Đây là khẳng định của bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tại Diễn đàn “Phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững” do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức sáng ngày 24/11.
Bấy lâu nay, khi nhắc tới cụm từ hợp tác xã, nhiều người vẫn cho rằng đây là một tổ chức yếu thế, nghèo về nhân lực, tài lực, kinh nghiệm… Nhìn nhận này cần bác bỏ bởi hợp tác xã có rất nhiều “cái giàu”: giàu tính cộng đồng, tình cảm, nguồn lực con người, kinh nghiệm... Cái yếu duy nhất của hợp tác xã hiện nay là liên kết sản xuất chuỗi từ sản xuất, phân phối.
“Hợp tác xã có phát triển bền vững mới giúp ngành nông nghiệp Việt Nam thoát khỏi tình cảnh manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”, bà Cao Xuân Thu nhấn mạnh.
Nhằm tạo động lực giúp hợp tác xã nông nghiệp phát triển bền vững, ông Vũ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương đưa ra ý kiến rằng, nông nghiệp bền vững phát triển hài hòa cần dựa trên 3 trụ cột: có sự tăng trưởng ổn định, lâu dài; bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, hợp lý tài nguyên thiên nhiên; bảo đảm sự công bằng quyền và lợi ích giữa các bên tham gia hoạt động nông nghiệp và không làm ảnh hưởng tới lợi ích của các thế hệ trong tương lai.
Chuyển đổi xanh trong nông nghiệp là quá trình hết sức khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm chính trị rất cao, trong khi không ít thành viên tham gia hoạt động của hợp tác xã còn hình thức, chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong hợp tác xã.
Ông Vũ Mạnh Hùng cho rằng để nâng cao hiệu quả quá trình chuyển đổi xanh của các hợp tác xã nông nghiệp cần chú trọng tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, các cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh đối với các hợp tác xã. Các cơ quan quản lý quan tâm hỗ trợ các hợp tác xã qua các chương trình, đề án…
Đồng thời, cần nâng cao ý thức sản xuất, tiêu dùng có trách nhiệm đối với các hợp tác xã nông nghiệp. Việc sản xuất có trách nhiệm chính là thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững hoặc hướng tới bền vững và không làm hại tới môi trường.
“Các doanh nghiệp chế biến phải đảm bảo những yêu cầu tiêu chuẩn chế biến, các tiêu chuẩn để đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu”, ông Vũ Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Hiện nay, sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, tiêu dùng xanh… đã và đang trở thành xu hướng phát triển trên toàn cầu. Tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… người tiêu dùng ngày càng có xu hướng quan tâm nhiều đến bảo vệ môi trường bên cạnh chất lượng và giá cả sản phẩm.
Điển hình như thị trường châu Âu (EU) đang có xu hướng dịch chuyển rất mạnh sang tiêu dùng xanh, sạch, đòi hỏi đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch động thực vật, các quy tắc về truy xuất nguồn gốc, các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và quy trình đóng gói, vận chuyển.
Bà Lê Việt Nga Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Vnbusiness) |
Trước thực tế đó, bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, việc phát triển nông nghiệp bền vững giờ đây không còn là vấn đề khuyến khích, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc của nhiều thị trường xuất khẩu. Vì vậy, nếu Việt Nam muốn tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để tăng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản vào các thị trường có yêu cầu cao như EU thì không thể không quan tâm đến các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.
Theo điều tra của Công ty NielsenIQ năm 2023, theo thời gian, người tiêu dùng ngày càng coi trọng yếu tố bền vững, thân thiện môi trường khi mua sắm với 55% người được khảo sát coi yếu tố này là rất quan trọng và 37% coi là quan trọng.
Do đó, Bộ Công Thương đã triển khai thí điểm các mô hình, hàng hóa được phân phối trong các hệ thống hiện đại luôn được doanh nghiệp phối hợp với các nhà cung ứng, trong đó có các liên minh hợp tác xã, hợp tác xã, hộ nông dân cùng nỗ lực kiểm soát nhằm đảm bảo đáp ứng các tiêu chí về hồ sơ chứng từ, quy trình sản xuất, trồng trọt, đặc biệt là nông sản được kiểm tra an toàn thực phẩm để đảm bảo chất lượng trước khi đến tay người tiêu dùng.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đang phát triển và kết nối hệ thống chợ đầu mối nông sản thành các đầu mối logistics, dịch vụ tổng hợp và cung ứng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp bền vững ở Việt Nam.
Tuy vậy, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho rằng, cần có các giải pháp tổng thể để hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế thúc đẩy phát triển bền vững, trong đó có phát triển bền vững nông nghiệp.
“Tiếp tục triển khai quá trình quản lý năng lượng, giảm khí nhà kính, quản lý các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm bằng cách áp dụng mô hình sản xuất theo các tiêu chuẩn xanh đã được chuẩn hóa; Thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết giá trị, chuỗi giá trị sản phẩm bền vững, từ sản xuất đến thu mua - chế biến - bảo quản - tiêu thụ theo các tiêu chuẩn do thị trường đề ra. Trong đó, Liên minh hợp tác xã Việt Nam và các hợp tác xã đóng vai trò quan trọng vào mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh và nước Việt Nam thịnh vượng”, bà Nga nhấn mạnh.