Đại diện TCM cho biết, hiện Công ty đã đàm phán xong việc thuê đất, xin cấp phép xây dựng cho dự án nhà máy đan - nhuộm - may tại Vĩnh Long và đang tiến hành giai đoạn 1 xây dựng nhà máy với công suất trên 6 triệu sản phẩm/năm. Nhà máy này dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động vào cuối quý II/2015. Nếu chạy hết công suất sẽ giúp doanh thu xuất khẩu sản phẩm áo khoảng 100 triệu USD/năm.
Theo TCM, việc đầu tư nhà máy của Công ty nhằm gia tăng công suất cho chuỗi quy trình dệt may, đồng thời đón đầu cơ hội từ Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhận định TPP có thể được ký kết vào cuối năm 2015, đầu năm 2016, khi đó, TCM sẽ là doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất do sản xuất được từ khâu sợi trở đi.
Về thị trường xuất khẩu, 40% sản phẩm áo của TCM xuất sang Trung Quốc; đối với vải, khách hàng chủ yếu là Nhật Bản, còn mảng sợi, khách hàng chủ yếu là Trung Quốc và Hàn Quốc. Đại diện TCM cho biết, đơn hàng năm 2015 đối với sản phẩm áo khá tốt; sản phẩm vải cũng tăng trưởng tốt, nhưng mảng sợi, doanh thu có phần chậm hơn so với năm trước. Nguyên nhân, giá bông đã giảm khá mạnh so với 6 tháng trước, giá sợi cũng giảm nhiều hơn, nên rất khó để tìm kiếm được lợi nhuận từ mảng sợi trong quý I/2015. Kết thúc quý I/2015, TCM đạt doanh thu 28 triệu USD, lợi nhuận sau thuế đạt 1,4 triệu USD.
ĐHCĐ cũng thông qua mức cổ tức năm 2014 là 12%/mệnh giá và không trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ trong năm 2014. Đại diện TCM cho biết, khoảng giữa tháng 4, HĐQT Công ty sẽ họp để chốt thời gian chi trả cổ tức cho cổ đông.
Năm 2014, TCM đạt doanh thu thuần 2.571,4 tỷ đồng, bằng 91,1% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 168,4 tỷ đồng, vượt 2% kế hoạch, tăng 36% so với thực hiện năm 2013.