Thái Nguyên: Hàng loạt dự án bê trễ, chậm tiến độ

(ĐTCK) Mặc dù là địa phương thu hút được lượng lớn doanh nghiệp địa ốc đầu tư vào địa bàn trong khoảng 4 năm trở lại đây, nhưng trên thực tế tại Thái Nguyên có khá nhiều dự án lớn chậm tiến độ, thậm chí dính sai phạm, gây lãng phí tài nguyên đất.
Thời gian qua, Thái Nguyên đẩy mạnh thu hút đầu tư vào địa bàn. Thời gian qua, Thái Nguyên đẩy mạnh thu hút đầu tư vào địa bàn.

Kỳ vọng sức cầu

Theo nhận định của giới chuyên gia và các nhà môi giới, một trong những yếu tố kích cầu cho thị trường bất động sản Thái Nguyên chính là việc trên địa bàn tập trung hàng loạt các khu công nghiệp lớn có thể kể đến như: Khu công nghiệp Sông Công I (195 ha), Khu công nghiệp Sông Công II (250 ha), Khu công nghiệp Nam Phổ Yên (120 ha), Khu công nghiệp Yên Bình (400 ha), Khu công nghiệp Điềm Thụy (350 ha), Khu công nghiệp Quyết Thắng (105 ha).

Trong đó, có 4 khu công nghiệp đi vào hoạt động là Sông Công I, Nam Phổ Yên, Yên Bình và Điềm Thụy, thu hút được 163 dự án, trong đó có 83 dự án FDI và 80 dự án DDI, tổng vốn đăng ký tương ứng khoảng 7 tỷ USD và trên 11.000 tỷ đồng. Cùng với điểm sáng là Samsung Thái Nguyên, các khu công nghiệp này không chỉ mang đến nguồn thu ngân sách quan trọng mà còn đem tới sức cầu bất động sản lớn từ đội ngũ chuyên gia, người lao động hàng trăm ngàn người.

 Tuy nhiên, nhiều dự án hiện hữu lại có tiến độ triển khai khá bê trễ

Chính điều này thu hút các “ông lớn” ngành bất động sản rót vốn vào Thái Nguyên thời gian qua. Có thể kể đến một số cái tên tiêu biểu như: Sông Đà 2, Đầu tư APEC, DetechLand, TNG, Tập đoàn Tiến Bộ, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Thiên Lộc, Tecco Thái Nguyên, Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc, Tổng công ty cổ phần Xây dựng Giao thông 8 (Cienco 8)…

Ngoài ra phải kể đến Dự án Xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu. Từ tháng 7/2016, UBND tỉnh Thái Nguyên có văn bản giao Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc - Cienco 8 lập đề xuất đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).

Tháng 8/2016, UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục có quyết định phê duyệt chủ trương đề xuất Dự án. Tổng mức đầu tư dự án thời điểm này là 9.811,6 tỷ đồng, thuộc dự án nhóm A; trình tự thủ tục thực hiện dự án nhóm A thuộc thẩm quyền chấp thuận đầu tư của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về nguồn vốn, quy mô…

Nhưng nhiều dự án bê trễ

Thực tế, có thể nói, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã biết và cũng rất bức bối trước tình trạng chậm tiến độ của các dự án cả công nghiệp và dân dụng trên địa bàn.

Bằng chứng là tại phiên chất vấn do Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên tổ chức vào nửa cuối năm 2018 với sự tham gia và trả lời chất vấn của lãnh đạo UBND tỉnh, thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh Thái Nguyên, ông Bùi Xuân Hòa, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên cho biết, trên địa bàn tỉnh còn có một số dự án chậm tiến độ, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh, gây bức xúc trong nhân dân.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện UBND tỉnh Thái Nguyên cũng cho biết, chính quyền đã bắt đầu triển khai thanh kiểm tra các dự án đầu tư trên địa bàn từ năm 2017. Hiện tại, UBND tỉnh đã tổ chức thành lập đoàn thanh tra, ra soát lại gần 100 dự án trên địa bàn có nguồn vốn ngoài ngân sách về công tác triển khai, giải phóng mặt bằng…

“Những dự án nào khả thi thì tiếp tục đôn đốc nhà đầu tư thực hiện dự án. Dự án nào chậm do nguyên nhân chủ quan và xét thấy chủ đầu tư không có khả năng thì cương quyết thu hồi. Chúng tôi cũng đã thu hồi hàng chục dự án chậm tiến độ trên địa bàn. Những dự án sai phạm sẽ xử phạt, chấn chỉnh. Vì không phải doanh nghiệp đến giữ đất rồi để hoang vì còn rất nhiều nhà đầu tư muốn vào Thái Nguyên”, vị đại diện này cho hay.

Đối với các dự án hạ tầng khu công nghiệp, HĐND tỉnh Thái Nguyên chỉ ra 3 dự án do Ban quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên quản lý đã bị chậm tiến độ từ lâu, gồm: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu B - Khu công nghiệp Điềm Thụy phần diện tích 170 ha do Công ty cổ phần APEC làm chủ đầu tư, Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu B - Khu công nghiệp Nam Phổ Yên do Công ty TNHH một thành viên Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên làm chủ đầu tư và Dự án Khu công nghiệp Trung Thành Khu C - Khu công nghiệp Nam Phổ Yên do Công ty Lệ Trạch (Đài Loan - Trung Quốc) làm chủ đầu tư.

Đối với các dự án dân dụng, thương mại theo phản ánh của người dân sở tại, nhiều dự án chưa hoàn thiện hạ tầng, thậm chí còn chưa giải phóng mặt bằng, đang có tranh chấp liên quan đến chi phí và diện tích bồi thường, nhưng đã được rao bán trên thị trường với giá cao.

Tại trung tâm TP. Thái Nguyên có những dự án thuộc diện “con voi chui lọt lỗ kim”. Chẳng hạn, Dự án Tecco Complex Thái Nguyên ở phường Thịnh Đán với 6 tòa tháp cao trên 30 tầng và 2.088 căn hộ. Dự án này triển khai thi công khi chưa có giấy phép xây dựng nhưng chủ đầu tư là Tổng công ty Tecco có địa chỉ ở TP.HCM vẫn triển khai rao bán.

Tại thị xã Phổ Yên, dự án Khu dân cư Đông Tây dù chưa đủ điều kiện huy động vốn nhưng các thông tin phân lô, bán nền đã diễn ra rất nhộn nhịp. Trong khi đó, dự án này vẫn đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, thi công hạ tầng. Lượng công nhân thưa thớt, máy móc thi công khá lèo tèo.

Liên quan đến dự án này, lãnh đạo Sở Xây dựng Thái Nguyên từng cho biết, việc huy động góp vốn và thực hiện giao dịch mua bán tại dự án này là không đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra cũng phải kể đến Dự án Khu đô thị Hồng Long Phổ Yên của Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng Hồng Long. Về tiến độ, tại Quyết định 537/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ rõ: Quý I/2016 là giai đoạn hoàn thiện thủ tục, phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500, phê duyệt dự án đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư.  Quý II/ 2016: Công bố Quy hoạch và tiến hành các thủ tục GPMB.  Quý IV/ 2016: Khởi công xây dựng… Quý I/2018: Hoàn thiện, đưa dự án vào khai thác sử dụng giai đoạn I. Quý I/ 2020: Hoàn thành toàn bộ dự án. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn trong tình trạng chậm tiến độ nghiêm trọng.

Một dự án “đầu coi, đuôi chuột” khác là Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên được Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc - Cienco 8 triển khai xây dựng từ tháng 12/2016. Dự án thậm chí còn chưa đủ hồ sơ pháp lý nhưng từ cuối năm 2017 chủ đầu tư đã tiến hành thi công vài trăm mét rồi để “đắp chiếu” đến nay. Nguyên nhân của sự chậm trễ này là gì vẫn là dấu hỏi lớn?.

Một trong những lý do theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng TP. Thái Nguyên là: “Văn bản của Bộ Tài chính về việc tạm dừng thanh toán đất công cho các dự án BT. Các nhà đầu tư nghe thấy như vậy thì có sự lưỡng lự trong việc triển khai thi công”.

Tuy nhiên, nói gì thì nói, việc để hàng loạt dự án chậm tiến độ có phần trách nhiệm của một số cơ quan hữu trách tỉnh Thái Nguyên, bởi thu hút đầu tư thành công chỉ là bước đầu, giám sát, thúc đẩy để dự án được triển khai mang lại hiệu quả kinh tế -xã hội mới thực sự là cái đích cần đặt ra. Ngoài ra, việc các dự án chậm tiến độ, đặc biệt là những dự án dính sai phạm vẫn tiến hành phân lô bán nền có thể gây nên những hệ lụy rất lớn cho không chỉ những người mua mà còn gây bất ổn trên địa bàn.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Nhất Nam
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục