Điều này đã góp phần không nhỏ trong thành công của TCM khi trở lại là điểm sáng trên TTCK Việt Nam. Ông trần Như Tùng, Thành viên HĐQT TCM chia sẻ về kinh nghiệm quản trị trên thực tế và cũng là một trong những nội dung cơ bản được điểm cao trong báo cáo thường niên 2014 của Công ty.
Thưa ông, việc hoàn thiện hoạt động quản trị công ty đóng vai trò thế nào trong quá trình đưa TCM tăng trưởng trở lại sau thời gian thua lỗ?
Trong giai đoạn 2010 - 2011, giá bông thế giới biến động rất mạnh, tăng từ 2 USD/kg đến 5 USD/kg, rồi sau đó giảm liên tục do sự đầu cơ của một số công ty trên thế giới. Điều này đã làm ảnh hưởng đến kết quả mảng kinh doanh sợi của chúng tôi năm 2012. Tuy nhiên, trước đó, chúng tôi cũng hưởng lợi từ sự tăng giá này thông qua kết quả kinh doanh khá tốt của năm 2010 và 2011.
Trong thời gian đó, vai trò quản trị của người lãnh đạo hết sức quan trọng, có rất nhiều công ty đã phải hủy các đơn hàng mua tương lai trên sàn giao dịch bông của Hoa Kỳ để giảm thiểu rủi ro trong ngắn hạn. Với Thành Công, chúng tôi quyết định tiếp tục chấp nhận điều này và tìm cách đàm phán với nhà cung cấp để giảm giá cũng như kéo giãn thời gian giao hàng nhằm quân bình giá để có giá thấp hơn, thay vì phải hủy bỏ như một số công ty khác đã làm. Chúng tôi làm điều đó là vì luôn nghĩ đến sự phát triển lâu dài, chứ không phải chỉ một vài năm và đó cũng là sự công bằng cho các nhà cung ứng cũng như đối tác, khách hàng.
Trong kinh doanh, sự biến động là điều không tránh khỏi và khi có những khó khăn phải đối mặt, chúng ta phải tìm cách để vượt qua khó khăn, chứ không phải để chạy trốn. Sau giai đoạn đó, chúng tôi đã thay đổi tỷ lệ mua bông trên thị trường giao ngay (spot) là 70%, mua tương lai (future) là 30% và kết quả là năm 2013 chúng tôi đã có lợi nhuận trở lại. Và chiến lược mua bông cũng thay đổi theo xu hướng giá bông của thế giới, chứ không cố định theo một tỷ lệ nào cả.
Khi công ty tăng trưởng cao, sản xuất quy mô lớn hơn và cũng để hoạt động hiệu quả hơn, TCM đã làm gì để nâng cao năng lực quản trị?
Có hai yếu tố chính mà chúng tôi luôn theo đuổi đó là “con người” và “ứng dụng công nghệ và quản trị tri thức”.
Ở TCM, chúng tôi luôn coi trọng con người và luôn đào tạo để có thể quản trị tốt nhất. Chúng tôi hiểu rằng, chỉ có những nhân viên được trang bị kiến thức đầy đủ thì mới có thể làm tốt công việc của mình. Việc ứng dụng những công cụ quản trị như thẻ điểm cân bằng (Balanced Scorecard) hay hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp ERP (Enterprise Resource Planning) giúp phát huy tối đa năng lực. Chúng luôn động viên và khuyến khích nhân viên của mình luôn luôn học hỏi để phát triển.
TCM là doanh nghiệp duy nhất trong Top 50 doanh nghiệp có báo cáo thường niên được bình chọn, có cổ đông nước ngoài chiếm cổ phần chi phối đồng thời Ban lãnh đạo chiếm đa số là người Hàn Quốc. Nếu có những xung đột về văn hóa trong quản trị công ty thì vấn đề được giải quyết như thế nào thưa ông?
Về mặt văn hóa thì giữa người Hàn Quốc và Việt Nam cũng có một số điểm tương đồng nên không có sự khác biệt lắm. Tuy nhiên, về phong cách làm việc chuyên nghiệp thì chúng ta còn nhiều điểm phải học từ người Hàn Quốc. Nhưng dù là quốc tịch nào thì các thành viên HĐQT hay Ban giám đốc đều hướng đến mục tiêu chung như sứ mệnh của chúng tôi, đó là: làm việc vì cổ đông, khách hàng, công nhân viên và nhà cung cấp.
TCM có cơ hội rất lớn khi Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Các bước chuẩn bị của TCM như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi đang chuẩn bị tiến hành xây dựng nhà máy thứ 2 ở Vĩnh Long nhằm nâng cao công suất và năng lực sản xuất để chào đón TPP. Không chỉ mở rộng quy mô sản xuất, chúng tôi cũng sẵn sàng về đội ngũ quản lý cũng như năng lực quản trị. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, TCM sẽ tận dụng được cơ hội TPP mang lại, để tăng trưởng ổn định và bền vững.