Viettel, VNG, Mai Linh, Vinasun... đầu tư ứng dụng gọi xe cạnh tranh với Uber, Grab

Làm App cạnh tranh với Uber, Grab, các hãng công nghệ Việt, doanh nghiệp taxi có thành công?
Ứng dụng gọi xe trực tuyến 123Xe của VNG. Ứng dụng gọi xe trực tuyến 123Xe của VNG.

Dùng công nghệ “đấu” công nghệ

Công nghệ tiên tiến, tài chính hùng hậu đã khiến Uber, Grab nhanh chóng thâu tóm thị trường gọi xe trực tuyến tại Việt Nam. Giới công nghệ cũng không thể để “miếng bánh” khổng lồ tại thị trường Việt Nam dễ dàng rơi vào tay họ. Còn các hãng taxi truyền thống cũng không thể “tự chết”: họ cũng dùng công nghệ để cạnh tranh lại với Uber, Grab.

Trong một diễn biến mới nhất, Viettel đã mua lại 30% cổ phần của sàn giao dịch vận tải Gonow, chính thức gia nhập cuộc chơi thị trường gọi xe trực tuyến. Theo đó, Viettel sẽ hỗ trợ Gonow trong việc triển khai xây dựng website, phát triển hệ thống kênh bán hàng, hệ thống chăm sóc khách hàng, dịch vụ thanh toán trực tuyến… cho Gonow.

Giống như Uber và Grab, Gonow cũng đóng vai trò trung gian, kết nối chủ xe với khách hàng có nhu cầu đi lại. Tuy nhiên, khác với hai ứng dụng ngoại, Gonow nhắm vào dịch vụ thuê xe hợp đồng với các chuyến đi tour, di chuyển giữa các tỉnh thành, đưa đón chuyên gia…

Trước đó, một đại gia công nghệ khác là VNG cuối năm 2016 đã tung ra ứng dụng gọi xe 123Xe. Điểm khác Uber và Grab là 123Xe tập trung vào thị trường ngách, phục vụ hành khách với quãng đường từ 20-500km. 

Viettel, VNG, Mai Linh, Vinasun... đầu tư ứng dụng gọi xe cạnh tranh với Uber, Grab ảnh 1

Một số ứng dụng gọi xe trực tuyến của các hãng Taxi Việt cạnh tranh với Uber, Grab. 

Ngoài ra, các hãng taxi khác như Taxi Group, Thế Kỷ Mới, Sao Thủ Đô, Vinasun… cũng đã cho ra mắt ứng dụng gọi xe, sử dụng kết hợp với tổng đài. Các ứng dụng gọi xe mới này khá hiện đại, có giao diện tương đối giống với Uber, Grab. Có hỗ trợ hiển thị khoảng cách đi và đến, tính cước phí sơ bộ, vị trí xe taxi, vị trí đón khác, cũng cho phép thanh toán bằng thẻ, đánh giá tài xế… Bước đầu, một số khách hàng sử dụng và đã cho phản hồi khá tốt.

Theo ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, hiện có khoảng 10 hãng taxi thiết lập được phần mềm ứng dụng để gọi xe và thanh toán điện tử cho khách hàng. Cơ quan quản lý nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp taxi Việt Nam triển khai các phần mềm ứng dụng tương tự để có cạnh tranh lành mạnh.

Có cạnh tranh nổi?

Các hãng công nghệ và cả chủ hãng taxi đều cho rằng, việc đầu tư làm app gọi xe trực tuyến rất đơn giản và chi phí cũng không quá tốn kém. Vấn đề không phải nằm ở việc cạnh tranh bằng app gọi xe, bởi điều khách hàng quan tâm không chỉ là sự tiện lợi từ ứng dụng thông minh mà hơn hết còn là chất lượng xe, thái độ phục vụ, giá và khuyến mại nữa.

Có những vấn đề như chất lượng xe, thái độ phục vụ taxi truyền thống có thể cải thiện và thay đổi nhưng vấn đề về giá, khuyến mại và các chính sách khác thì họ đành bó tay.

Tiềm lực tài chính mạnh mẽ, lại không có quy định ràng buộc về giá đã khiến Uber, Grab thả sức khuyến mại, giảm giá lôi kéo khách hàng. Trong khi đó, taxi truyền thống buộc phải tuân thủ các quy định một cách chặt chẽ.

Một yếu tố quyết định khác là chi phí đầu vào. Taxi truyền thống phải chịu hàng loạt thuế cao hơn (thuế GTGT 10%, thu nhập doanh nghiệp 20%), Bảo hiểm 21,5%, phí, chi phí đầu vào như hạ tầng, bến bãi, đồng hồ tính cước… Trong khi đó, Uber, Grab chỉ phải nộp 2% thuế thu nhập doanh nghiệp, 3% thuế GTGT và không đóng bảo biểm, không mất các loại phí khác…Rõ ràng, chi phí cao khiến taxi thua giá Uber, grab.

Mặt khác, taxi phải chịu sự ràng buộc của 13 quy định về điều kiện kinh doanh như không được đi vào nhiều tuyến đường cấm trong giờ cao điểm, không được tự ý điều chỉnh giá cước, mua bảo hiểm cho hành khách trên xe…

Có thể thấy rằng, cuộc chiến giữa Taxi truyền thống và taxi công nghệ Uber, Grab là cuộc chiến đầu tiên trong cuộc cách mạng 4.0 tại Việt Nam. Ở góc độ rộng hơn là thái độ ứng xử với các dịch vụ xuyên biên giới. Quản lý dịch vụ xuyên biên giới như Uber, Grab, Facebook, Google, Nextflix…như thế nào để có sự cạnh tranh bình đẳng, cùng phát triển và có lợi cho nền kinh tế sẽ là bài toán đặt ra cho các nhà quản lý trong bối cảnh các dịch vụ xuyên biên giới ngày càng xâm nhập nhiều, sâu vào thị trường Việt Nam.

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục