Tạo lực đẩy cho Nam Phú Yên và Bắc Khánh Hòa bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
Đề án liên kết “Nam Phú Yên-Bắc Khánh Hòa” đặt mục tiêu thu hút đầu tư vào KKT Nam Phú Yên khoảng 50 dự án mới, KKT Vân Phong (Khánh Hòa) khoảng 150.000 tỷ đồng vốn đăng ký mới.
Đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông được xác định là đòn bẩy, tạo động lực phát triển liên kết 2 vùng kinh tế Bắc Khánh Hòa và Nam Phú Yên trong thời gian tới. Đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông được xác định là đòn bẩy, tạo động lực phát triển liên kết 2 vùng kinh tế Bắc Khánh Hòa và Nam Phú Yên trong thời gian tới.

Không để lãng phí tiềm năng

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa đến năm 2025; bao gồm 3 huyện phía Nam Phú Yên là Sông Hinh, Đông Hòa, Tây Hòa và 2 huyện phía Bắc Khánh Hòa là Vạn Ninh, Ninh Hòa, với tổng diện tích 351.500 ha.

Quyết định phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ xác định đây là vùng kinh tế tổng hợp đóng vai trò động lực của khu vực duyên hải Nam Trung bộ; có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế biển; cửa ngõ giao thông đường bộ, đường thủy và hàng không của khu vực duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên; có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh quốc gia…

Thế nhưng, đã gần 10 năm từ khi Quy hoạch xây dựng được phê duyệt, vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa vẫn chưa thể hiện được vai trò động lực của khu vực duyên hải Nam Trung bộ.

Tại khu kinh tế Nam Phú Yên, giai đoạn 2016 - 2020, chỉ thu hút 49 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 4.606 tỷ đồng; còn Khu kinh tế Vân Phong mới có 42 dự án.

Ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên, cho biết, 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa đã hoàn tất Đề án chung về Cơ chế, chính sách liên kết vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo Đề án, 2 tỉnh kiến nghị Chính phủ bổ sung khu Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa vào Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ xem xét một số chính sách phù hợp để tạo động lực phát triển, như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với dự án mang tính động lực

Cũng theo đề án này, mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2021-2025 là Khánh Hòa sẽ thu hút ít nhất 150.000 tỷ đồng vốn đăng ký đầu tư mới; Phú Yên thu hút 30-50 dự án mới.

"Liên kết vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa được kích hoạt sẽ giúp 2 địa phương trở thành vùng kinh tế tổng hợp, đóng vai trò động lực của khu vực duyên hải Nam Trung bộ", Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế chia sẻ.

Đòn bẩy hạ tầng giao thông

Đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông được xác định là đòn bẩy, tạo động lực phát triển liên kết 2 vùng kinh tế Bắc Khánh Hòa và Nam Phú Yên trong thời gian tới.

Theo ông Thế, những năm qua, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên kết khu vực Bắc Khánh Hòa - Nam Phú Yên cần vốn rất lớn, tuy đã được quan tâm đầu tư, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Đề án liên kết vùng lần này đã đưa ra 8 dự án trọng điểm của tỉnh Phú Yên để đầu tư, phát triển trong giai đoạn 2021-2025, gồm: nâng cấp sân bay Tuy Hòa lên công suất 5 triệu khách/năm; đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam qua Phú Yên; tuyến đường sắt Tuy Hòa đi Tây Nguyên; mở rộng Quốc lộ 25 đi Tây Nguyên; nâng cấp cảng Vũng Rô lên 2,5 triệu tấn/năm; xây dựng tuyến ven biển đến cảng Bãi Gốc; kết nối với Quốc lộ 1 đi Khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và xây dựng tuyến cao tốc nối Phú Yên với Tây Nguyên.

“Kế hoạch phát triển trong 5 năm tới, Phú Yên sẽ đầu tư kết cấu hạ tầng, xây dựng và phát triển khu kinh tế Nam Phú Yên trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn của vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên; từng bước khẳng định vị trí là một trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm quốc gia", ông Thế cho biết.

Về đòn bẩy hạ tầng giao thông, theo đánh giá từ Bộ Giao thông - Vận tải là phải theo lộ trình bởi vốn đầu tư lớn. Về giao thông đường hàng không, bộ này cũng đã thống nhất với UBND tỉnh Phú Yên sẽ tài trợ Quy hoạch Cảng hàng không Tuy Hòa làm cơ sở để đầu tư nâng cấp, mở rộng.

Đối với giao thông đường bộ, Bộ Giao thông - Vận tải đã nghiên cứu phương án đầu tư, phân chia dự án thành phần các đoạn thuộc cao tốc kết nối Cảng hàng không Tuy Hòa với khu vực Bắc Vân Phong. Theo đó, đoạn qua địa bàn 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa có 2 dự án thành phần, gồm: đoạn Chí Thạnh - Vân Phong (51 km) và đoạn Vân Phong - Nha Trang (83 km). Bộ Giao thông - Vận tải đã hoàn thiện công tác thẩm định nội bộ trình Thủ tướng Chính phủ để tổ chức thẩm định, làm cơ sở trình Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, Khánh Hòa rất đồng thuận với kiến nghị của Phú Yên và mong các cơ quan chức năng hỗ trợ và tạo cơ chế để kết nối các khu kinh tế Nam Phú Yên với Bắc Vân Phong. Đây là khu vực có 500 km bờ biển, thuận lợi để phát triển kinh tế du lịch, hàng hải…

Việt Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục