Năm 2015, sách lược cụ thể của TCM là gì để tối đa hóa lợi nhuận, tăng trưởng doanh thu trên lợi thế cạnh tranh sản xuất khép kín từ sợi? ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Trần Như Tùng, Ủy viên HĐQT TCM.
Thưa ông, kế hoạch năm 2015 của TCM là 2.781 tỷ đồng doanh thu và 170 tỷ đồng lợi nhuận ròng được xây dựng dựa trên cơ sở nào?
Khi xây dựng kế hoạch, chúng tôi đã tính toán và dự báo tình hình đơn hàng cho năm 2015. Doanh thu sản phẩm may và vải vẫn sẽ tăng trưởng so với năm 2014, đặc biệt là vải, nhưng doanh thu sợi có thể giảm vì giá bán sợi giảm khoảng 20% do giá nguyên liệu bông giảm trong thời gian gần đây và dự báo tiếp tục giảm thêm khoảng 10% trong năm 2015.
Theo kế hoạch ban đầu, Nhà máy Thành Công 2 ở Vĩnh Long sẽ đưa vào hoạt động đầu năm 2015. Tuy nhiên, do một số lý do về thủ tục cấp phép chậm hơn so với tiến độ dự kiến nên doanh thu trong năm 2015 từ nhà máy này sẽ không nhiều so với kế hoạch ban đầu. Dự kiến, nhà máy mới được đưa vào sản xuất từ quý III/2015.
Năm 2014, TCM tăng doanh thu từ may và bán vải, giảm doanh thu từ sợi nên lợi nhuận cải thiện do tỷ suất lợi nhuận của may và bán vải cao hơn sợi. Xu hướng chuyển dịch cơ cấu doanh thu này có tiếp tục trong năm 2015?
Trong kinh doanh, sản phẩm hay dịch vụ nào mang lại lợi nhuận nhiều thì các doanh nghiệp sẽ tập trung cho sản phẩm và dịch vụ đó, ở TCM cũng vậy. Trong năm 2015, chúng tôi sẽ tập trung phát triển mạnh hơn đơn hàng may và vải vì lợi nhuận cao hơn so với sản phẩm sợi. Hiện tại, đơn hàng vải tăng trưởng rất tốt về doanh thu cũng như tỷ suất lợi nhuận. Dự kiến, doanh thu vải sẽ tăng từ 20 - 25% so với năm 2014 và nếu có nhiều đơn hàng thì chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét đầu tư máy móc thiết bị cho sản phẩm này trong năm 2015.
Được biết, hơn 90% sản phẩm của TCM xuất khẩu. Cơ cấu thị trường xuất khẩu năm nay có thay đổi? Có gia tăng đơn hàng do E.Land (cổ đông lớn) chuyển qua hay không?
Về cơ bản thì không có sự thay đổi lớn về cơ cấu thị trường xuất khẩu trong năm 2015 so với những năm trước. Thị trường chính của TCM vẫn là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu. Trong những năm qua, doanh thu của TCM không tăng mạnh vì đơn hàng đã vượt quá năng lực sản xuất với sản phẩm may, do vậy chúng tôi phải chuyển một phần ra ngoài để gia công. Khi nhà máy mới đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ tự sản xuất để có tỷ suất lợi nhuận tốt hơn.
Đơn hàng E.Land sẽ tiếp tục tăng đều trong năm tới và những năm tiếp theo vì E.Land đang chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam do giá nhân công ở Trung Quốc ngày một tăng, trong khi TCM đáp ứng tốt về chất lượng đối với các sản phẩm thời trang của E.Land.
Công ty có dự định đưa sản phẩm may ra thị trường nội địa hoặc phân phối các sản phẩm của E.Land tại Việt Nam?
Về thị trường trong nước, TCM sẽ hợp tác cùng E.Land để phân phối và đưa sản phẩm thời trang vào Việt Nam theo kênh bán lẻ mà E.Land đã rất thành công ở Hàn Quốc và Trung Quốc. Vấn đề là lựa chọn thời điểm thích hợp để đẩy mạnh hoạt động này tại thị trường Việt Nam.
Dự án TC Tower đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, hiện tiến độ triển khai như thế nào, thưa ông?
Trong năm 2015, chúng tôi tiến hành xin giấy phép xây dựng và chuẩn bị các bước tiếp theo cho dự án để khởi công.
Công ty có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2015 hay không?
HĐQT đang xem xét việc tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và đối tác chiến lược để huy động vốn cho dự án nhà máy mới tại Vĩnh Long. Nếu HĐQT nhất trí thông qua thì sẽ trình ĐHCĐ kỳ tới phê duyệt.