 50% so với năm 2022, giúp lợi nhuận sau thuế năm nay có khả năng tăng gấp đôi. Sau khi hoàn thành hoàn thành đề án tái cơ cấu nợ xấu, ước tính STB sẽ có mức tăng trưởng 50% trong năm 2024.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Cổ phần Chứng Khoán KAFI

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục