Taxi truyền thống kiến nghị dừng thí điểm “taxi công nghệ”

Hai hãng taxi truyền thống lớn nhất nước kiến nghị Bộ Giao thông vận tải dừng thí điểm “taxi công nghệ” trong thời gian chờ Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP được thông qua, đồng thời quản lý hoạt động của Grab, Uber và các đối tác như quản lý hoạt động taxi.
Thanh tra Sở Giao thông vận tải TPHCM xử phạt lái xe Uber vi phạm Thanh tra Sở Giao thông vận tải TPHCM xử phạt lái xe Uber vi phạm

Sau 2 năm thí điểm đề án “triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng”, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đánh giá rằng hàng chục ngàn xe tham gia thí điểm đã mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng để lại nhiều bất cập.

Hợp đồng xe điện tử đã được người dân đón nhận vì đáp ứng nhu cầu đi lại, mang lại lợi ích thiết thực, giảm chi phí. Tuy nhiên, các hãng taxi truyền thống cho rằng “taxi công nghệ” như Grab, Uber được ưu đãi về điều kiện kinh doanh và thuế nên taxi truyền thống bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến giải thể, sáp nhập, nhiều người lao động mất việc.

Trong khi đó, Sở GTVT TPHCM cho biết, hiện nay vẫn chưa xác định được xe hợp đồng điện tử là loại xe gì để đưa vào quy hoạch phương tiện. Sở cũng đề nghị cho các địa phương chốt số lượng của các đơn vị tham gia thí điểm để phù hợp với hạ tầng giao thông.

Tại TPHCM, Uber vẫn chưa được chấp thuận triển khai thí điểm vì chưa đảm bảo một số yêu cầu, tuy nhiên hiện nay Uber vẫn hoạt động mà chưa có chế tài xử lý.

Hãng taxi Vinasun thì cho rằng bản chất Grab và Uber là đơn vị kinh doanh vận tải hành khách. Do đó, cần định danh dịch vụ vận tải Grab, Uber là dịch vụ vận tải taxi.

Đề án thí điểm cho phép không khống chế số lượng mặc dù các địa phương đã khuyến cáo nhiều lần. Điều này tạo một “lối mở” cho các xe ô tô tham gia thí điểm ồ ạt gia nhập thị trường vận tải taxi mà không cần đáp ứng các điều kiện kinh doanh của vận tải taxi.

Trong khi đó, Grab, Uber liên tục thực hiện các chương trình khuyến mại, thưởng tài xế để chiêu mộ lái xe. Kết quả là trong một thời gian ngắn, số lượng xe ô tô cá nhân tăng chóng mặt, phủ kín đường, nhiều hơn số lượng taxi chính thống trước nay vẫn bị giới hạn theo quy hoạch.

Còn phía các công ty taxi truyền thống cũng bị giảm số lượng khách, giảm đầu xe, nhiều doanh nghiệp không đủ tiền trả lương, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Kết cục dành cho cả doanh nghiệp, tài xế taxi chính thống và lái xe Grab, Uber đều rất bi đát, ảnh hưởng tới đời sống, việc làm của cả chục ngàn người lao động trên cả nước.

Đồng quan điểm, Công đoàn hãng taxi Mai Linh cho rằng hoạt động thí điểm “taxi công nghệ” đã không quản lý được số lượng phương tiện. Tại TPHCM, tính đến hết tháng 9/2017, số lượng phù hiệu xe hợp đồng đã cấp là 28.355, trong đó số lượng xe Grab là 15.653 (110 đơn vị vận tải). Con số này vượt qua quy hoạch taxi năm 2025 (16.500 chiếc).

Việc không kiểm soát được số lượng xe kinh doanh gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng như ùn tắc giao thông, phá vỡ quy hoạch đô thị, Nhà nước thất thu thuế… 

Taxi truyền thống kiến nghị dừng thí điểm “taxi công nghệ” ảnh 1

 Hồi tháng 10/2017, xe taxi Vinasun treo băng rôn phản đối Grab, Uber

Hãng taxi Vinasun cho rằng, nhiều hợp tác xã “giấy" hình thành để đáp ứng các điều kiện kinh doanh vận tải. Hình thành một đội ngũ lái xe không được đào tạo, không được quản lý giám sát, không được bảo hiểm, nguy cơ cho cả lái xe và hành khách. Grab, Uber cạnh tranh không lành mạnh bằng việc liên tục đưa các chương trình khuyến mại, giảm giá nhằm triệt tiêu các doanh nghiệp taxi truyền thống.

“Taxi công nghệ” cũng bị tố là vi phạm nghiêm trọng về nghĩa vụ thuế. Vốn điều lệ của Grabtaxi là 20 tỷ đồng nhưng sau 3 năm hoạt động tại Việt Nam thì báo lỗ tới 938 tỷ đồng.

Tổng cục thuế cho biết, số thuế Grabtaxi nộp trong kỳ kinh doanh 2014-2016 là 9,5 tỷ đồng, bằng 1/130 số thuế Vinasun nộp trong cùng thời gian (1200 tỷ đồng).

Trong khi đó, theo quyết định thanh tra thuế của Cục thuế TPHCM, Uber bị yêu cầu truy thu 66,68 tỷ đồng tiền thuế. Đến nay, Uber mới chỉ đóng 13,3 tỷ đồng.

Đối với thực tiễn hoạt động tại Việt Nam, Grab, Uber chính là một công ty vận tải taxi không sở hữu phương tiện.

Do đó, hãng taxi Vinasun đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải xem xét huỷ bỏ Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 về “kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng”. Đồng thời, quản lý hoạt động Grab, Uber và các đối tác như quản lý hoạt động vận tải taxi.

Taxi Mai Linh cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét và xác định hoạt động của Grab, Uber như hoạt động của loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, và bắt buộc Uber và Grab phải tuân thủ các điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi như các công ty taxi truyền thống khác.

Trong thời gian chờ Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP được thông qua, Ban chấp hành Công đoàn Mai Linh kiến nghị xem xét dừng thí điểm “taxi công nghệ”.


Theo Dantri

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục