Ông Minh khẳng định: “Hùng Vương đã chuyển sang đầu tư khai thác thị trường nội địa, không theo phong trào mà đã nghiên cứu 3 năm qua, Công ty Việt Thắng thuộc Hùng Vương đã thâm nhập nghiên cứu sản phẩm ngành chăn nuôi. Năm 2015, Hùng Vương bắt đầu đầu tư trên 2.000 tỷ để đầu năm 2016 đưa vào công nghệ của Đan Mạch từ sản xuất con giống đến thức ăn.
"Với công nghệ và vốn, gíá thành của chúng ta hoàn toàn có thể cạnh tranh được với nước đang phát triển như Đan Mạch. Mà giá thành của chúng ta cao vì sự điều tiết thức ăn chăn nuôi là doanh nghiệp nước ngoài, đầu vào thấp mà đầu ra nước ngoài điều hành giá bán cao. Nên dư địa cho ngành thức ăn chăn nuôi gia súc gia cầm cực lớn kể cả VNM lợi nhuận cũng không bằng đâu”, ông Minh khẳng định.
Ông Võ Trường Sơn, Tổng giám đốc Hoàng ANh Gia Lai cho biết, chi phí chở một con bò từ Tây Nguyên ra TP.HCM lên tới 4 triệu/con bao gồm chi phí chính thức và không chính thức. Chi phí cao như vậy thì không có cửa cạnh tranh khi vào TPP.
Về chăn nuôi ông Sơn chia sẻ trong tương lai Hoàng Ahh Gia Lai sẽ thu hút nông dân tham gia chuỗi giá trị của mình như gây bò giống và đưa về các hộ nông dân chăn nuôi vỗ béo. Tại thị trường Việt Nam, việc nhập khẩu bò Úc hoặc Mỹ cũng có bất lợi do chi phí vận chuyển một con bò Úc sống về khoảng 350 USD/con nên chăn nuôi trong nước cũng có lợi thế.
Cụ thể, tuần sau ông Sơn sẽ làm viêc với tỉnh GIa Lai về việc hỗ trợ cho nông dân địa bàn xã An Phú và huyện Kvang để chuyển con giống cho nông dân nuôi và bò khoảng 300 kg để nuôi vỗ béo đến 500 kg bán ra thị trường.
Để ngành nông nghiệp phát triển cho cả doanh nghiệp và hộ dân tham gia chuỗi giá trị, ông Sơn kiến nghị, cần có nguồn vốn với chi phí lớn. Về hạ tầng cơ sở làm sao có tuyến đường tải trọng lớn như đường sắt. Tránh phát triển nóng thì cần cung cấp thông tin chính thức và có định hướng cho doanh nghiệp đầu tư bài bản gắn với nhu cầu thị trường thì mới phát triển bền vững.
Ông Trương Đình Tuyển, Cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại cảnh báo, năm 2018 thuế các sản phẩm từ sữa sẽ giảm xuống 0%. Các doanh nghiệp ngành sữa có cạnh tranh được không?
Đại diện TH Thue Milk cho biết: “Chúng tôi nhận thức đây là thách thức nhưng các nước mạnh về sản phẩm sữa có khó khăn khi vận chuyển sữa tươi và các sản phẩm sữa chế biến khác vào Việt Nam, vận chuyển sữa bột thì tương đối dễ. Doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng điểm này để khắc phục các điểm yếu khác của mình. Nhưng doanh nghiệp phải xây dựng được uy tín thương hiệu cũng như minh bạch. Người dân có xu hướng lựa chọn sản phẩm sữa tươi để uống chứ không phải sữa bột pha lại”.
Đại diện Công ty Bò Sữa châu Á Thái BÌnh Dương chia sẻ: “Tôi không hiểu một con bò Mỹ năng suất 30 lít/ngày gấp đôi năng suất sữa bò Úc và New Zeland mà tại sao doanh nghiệp chỉ nhập bò Úc và New Zeland”.
Ông Vương Ngọc Long, Trưởng ban phát triển đàn bò sữa của Vinamilk, phân tích tại New Zeland nuôi chăn thả nên chi phí thấp chỉ 33 cent/lít sữa, của Úc khoảng 40 cent, giá thành của Mỹ khoảng từ 47-50 cent. Các nước tùy thuộc mô hình nuôi để chọn con giống chăn nuôi. VNM đã lựa chọn và sắp tới có khoảng 1.400 con bò sữa nhập khẩu từ Mỹ về để có năng suất cao hơn. Nhưng người nông dân cần được hướng dẫn để phù hợp với môi trường nuôi. Nếu đưa bò Mỹ về mà không hướng dẫn cho người nông dân thì sẽ thất bại như trước đây khi đưa bò Úc về cho người dân nuôi.
Chia sẻ tại hội thảo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang các nước TPP rất tiềm năng nhất là mặt hàng rau quả và rau quả chế biến. Ngoài ra xuất khẩu các mặt hàng thủy sản, gạo, cây công nghiệp cũng rất tích cực khi thuế xuất khẩu sang các nước TPP sẽ sớm giảm mạnh.
Theo ông Tuấn, vừa qua Bộ Nông nghiệp và phát triển nông nghiệp nông thôn đã làm việc với 30 nhà đầu tư lớn trong ngành nông nghiệp và đã xây dựng một bản danh sách các kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành nông nghiệp, chăn nuôi phát triển chuẩn bị thích ứng với TPP để trình lên Chính phủ.