Từ ngày 1/9 tới, nhiều thông tin liên quan đến hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước sẽ có thể được tìm thấy trên trang thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (tại địa chỉ www.business.gov.vn) theo yêu cầu về minh bạch thông tin tại Nghị định 69/2014/NĐ-CP về tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Như vậy, cùng với các thông tin bắt buộc công bố trên trang điện tử của doanh nghiệp này, bức tranh vốn khá mù mờ về khu vực doanh nghiệp nắm giữ nguồn lực lớn nhất của nền kinh tế, hoạt động trong những lĩnh vực cốt lõi, đặc biệt là trong các lĩnh vực độc quyền... được kỳ vọng sẽ dần sáng tỏ.
Cũng phải nhấn mạnh, đây mới là các quy định. Vấn đề lúc này là kỷ luật thực thi và cơ chế giám sát trách nhiệm rõ ràng.
Trên thực tế, yêu cầu tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải công bố thông tin đã được nhắc tới nhiều năm qua, cao trào nhất là sau hàng loạt vụ bê bối trong hoạt động của một số tập đoàn, tổng công ty lớn phát lộ vào năm 2011.
Khi ấy, cả xã hội giật mình vì bức rèm tối về thông tin trong hoạt động của các doanh nghiệp này. Thậm chí, chính các cơ quan quản lý nhà nước cũng buộc phải lên tiếng thừa nhận là không có thông tin đầy đủ khi giải trình về trách nhiệm trong vụ việc Vinashin, Vinalines..., cho dù hàng quý, hàng năm, các doanh nghiệp này đều gửi báo cáo đến các địa chỉ theo yêu cầu.
Vào thời điểm ấy, một số bộ đã ra văn bản yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong ngành mình quản lý phải có báo cáo và công khai thông tin định kỳ như một cách để chữa cháy.
Rõ ràng, áp lực buộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước công bố thông tin minh bạch, có chất lượng, đúng nội dung và đúng địa chỉ không chỉ đến từ xã hội, từ cộng đồng, mà đang bắt nguồn từ chính chủ sở hữu nhà nước với chức trách được phân giao trong việc sử dụng vốn đầu tư của nhà nước.
Điều này lý giải được vùng rộng thông tin buộc phải công khai, minh bạch của Nghị định 69/2014/NĐ-CP. Có thể thấy, nhiệm vụ chủ sở hữu nhà nước giao; thông tin về cơ cấu sở hữu và tài sản; danh mục các dự án đầu tư, hình thức đầu tư, tổng ngân sách đầu tư và tiến độ thực hiện các dự án đầu tư hiện hành; các giao dịch, khoản vay, cho vay quy mô lớn… hay quy trình sử dụng vốn, đất đai, tài nguyên... đều được nhắc tới.
Thêm nữa, với việc ban hành nghị định trên, khoảng trống pháp lý của mô hình tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước tồn tại trong nhiều năm qua, sau khi Luật Doanh nghiệp nhà nước chính thức hết hiệu lực vào năm 2010, đã được khỏa lấp. Lần đầu tiên, cơ sở pháp lý và điều kiện để quản lý, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp thuộc diện đặc biệt này được lên khung, với những tiêu chí, cách thức thực hiện và đầu mối chịu trách nhiệm rõ ràng.