Thách thức giảm phát thải các-bon

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hầu hết các nền kinh tế đều phải đối mặt với khoảng cách lớn giữa tham vọng giảm phát thải các-bon theo mục tiêu và hiệu suất thực tế.
Việt Nam là trong một số ít nền kinh tế đã vượt mốc giảm phát thải các-bon theo mục tiêu NDC Việt Nam là trong một số ít nền kinh tế đã vượt mốc giảm phát thải các-bon theo mục tiêu NDC

Sự chuyển đổi không dễ dàng

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã giảm cường độ phát thải các-bon xuống 2,8% vào năm 2022, hơn gấp đôi tỷ lệ 1,2% của năm 2021 và có 5 quốc gia đạt được mục tiêu đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC).

Theo báo cáo Chỉ số kinh tế Net Zero năm 2023 của PwC, các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương chịu trách nhiệm cho 48% lượng khí thải toàn cầu trong năm 2022. Mặc dù tốc độ giảm phát thải các-bon của khu vực này vào năm 2022 ở mức 2,8% - cao hơn so với tỷ lệ toàn cầu là 2,5%, nhưng vẫn cần tăng tốc độ giảm phát thải nhanh hơn gấp 6 lần để đạt tỷ lệ 17,2%, nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C so với mức ở thời kỳ tiền công nghiệp.

Nghiên cứu của PwC theo dõi quá trình giảm phát thải các-bon liên quan đến khí thải CO2 trên toàn thế giới bằng cách đo lường mức tiêu thụ năng lượng theo GDP và hàm lượng các-bon của năng lượng đó. Chỉ số kinh tế Net Zero năm 2023 cho thấy, không có nền kinh tế nào ở châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2022 có tốc độ giảm phát thải các-bon tiệm cận tới mức cần thiết để đạt được mục tiêu 1,5°C. Tuy nhiên, có 5 nền kinh tế đã vượt qua ngưỡng giảm phát thải các-bon được đề ra trong mục tiêu NDC của từng quốc gia.

Giảm phát thải các-bon

Giảm phát thải các-bon

Là khu vực kinh tế đang lên của thế giới, nhưng châu Á - Thái Bình Dương có rủi ro cao nhất về tác động vật lý từ biến đổi khí hậu, đòi hỏi các quốc gia trong khu vực phải tách rời phát thải khí nhà kính ra khỏi tăng trưởng kinh tế.

Các nền kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương được khuyến khích hiện thực hóa các mục tiêu của toàn cầu và từng quốc gia bằng cách không chỉ dừng lại ở quá trình chuyển đổi về thị trường và chính sách, mà cần triển khai thêm các hành động giảm thiểu phát thải nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến nông nghiệp, môi trường xây dựng và công nghiệp. Tuy nhiên, sự chuyển đổi này không hề dễ dàng.

Có một số lý do trong việc tiếp tục sử dụng các nguồn năng lượng phát thải nhiều các-bon ở châu Á - Thái Bình Dương như cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã làm thay đổi các ưu tiên chính trị - xã hội, gây áp lực lên công chúng và các chính phủ trong việc quay trở lại sử dụng các dạng năng lượng rẻ hơn, phát thải nhiều hơn như than. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng đáng kể của các nền kinh tế trong khu vực làm tăng sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng, đặc biệt là dầu khí, để duy trì tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, đầu tư vào năng lượng tái tạo đang bị thiếu hụt, cản trở quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, ngoại trừ Trung Quốc, các nước châu Á khác sẽ phải tăng mức đầu tư hàng năm vào năng lượng tái tạo lên 6 - 8 lần so với mức năm 2022 trong giai đoạn 2031 - 2035.

Kết quả của Việt Nam trên bình diện khu vực

Mặc dù không có nền kinh tế nào ở châu Á - Thái Bình Dương đạt gần đến tỷ lệ khử các-bon yêu cầu là 17,2% hàng năm để có thể đạt được mục tiêu 1,5°C, nhưng có 5 nền kinh tế bao gồm New Zealand, Pakistan, Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam đã vượt mốc giảm phát thải các-bon theo mục tiêu NDC.

Điểm chung của 5 nền kinh tế trên là nằm trong nhóm những quốc gia nhập khẩu ròng năng lượng và hầu hết đều có mức giảm về hệ số phát thải các-bon từ nhiên liệu hóa thạch. Pakistan là ngoại lệ khi giảm phát thải 15% do tác động trực tiếp từ cuộc khủng hoảng giá dầu mỏ toàn cầu năm 2022, theo sau là Singapore (10,8%), New Zealand (8,5%), Việt Nam (6,5%), Hàn Quốc (4,4%).

Châu Á - Thái Bình Dương có rủi ro cao nhất về tác động vật lý từ biến đổi khí hậu, đòi hỏi các quốc gia trong khu vực phải tách rời phát thải khí nhà kính ra khỏi tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, tốc độ giảm phát thải các-bon của các nền kinh tế khác đã chậm lại vào năm 2022 so với năm 2021, thậm chí một số nền kinh tế có cường độ phát thải các-bon tăng lên. Hầu hết các nền kinh tế đều phải đối mặt với khoảng cách lớn giữa tham vọng giảm phát thải các-bon theo mục tiêu NDC và kết quả thực tế năm 2022.

Việt Nam được xếp trong nhóm các nền kinh tế có sự chuyển biến chậm trong quá trình giảm cường độ phát thải các-bon và vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch để duy trì tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, cường độ phát thải các-bon của nhóm này nhìn chung thấp hơn mức trung bình của các nước G7, nghĩa là việc giảm hệ số phát thải các-bon từ nhiên liệu hóa thạch có thể làm giảm cường độ phát thải các-bon đáng kể.

Ông Abhinav Goyal, Giám đốc Dịch vụ tư vấn dự án vốn và cơ sở hạ tầng, PwC Việt Nam đánh giá: “Các mục tiêu NDC được Việt Nam cập nhật năm 2022 đã cho thấy những bước tiến đáng kể trong việc ưu tiên sự phát triển bền vững. Chính phủ đã nhấn mạnh việc sử dụng năng lượng tái tạo và đưa ra những mục tiêu giảm phát thải tham vọng hơn so với các mục tiêu trước đây, qua đó phản ánh cam kết mạnh mẽ đối với việc hành động vì khí hậu. Mặc dù các nội dung NDC dường như phù hợp với tham vọng Net Zero của Việt Nam vào năm 2050, nhưng vẫn cần có nhiều hành động thiết thực hơn nữa để tăng tốc đến một tương lai đạt phát thải ròng bằng 0. Sự thay đổi này đòi hỏi có sự hợp tác hành động từ Chính phủ, thông qua các chính sách mạnh mẽ, các hướng dẫn chi tiết, bao gồm thúc đẩy hợp tác toàn cầu và các doanh nghiệp, thông qua các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm, đầu tư xanh.

Hơn nữa, việc nắm bắt chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch không chỉ là một yêu cầu cấp thiết về môi trường, mà còn mang lại nhiều cơ hội chưa được khai thác. Bằng việc thực hiện các mục tiêu về khí hậu, thông qua sự kết hợp hiệu quả của chính sách và các chiến lược giảm thiểu phát thải, Việt Nam có thể nhận được nhiều lợi ích tài chính từ việc thu hút đầu tư bền vững, tạo thêm việc làm và trở thành quốc gia tiên phong về công nghệ sạch, hướng tới một tương lai bền vững và phát thải các-bon thấp.

Đề xuất một số hướng triển khai

Trong khi các nhà hoạch định chính sách đang chịu áp lực phải đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định với giá cả phải chăng, chúng tôi cho rằng, có nhiều cơ hội và chiến lược kiến tạo giá trị mà lãnh đạo các doanh nghiệp có thể thực hiện để góp phần vào quá trình chuyển đổi sang trạng thái đạt mức phát thải ròng bằng 0 của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. PwC đề xuất 5 hướng triển khai mà các doanh nghiệp có thể thực hiện để biến hành động vì khí hậu thành lợi thế cạnh tranh và thúc đẩy việc kiến tạo giá trị.

Một là, áp lực ngày càng tăng từ công chúng và các nhà đầu tư đối với các công ty về việc thể hiện vai trò cụ thể hay có sức ảnh hưởng trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu. Bằng việc hỗ trợ các tổ chức khác giảm lượng khí thải Phạm vi 3, doanh nghiệp không chỉ đáp ứng mong đợi của các bên liên quan, mà còn thúc đẩy việc chia sẻ giá trị và tạo ra lợi thế cạnh tranh.

Hai là, việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn (Circular Economy) có thể mang lại cơ hội tăng trưởng kinh tế cho các doanh nghiệp, ước tính có cơ hội thu được 30 - 50% giá trị trong việc tái sử dụng, tân trang và tái sản xuất.

Ba là, đầu tư vào các giải pháp dựa vào thiên nhiên là một cách tiếp cận tiềm năng nhằm tận dụng các quá trình tự nhiên để giảm lượng khí thải, tăng khả năng chống chịu và giảm rủi ro thiên tai, đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế.

Bốn là, tích hợp công nghệ khí hậu vào các hoạt động kinh doanh hàng ngày có thể mang lại lợi ích cho cả việc giảm phát thải và xây dựng hình ảnh doanh nghiệp. Điều này có thể đạt được thông qua việc thành lập một nhóm đầu tư mạo hiểm để đầu tư vào các công ty công nghệ khí hậu và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của những doanh nghiệp đó.

Năm là, áp dụng các phương pháp thích ứng với khí hậu dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng việc làm ở các lĩnh vực mới và tăng khả năng phục hồi của doanh nghiệp trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Lit Ping Low - Daisy Chee,
PricewaterhouseCoopers (PwC)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục