Kiểm soát lạm phát: Nóng ngay từ đầu năm

(ĐTCK) Với động thái sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu trong kỳ điều hành giá xăng dầu áp dụng từ ngày 1/1//2019 của Chính phủ, một trong những yếu tố đầu vào có tác động lớn tới lạm phát đã được kiểm soát ngay từ đầu năm.  
Kiểm soát lạm phát: Nóng ngay từ đầu năm

Giá xăng dầu đã “lặng sóng” trong ngày đầu tiên mức thuế bảo vệ môi trường áp dụng với các mặt hàng này được tăng lên kịch trần (4.000 đồng/lít) có hiệu lực. Điều này giúp giá cả hàng hóa trong  tháng Tết tránh được tác động kép - chi phí đầu vào gia tăng và sức cầu tăng vọt.

Trước đó, dự báo về khả năng tác động của việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu lên mức kịch trần bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) nhận định, tác động trực tiếp tới CPI là không quá lớn, chỉ dao động trong khoảng 0,27 - 0,29%.

Lý do là giá xăng dầu thế giới thời gian gần đây đang trong xu thế giảm, ước tính của Tổng cục Thống kê cho thấy, mức giảm trong tháng 12/2018 khoảng hơn 12% so với tháng trước đó. Mặt khác, việc sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu sẽ là một công cụ hữu hiệu để giảm bớt mức độ tác động của giá xăng dầu với CPI trong trường hợp mặt hàng này tăng trở lại và trước mắt là giảm mức ảnh hưởng từ việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Bộ Công thương cũng cho rằng, năm 2019, khả năng giá xăng dầu biến động không lớn do kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu khởi sắc đột biến, do vậy, tác động từ yếu tố này đối với lạm phát trong nước sẽ không quá mạnh.

Tuy nhiên, theo nhận định được đưa ra từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, việc tăng thuế môi trường đối với xăng dầu và một số nhóm hàng nguyên, nhiên vật liệu có thể chưa có tác động trực tiếp ngay tới mặt bằng giá năm 2018 và 2019, song sẽ kéo theo tác động “chi phí đẩy” đối với lạm phát, làm giảm dư địa cho chính sách tiền tệ trong việc điều hành lãi suất và tỷ giá trong quý IV/2018 và đầu năm 2019.

Bên cạnh yếu tố giá xăng dầu, chỉ số CPI năm 2019 cũng chịu áp lực từ nhiều yếu tố khác. Ở trong nước là giá lương thực, thực phẩm tăng dịp lễ tết; điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, y tế; khả năng tăng lương tối thiểu vùng, ảnh hưởng từ thời tiết bất lợi, thiên tai bão lũ… Còn ở bên ngoài là diễn biến giá nguyên, nhiên liệu chịu ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn, bình thường hóa chính sách tiền tệ tại nhiều nền kinh tế…

Bên cạnh đó, một yếu tố khác rất đáng chú ý là giá điện. Tổng cục Thống kê khẳng định, nếu giá điện tăng vào đầu năm nay chắc chắn sẽ tác động tới CPI, gia tăng áp lực lạm phát, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí sản xuất, sinh hoạt của người dân, cũng như tới tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.

“Ngay khi có kịch bản tăng giá điện cụ thể từ EVN và Bộ Công thương, Tổng cục Thống kê sẽ định lượng hóa tác động để đưa ra các khuyến nghị điều hành cụ thể”, bà Ngọc cho hay.

Nhận định về tác động của việc tăng giá điện, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới Sebastian Eckardt cho rằng, tác động trực tiếp tới đời sống sinh hoạt của người dân Việt Nam là không nhiều, do chỉ chiếm 10% chi phí trung bình của các hộ gia đình. Tuy nhiên, ông Eckardt đặc biệt lưu ý tác động gián tiếp, bởi giá điện liên quan đến nhiều ngành công nghiệp, là đầu vào của các lĩnh vực sản xuất trọng yếu.

“Xét về góc độ sản xuất, giá điện tăng do chi phí biên ngành điện tăng lên, trong khi đó Việt Nam đang có xu hướng ngày càng phụ thuộc vào nhiệt điện than. Đây là vấn đề cần điều chỉnh về chiến lược cơ cấu nguồn điện trong trung hạn, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các giải pháp và công nghệ để đảm bảo giảm sử dụng điện hơn nữa, tránh phụ thuộc vào yếu tố này để ảnh hưởng tới sản xuất”, chuyên gia World Bank khuyến nghị.   

Trong bối cảnh như vậy, việc điều hành chính sách để đạt mục tiêu CPI tăng 4% theo Nghị quyết của Quốc hội đòi hỏi sự thận trọng của Chính phủ.

Trên cơ sở đánh giá các yếu tố có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia đưa ra 2 kịch bản dự báo CPI bình quân năm 2019 là 4% và 4,5% năm, tương ứng với 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế là 6,84 - 7% ở kịch bản cơ sở và kịch bản cao là trên 7%. 

Dự báo này dựa trên các giả định về sự thay đổi của các biến số bao gồm: Kinh tế thế giới: tăng trưởng kinh tế giới; chỉ số giảm phát chi tiêu cho tiêu dùng thế giới; giá dầu thế giới; Kinh tế Việt Nam: tỷ lệ đầu tư/GDP; tốc độ tăng lực lượng lao động, biến động của tỷ giá, lãi suất…  

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục