Hơn 50 dự án vào tầm ngắm
Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, trên địa bàn Hà Nội hiện có hàng trăm dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai, nhưng việc thu hồi gặp nhiều khó khăn. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, trong đó có việc các chủ đầu tư lợi dụng kẽ hở trong các quy định của pháp luật để lách luật.
Theo ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các dự án chậm tiến độ, như giai đoạn 2012 - 2017 có nhiều chính sách thay đổi, trong đó có chính sách về giải phóng mặt bằng; chủ đầu tư không quyết liệt trong phối hợp tháo gỡ chính sách giải phóng mặt bằng; thị trường bất động sản trầm lắng, các chủ đầu tư khó huy động vốn, kêu gọi đầu tư, giải ngân.
Ông Đông cho biết thêm, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các sở, ngành rà soát lại toàn bộ. Với các dự án đã chậm tiến độ 5 - 10 năm, kiên quyết không cho gia hạn, với các dự án đã có quyết định thu hồi, sẽ kiên quyết thực hiện. Tuy nhiên, việc thu hồi dự án chậm triển khai rất khó, vì theo quy định của Luật Đất đai 2013, việc thu hồi sẽ không bồi thường chi phí cho chủ đầu tư, nên gặp phải sự chống đối.
Trước thực trạng đó, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan liên quan thanh kiểm tra và đưa vào diện thu hồi 55 dự án chậm tiến độ trên địa bàn trong tháng 9/2018. Trong đó, 47 dự án sẽ bị thu hồi theo chỉ đạo của UBND Thành phố và 8 dự án do Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị.
Cụ thể, UBND TP. Hà Nội có văn bản gửi các sở, ngành về kế hoạch kiểm tra, xử lý các dự án chậm triển khai theo báo cáo của HĐND. Trước đó, tại cuộc họp của HĐND Thành phố giữa tháng 8/2018, danh sách được công bố cho thấy, có 383 dự án chậm triển khai ở 30 quận, huyện, thị xã. Lãnh đạo Thành phố yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát lại toàn bộ.
Theo chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo kiểm tra, rà soát 161 dự án có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai. Thành phố đặc biệt lưu ý các sở, ngành phải hoàn thiện hồ sơ, trình để ban hành quyết định thu hồi đối với 55 dự án ngay trong tháng 9/2018.
Cùng với đó, Sở này cũng phải lập đoàn thanh tra 21 dự án trên địa bàn huyện Mê Linh, quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, huyện Hoài Đức, đồng thời rà soát việc khắc phục các vi phạm tại 89 dự án đã được HĐND Thành phố kiến nghị nhưng chưa xử lý. Việc xử lý phải được báo cáo trong tháng 12/2018.
Đối với các dự án đã giao đất nhưng không triển khai trong thời hạn quy định, sử dụng đất sai mục đích, không thực hiện nghĩa vụ tài chính..., Sở Tài nguyên và Môi trường phải lập hồ sơ xử lý và trình UBND TP. Hà Nội ban hành quyết định thu hồi. Những dự án khác gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng hoặc chậm tiến độ do phải điều chỉnh quy hoạch..., các sở phối hợp để giải quyết, sớm đưa vào hoạt động.
Đồng thời, UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức, xây dựng phần mềm quản lý thông tin của các dự án kết nối liên thông giữa các sở, ngành, quận, huyện, thị xã để thuận tiện cho công tác quản lý.
“Với những dự án này, cử tri kiến nghị nhiều qua các cuộc tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, qua các kênh thông tin báo chí phản ánh. Những hạn chế, tồn tại này cần được UBND Thành phố và các sở ngành, quận huyện báo cáo giải trình, làm rõ trước nhân dân, cử tri, đồng thời tìm ra giải pháp, lộ trình khắc phục tồn tại, sử dụng hiệu quả đất đai trên địa bàn thành phố”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội nhấn mạnh.
Những “phát súng” đầu tiên
Mặc dù HĐND và UBND TP. Hà Nội chỉ đạo rất sát sao trong việc rà soát, xử lý thu hồi các dự án chậm tiến độ trên địa bàn, tránh lãng phí tài nguyên đất, nhưng trên thực tế, việc thu hồi các dự án chậm tiến độ không phải chuyện đơn giản, nên sang đến giữa tháng 11/2018 vẫn chưa có dự án nào trong danh sách 55 dự án bị thu hồi.
Theo phiên giải trình về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố của Thường trực HĐND TP. Hà Nội, qua kết quả giám sát, có hàng trăm dự án chậm triển khai trên địa bàn, vi phạm luật đất đai. Thậm chí, có các dự án đã có quyết định thu hồi đất, nhưng qua thời gian vẫn không được thực hiện.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Đông cho rằng, có nguyên nhân chủ quan đến từ các cấp, các ngành trong việc hậu kiểm, việc phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm chưa được quyết liệt. Đặc biệt, sau khi Thủ đô mở rộng địa giới hành chính, nhiều dự án phải điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu...
“Trong quá trình thực hiện gặp nhiều vướng mắc, gặp sự phản ứng của chủ đầu tư. Sở sẽ thực hiện quyết liệt, mong muốn các quận, huyện cùng vào cuộc, điều tra về tài sản trên đất để vào cuộc thu hồi đất của các dự án vi phạm. Theo quy định, quy trình giải phóng mặt bằng để làm dự án thì có cưỡng chế thu hồi đất, nhưng quy trình xử lý vi phạm lại chưa có việc cưỡng chế, nên gặp nhiều khó khăn trong cưỡng chế thu hồi đất vi phạm”, ông Đông chia sẻ thêm.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Vũ Quốc An, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, mặt trái của các “dự án chết” hiện nay là không phải ngẫu nhiên chủ đầu tư xin được dự án, nên khi dự án rơi vào chậm tiến độ, gây lãng phí tài nguyên đất, không thu được ngân sách thì xử lý là rất khó. Do đó, thực trạng hiện nay đang rơi vào cảnh “trên bảo dưới không nghe”.
Mặc dù TP. Hà Nội đã chỉ đạo sát sao, nhưng Dự án UDIC Lakeside tại ngõ 282 đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ vẫn chưa hoàn thiện thủ tục xử lý thu hồi
“Muốn xử lý triệt để vấn đề này phải bắt đầu từ cấp trên, nếu Hà Nội chỉ đạo quyết liệt thì cấp dưới buộc phải thực hiện. Đơn cử, như vụ việc biệt phủ ở Sóc Sơn hiện nay. UBND TP. Hà Nội nên quyết liệt trong việc xử lý tồn tại, thậm chí xử lý cả cán bộ có liên quan hoặc không thực hiện chỉ đạo của cấp trên. Hơn nữa, để minh bạch trong vấn đề này, cấp trên phải chỉ đạo sát sao, minh bạch và đặc biệt là không dính tư lợi”, ông Vũ Quốc An nhấn mạnh.
Việc quá thời hạn xử lý 2 tháng mà không có dự án nào trong danh sách 55 dự án bị thu hồi khiến nhiều người lo ngại Hà Nội lại tiếp tục “giơ cao đánh khẽ” trong việc thu hồi dự án chết. Tuy nhiên, cuối tuần qua, UBND TP. Hà Nội đã công bố danh tính 16 dự án bất động sản bị chấm dứt hoạt động do chậm triển khai.
Các dự án này gồm: Dự án Xây dựng trụ sở văn phòng làm việc và cho thuê tại số 19 Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Ba Đình làm chủ đầu tư.
Dự án Xây dựng tòa nhà hỗn hợp văn phòng làm việc và cho thuê tại 53E phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm do Công ty TNHH một thành viên xổ số Thủ đô làm chủ đầu tư; Dự án Xây dựng Bệnh viện đa khoa Quang Trung tại Khu đồng Đế Mơ, đường Tam Trinh, phường Yên Sở, Hoàng Mai do Công ty cổ phần Bệnh viện đa khoa Quang Trung làm chủ đầu tư.
Dự án Khu đô thị Monaco Garden - phần ô CC1, CC3, N4 tại xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai do Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại hệ thống Quốc tế Nettra làm chủ đầu tư; Dự án Nhà ở để bán cho cán bộ công nhân viên tại 13 Nguyễn An Ninh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai do Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế kiếm định và địa kỹ thuật làm chủ đầu tư; Dự án Khu văn phòng tại 18 phố Cao Bá Quát, quận Ba Đình do Công ty TNHH một thành viên Môi trường Đô thị làm chủ đầu tư.
Dự án Nhà làm việc và văn phòng cho thuê tại 335 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân do Công ty cổ phần xây lắp công nghiệp thực phẩm làm chủ đầu tư; Dự án Khu hỗn hợp văn phòng - thương mại, dịch vụ - nhà hàng và giải trí tại số 153 phố Yên Phụ, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ do Tổng công ty Du lịch Hà Nội - Công ty TNHH làm chủ đầu tư…
Dự án Trung tâm thương mại và nhà ở Vai Réo tại xã Phú Cát, huyện Quốc Oai do Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng làm chủ đầu tư…
Dù chậm hơn so với kế hoạch, nhưng việc công bố danh sách 16 dự án bất động sản bị chấm dứt hoạt động do chậm triển khai trên của Hà Nội được xem là “phát súng” đầu tiên cho thấy, việc xử lý “dự án chết” của Hà Nội sẽ được tiến hành ráo riết nhằm giữ nghiêm kỷ cương đô thị và phát triển thị trường bất động sản bền vững.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com