Thách thức đến từ tăng trưởng, lạm phát

Trong khi tăng trưởng kinh tế năm 2019 có thể chỉ ở mức 6,78%, thấp hơn mục tiêu kỳ vọng, thì lạm phát lại tiềm ẩn nguy cơ quay trở lại. Đó là những thách thức không nhỏ của nền kinh tế trong năm nay.
Giá xăng dầu tăng mạnh gần đây sẽ tác động đáng kể đến lạm phát trong năm nay. Ảnh: Đức Thanh Giá xăng dầu tăng mạnh gần đây sẽ tác động đáng kể đến lạm phát trong năm nay. Ảnh: Đức Thanh

Lo kinh tế tăng trưởng chậm lại

Một trong những nội dung đáng chú ý trong Báo cáo kinh tế mà Chính phủ gửi tới Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XIV, khai mạc ngày hôm nay (20/5) tại Hà Nội, là nền kinh tế đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. “Cả ba khu vực kinh tế đều phát triển theo xu hướng chậm hơn cùng kỳ năm trước”, Báo cáo nhấn mạnh.

Các con số được viện dẫn, như tăng trưởng GDP quý I/2019 là 6,79%, cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm 2016 (5,48%), năm 2017 (5,15%), nhưng lại thấp hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm 2018 (7,45%). Kết quả này, nếu so với mục tiêu tăng trưởng của toàn nền kinh tế năm 2019 mà Chính phủ đã đề ra, thì thấp hơn  0,14 điểm phần trăm.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2018 (4,24%) và thấp hơn mục tiêu 0,29 điểm phần trăm. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,63%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2018 (9,92%) và thấp hơn mục tiêu 0,24 điểm phần trăm. Tương tự, khu vực dịch vụ tăng 6,5%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2018 (6,65%) và thấp hơn mục tiêu 0,07 điểm phần trăm.

Giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, giá sách giáo khoa đang được kiến nghị điều chỉnh. Bước vào năm học mới, giá nhóm hàng giáo dục bao giờ cũng tăng. Lại thêm chuyện tăng lương cơ sở từ ngày 1/7 tới sẽ ảnh hưởng đến giá cả vào các tháng cuối năm. Vì vậy, nguy cơ CPI tăng là có. Nếu CPI tăng thì kinh tế vĩ mô sẽ bị tác động, chưa kể ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, đời sống nhân dân. Đề nghị Chính phủ quan tâm phân tích kỹ và có giải pháp điều hành

- Ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Báo cáo Quốc hội, Chính phủ cũng thừa nhận rằng, năm 2019, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với khó khăn, thách thức không nhỏ đến từ nội tại của nền kinh tế. Đặc biệt, các động lực chính cho tăng trưởng vẫn chưa thực sự mạnh mẽ, trong khi dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng còn hạn chế. Ngành khai khoáng tiếp tục gặp khó khăn, tạo gánh nặng cho nền kinh tế.

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đồng tình với nhận định này và cho rằng, nền kinh tế vẫn tiềm ẩn những rủi ro có thể ảnh hưởng bất lợi đến ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế. Chẳng hạn, sự tăng trưởng chậm lại trong lĩnh vực sản xuất, hay tình hình suy giảm của ngành khai khoáng.

Còn ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, lại lo lắng về sự giảm tốc rất nhanh của khu vực nông, lâm nghiệp. “Tiếp xúc cử tri, tôi thấy bà con nông dân nói làm nông nghiệp hiện nay như canh bạc, rất may rủi. Nếu được mùa, được giá thì tốt; còn nếu được mùa mà không được giá thì chết. Cái này cần phải phân tích kỹ”, ông Giàu nói.

Vì cả 3 khu vực kinh tế đều tăng trưởng chậm lại, nên khi xây dựng kịch bản kinh tế 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nếu các quý còn lại của năm đều đạt mục tiêu kịch bản đề ra (quý II tăng 6,7%; quý III 7,03%; quý IV 6,63%), thì dự kiến tăng trưởng GDP ở mức 6,78%, thấp hơn mục tiêu 6,8%.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8%, các bộ, ngành và địa phương phải hết sức nỗ lực, tập trung thực hiện các biện pháp thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, phấn đấu thực hiện không thấp hơn mục tiêu đề ra, trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng phải đạt cao hơn (8,57%, so với mức 8,52% ở kịch bản 6,78%).

Nhưng ở góc độ khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt bằng hoặc cao hơn mức tăng trưởng 7,08% của năm ngoái. Tất nhiên, điều kiện là khu vực dịch vụ được đẩy mạnh tái cơ cấu, mang lại kết quả tích cực, đạt mức tăng trưởng trên 7,2% (cao hơn mức tăng 6,83% của kịch bản tăng trưởng 6,8%, và mức tăng 6,81% của kịch bản tăng trưởng 6,78%).

Để khu vực dịch vụ đạt được tốc độ tăng trưởng 7,2%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhắc đến những ngành kinh doanh mới như casino, cá cược, hay việc thí điểm thành công các mô hình thanh toán mới, sự phát triển của các doanh nghiệp fintech…

Tiềm ẩn nguy cơ lạm phát quay trở lại

Mặc dù Báo cáo của Chính phủ không nhấn mạnh nhiều đến mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay, song trong Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế lại nhấn mạnh những rủi ro về ổn định kinh tế vĩ mô, do việc tăng giá điện, giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế có thể ảnh hưởng đến lạm phát.

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm nay chỉ tăng 2,71% so với bình quân cùng kỳ năm 2018 (đây là mức tăng bình quân thấp nhất trong 3 năm trở lại đây - PV), nhưng lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm tăng 1,84% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.

Trong khi đó, giá dịch vụ công năm 2019 tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình tăng giá giai đoạn 2016-2020, giá thực phẩm có khả năng tăng mạnh hơn do nguồn cung giảm khi ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…

“Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá, báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, minh bạch trong cách tính giá điện, thời điểm tăng giá điện và tác động của việc tăng giá xăng, giá điện đối với chỉ số giá tiêu dùng, cũng như các mặt kinh tế - xã hội”, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói.

Tại phiên thảo luận mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẳng thắn cho rằng, “nguy cơ lạm phát cao đang tiềm ẩn”.

Nhắc tới chuyện giá xăng dầu thế giới tăng, rồi biến động của giá vàng, giá USD những ngày gần đây, lại thêm chuyện giá lương thực, thực phẩm theo xu thế chung của thế giới là cứ sau vài năm lại tạo ra mặt bằng giá mới, ông Định đề nghị Chính phủ làm rõ hơn việc điều hành giá cả thị trường.

Gần như chắc chắn, các yếu tố liên quan đến nguy cơ tiềm ẩn lạm phát quay trở lại sẽ được các đại biểu Quốc hội tập trung phân tích, mổ xe tại các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Xu hướng tăng trưởng chậm lại cũng sẽ ở tình trạng tương tự.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục